Có một cuộc chiến khác thời COVID: Bình tĩnh để chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00
Khách sạn cộng đồng miễn phí cho y bác sĩ và người dân có nhu cầu tại TPHCM
Khách sạn cộng đồng miễn phí cho y bác sĩ và người dân có nhu cầu tại TPHCM
TP - Nhận định tình hình, thay đổi linh hoạt kịch bản để ứng biến với tin đồn và dịch bệnh, những động thái đó của chính quyền TPHCM khiến người dân thêm tin tưởng và chung tay đẩy lùi COVID-19.

“Miễn nhiễm”

Những ngày gần đây, người dân TPHCM đã không còn cảnh chen nhau đến siêu thị mua thực phẩm, ngay cả khi 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách để phòng, chống COVID-19. “Trước đây, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16 là mọi người lại hùa nhau mua thực phẩm vì có tin đồn các cửa hàng sẽ đóng cửa, mọi doanh nghiệp ngừng sản xuất nhưng sự thật khác xa thực tế, thực phẩm vẫn đầy ăm ắp, thậm chí còn nhiều và dễ mua hơn trước. Do đó khi thực hiện giãn cách 19 tỉnh thành phía Nam cũng có tin đồn tương tự, chúng tôi đã “miễn dịch” với những thông tin thất thiệt như vậy” - chị Huỳnh Thị Minh Nguyệt (giáo viên cấp 2, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM” cho biết.

Vừa đến Bưu cục quận 5 đóng bảo hiểm, bà Thu Thanh (65 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Luông, Q.6, TPHCM) bất ngờ thấy quầy hàng rau củ tươi roi rói, giá lại “siêu mềm”. “Tôi mua được khoai tây, cà rốt, dưa leo, bí đỏ… vừa nhanh vừa rẻ. Trên đường về nhà, tôi thấy nhiều điểm bán hàng lưu động với đủ các loại thực phẩm từ thịt cá, rau củ… người dân đến mua là có. So với chuyện xảy ra cách đó chỉ tầm 15 ngày thôi, người dân dậy từ mờ sáng, đội nắng xếp hàng để chờ đợi mua từng bó rau mà nghẹn ngào. Việt Nam là nước nông nghiệp nên không có chuyện thiếu thực phẩm. Nhà nước cũng sẽ không để dân không có thực phẩm nên mọi người đừng lo” - bà Thanh nhắn nhủ.

Trước khu vực phong tỏa trên đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TPHCM), dãy dài người giao hàng công nghệ, nhân viên hỗ trợ mua sắm xếp hàng dài để gửi đồ vào trong. Dù nhà phong tỏa gần tháng nay, nhưng chị Hoàng Thị Mai (27 tuổi) vẫn đặt được mọi thứ cần thiết, có người giao tận nơi trong ngày. “Siêu thị có website, các cửa hàng có ứng dụng, thương mại điện tử đặt hàng online… Giờ còn có nhiều nhóm đi chợ hộ. Mình nhắn tin là có hàng nên dù trong khu phong tỏa nên không quá lo lắng” - chị Mai cho biết.

Có một cuộc chiến khác thời COVID: Bình tĩnh để chiến thắng ảnh 1

Người dân mua thực phẩm tại Bưu cục quận 5

Theo nhiều người dân tại TPHCM, họ không còn quá bất an như giai đoạn đầu giãn cách. Ngoài tạo “luồng xanh” để xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu được dễ dàng, mới đây, TPHCM còn sử dụng tàu cao tốc đưa hàng tấn nông sản, thực phẩm về thành phố; lập đường dây nóng để người dân phản ánh giá cả, những nơi đầu cơ, tăng giá cao bất thường… trong mùa dịch.

Ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, tình hình mua sắm của người dân thành phố những ngày qua giảm rõ rệt. Đặc biệt tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa lẫn số lượng người mua đều giảm. Các chuyến hàng lưu động có trường hợp dư thừa, tồn và phải mang về. Thành phố không còn khan hiếm rau củ, thực phẩm. “Với nỗ lực của hệ thống phân phối, mạng lưới thu mua, chúng tôi cũng vận động được nhiều đơn vị có năng lực, cơ sở vật chất, phương tiện tham gia kết nối doanh nghiệp nguồn cung hàng hóa để đưa hàng về thành phố kịp thời” - ông Phương nói.

Chung sức

Trong thời gian giãn cách, thành phố liên tục thay đổi chiến lược để phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Cụ thể như lấy mẫu xét nghiệm tại nhà; cách ly F1 tại nhà; thí điểm sử dụng công nghệ để quản lý người cách ly tại nhà…

Sở Du lịch TPHCM thông tin, có gần 100 khách sạn hỗ trợ miễn phí và giảm giá từ 30 - 70% cho một số người nhập cảnh, người cách ly F1 không đủ chi phí, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong hoạt động hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ lực lượng y bác sĩ, đã có hơn 20 khách sạn miễn phí 100% chỗ lưu trú. Ngoài ra, nhiều khách sạn đang vận hành mô hình “khách sạn cộng đồng” cho người khó khăn, có hoàn cảnh cơ nhỡ, không về quê được.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, những hành động này tuy nhỏ nhưng đong đầy tình cảm, sự tri ân và sự kính trọng mà ngành du lịch dành cho đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngành du lịch cũng mong muốn chia sẻ chút gánh nặng với những hoàn cảnh khó khăn và chung tay xây dựng hình ảnh “TPHCM nghĩa tình”.

Đồng hành cùng thành phố, nhiều đơn vị, cá nhân đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch. Cụ thể, ngày 22/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ xuất quân cho 299 tình nguyện viên các tổ chức tôn giáo tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho biết, thời gian qua, dịch COVID - 19 đã và đang đe dọa sự an toàn, sức khỏe của nhân dân cả nước và hiện nay đã bùng phát lan rộng tại nhiều địa phương làm tình hình đời sống xã hội thành phố bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến đồng bào nghèo. Rất nhiều gia đình đã mất việc làm, hoặc thu nhập hết sức bấp bênh. “Với tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của người dân thành phố, của các tình nguyện viên sẽ được nhân rộng, phát huy cao độ huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn. Sự tình nguyện của các tình nguyện viên sẽ là động lực, là chất xúc tác mạnh mẽ để TPHCM chiến thắng dịch COVID -19”- bà Châu nhấn mạnh.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kêu gọi toàn người dân TPHCM tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ, quyết tâm thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội để ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch bệnh, sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới. Theo ông Phong, qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, công tác phòng, chống dịch của thành phố được Chính phủ và Bộ Y tế đánh giá là đang đi đúng hướng, đạt được một số kết quả nhất định.

“Chúng ta cùng chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt và một số bất tiện, khó khăn hơn so với điều kiện bình thường để thành phố có thể ổn định, phát triển bền vững; đồng thời phát huy cao nhất tinh thần nghĩa tình, những nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, san sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn này”. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng vẫn còn có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, vi phạm các quy định về giãn cách xã hội. Một số khu vực chưa cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm, thiếu hàng hóa cục bộ, giá cả hàng hóa có tăng so với ngày thường. Vẫn còn tình trạng đưa các thông tin sai sự thật, gây kích động, hoang mang dư luận xã hội làm cho người dân có lúc cảm thấy bất an, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống dịch của thành phố.

Để có thể ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, Đảng bộ và Chính quyền thành phố rất cần các tầng lớp Nhân dân tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ, quyết tâm thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội. Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng.

MỚI - NÓNG