Cổ phần hóa chậm do tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất

TPO - "Việc cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất. Đó là chưa kể, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, một số thủ tục hành chính không cần thiết đã kéo dài quá trình cổ phần hóa", PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ nói.

Tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất

Ngày 23/8, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công".

Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT, cho biết, sau gần 8 năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Trong khi đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Ở một góc độ nhỏ hơn, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cho rằng, những năm gần đây cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những khó khăn trong xác định giá trị quyền sử dụng đất.

"Việc cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất. Đó là chưa kể, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, một số thủ tục hành chính không cần thiết đã kéo dài quá trình cổ phần hóa", PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ nói.

Cổ phần hóa chậm do tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất ảnh 1

Toàn cảnh buổi hội thảo ngày 23/8

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Huệ (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 còn nhiều tồn tại, cụ thể: Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai.

Theo TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất thời gian qua tại một số địa phương chưa nghiêm. Ông Quyền dẫn báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021 đã phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha đất. Kết quả thực hiện kết luận thanh tra đã thu hồi về cho Nhà nước 3.931 ha trên tổng số 7.727 ha phải thu hồi, trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Quyền cho rằng, cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách pháp luật liên quan. Nhất là những cơ chế chính sách trước đó đã tạo kẽ hở khó thực hiện, khó quy trách nhiệm khi để ra sai phạm. Trên cơ sở đó mới phân loại, truy rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân tổ chức có liên quan.

Cổ phần hóa chậm do tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất ảnh 2

Một khu đất đấu giá ở Hà Nội sau nhiều năm vẫn để hoang, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Luật Đất đai 2023 tạo cơ sở pháp lý đầy đủ

Theo PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Luật Đất đai năm 2023 sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình sắp xếp cổ phần hóa hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Huệ (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, Quốc hội cần tiếp tục tăng cường giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, nhất là khu vực đất công. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thành việc rà soát, thống kê, công khai danh mục dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Từ đó, có các giải pháp xử lý, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Cổ phần hóa chậm do tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất ảnh 3
TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT, cho biết, Luật Đất đai 2023 đã kế thừa, hoàn thiện các quy định về các nguyên tắc sử dụng đất, bổ sung nguyên tắc bảo vệ đất. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất quản lý đất.

Đặc biệt, luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, còn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai. Ngoài ra, luật cũng phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

MỚI - NÓNG