Có niềm tin mới 'xuống tiền'

Ngân hàng ứ đọng vốn nhưng ngại cho vay, trong khi DN đang khát vốn Ảnh: Đại Dương
Ngân hàng ứ đọng vốn nhưng ngại cho vay, trong khi DN đang khát vốn Ảnh: Đại Dương
TP - Trong khi nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng (NH) phải hạ lãi suất thì doanh nghiệp (DN) mới có thể tiếp cận vốn vay, tuy nhiên, có chủ ngân hàng cho rằng cần khôi phục niềm tin giữa DN và NH mới có thể “xuống tiền”.

> Khi ngân hàng đắn đo… tiền gửi trăm tỷ

Ngân hàng ứ đọng vốn nhưng ngại cho vay, trong khi DN đang khát vốn Ảnh: Đại Dương
Ngân hàng ứ đọng vốn nhưng ngại cho vay, trong khi DN đang khát vốn.  Ảnh: Đại Dương.

Doanh nghiệp sợ lãi suất cao

Kể từ hôm nay, 11-6, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất huy động tiền đồng sẽ chính thức hạ xuống 9%/năm. Tuy nhiên, cả tuần trước đó nhiều NH đã hạ lãi suất xuống mức này và áp dụng ngay mức lãi suất huy động mới.

Cùng đó, lãi suất cho vay phải giảm xuống mức 13%/năm nhưng hiện vẫn chưa NH nào có động thái hạ lãi suất theo quy định.

Ngay cả khi đã thông báo hạ lãi suất cho vay (ở những lần trước đó) nhưng nhiều NH vẫn tìm cách trì hoãn việc cho vay lãi suất mới và tiếp tục duy trì lãi suất cho vay ở mức rất cao so với lãi suất quy định.

Một điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào tháng 4-2012 cho thấy, rất nhiều DN vẫn phải vay vốn với lãi suất 18%/năm từ NH, cao hơn nhiều do với lãi suất quy định 15%.

Tại một cuộc thảo luận bàn tròn giữa các DN và NHTM diễn ra cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh, nhiều DN cũng xác nhận điều này.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty Tân Kỷ Nguyên, ông Phan Hoài Thanh cho biết: Cty ông có doanh số 100 tỷ đồng, tình hình tài chính tốt và chỉ nợ dài hạn 37 tỷ đồng. Mặc dù lãi suất cho vay đã nhiều lần hạ nhưng ngân hàng này vẫn chưa hạ lãi suất cho Tân Kỷ Nguyên và vẫn duy trì ở mức 18%/năm.

Theo ông Thanh, do ngân hàng mà DN ông đang quan hệ là ngân hàng nhỏ, yếu nên khả năng giảm lãi suất cũng chậm hơn. Tuy vậy, ông lại không thể đi vay nơi khác bởi mọi tài sản đảm bảo vẫn đang thế chấp cho khoản vay trên.

Để tìm nguồn vốn, nhiều DN phải tìm cách chuyển hồ sơ sang NH khác hoặc mở thêm quan hệ với một vài ngân hàng khác. Nhưng việc này cũng khiến DN gặp không ít trở ngại.

“Nếu quan hệ thêm một NH, đồng nghĩa với việc NH đó sẽ đến kiểm tra hồ sơ sổ sách, thẩm định lại từ đầu các tài sản thế chấp… gây phiền toái và rất mất thời gian” - Tổng GĐ Cty TM XNK An Phú Gia, ông Trần Duy Phú nói. Thêm vào đó, ông Phú cũng băn khoăn, biết NH khác có tin DN làm ăn uy tín, trả nợ đúng hạn như NH cũ hay không?

Ngân hàng “phòng thủ”

Theo các chuyên gia, hiện đang tồn tại một nghịch lý, đó là NH thừa vốn, trong khi DN có nhu cầu không vay được, vì hàng hóa sản xuất ra không bán được nên không trả được nợ.

Chủ tịch Ngân hàng ACB, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng DN khó tiếp cận là có nhiều lý do, lãi suất cao chỉ là một trở ngại.

Hiện nay, vấn đề cơ bản là DN không đủ tiêu chuẩn để NH cho vay tiếp, bởi họ nợ đầm đìa, nợ xấu lớn, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, hàng hóa sản xuất ra không bán được… nên ngân hàng không có cách gì cho vay, để tránh rủi ro.

“Nợ xấu của NH bây giờ cũng không thấp lắm và NH không muốn làm cho nợ xấu tăng lên”- ông Giá nói.

Theo Phó TGĐ HDBank, ông Phạm Thiện Long, có nhiều lý do để các NH buộc phải “phòng thủ”. Ông cho biết, nhiều NH không thể liên lạc được với các DN là khách vay để giải quyết nợ quá hạn.

Bên cạnh đó, nhiều DN dường như đã “lừa” các NH khi đưa ra thế chấp vay vốn không đảm bảo. Có DN tại TPHCM thế chấp một lượng lớn gỗ để vay vốn, nhưng sau đó NH phát hiện tỷ lệ gỗ mục ruỗng cao, và không thể bán gỗ đó thu hồi khoản tiền đã cho vay.

Hay, có DN cà phê ở Buôn Mê Thuột thế chấp cả kho hàng cà phê để vay vốn, nhưng sau đó NH phát hiện toàn là cà phê kém chất lượng.

“Những sự cố đó khiến các NH càng trở nên rụt rè và rất sợ cho vay”- ông Long nói.

Bởi thế, theo ông Long, NH và DN cần xây dựng lại lòng tin để cùng nhau hợp tác thì mới có thể khơi thông dòng vốn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.