Những người giữ chốt
Khi dịch bệnh gia tăng, chốt kiểm soát phong toả gần như hiện diện ở mọi nơi, từ đầu những con hẻm cho tới cổng các khu chung cư, từ trung tâm thành phố cho tới các khu vùng ven. Chốt kiểm soát phong tỏa nhiều khi chỉ là một hàng rào đơn sơ với vài sợi dây vạch đỏ trắng được giăng ra và một chiếc dù, vài cái ghế.
Thường trực ở chốt là những dân phòng cùng lực lượng công an. Họ có mặt ở đó ngày đêm, với nhiệm vụ kiểm soát người qua lại. Công việc tưởng như đơn giản thực ra lại là muôn vàn khó khăn.
Công an TPHCM hiện đang duy trì hàng trăm chốt trạm tại các quận huyện trên địa bàn. Ngoài ra, Công an TP còn bố trí thêm 600 tổ tuần tra kiểm soát cơ động. Theo thống kê, từ ngày 9-21/7, các chốt trạm trên địa bàn TPHCM đã kiểm soát hơn 1,3 triệu lượt phương tiện và khoảng 1,5 triệu lượt người tham gia giao thông. Đa số các trường hợp kiểm tra chỉ là nhắc nhở. Công an cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng, kiểm tra xử phạt vi phạm đối với 4.500 trường hợp.
Anh Lê Văn Hòa, một dân phòng trực chốt tại khu vực Bàn Cờ (Q.3, TPHCM) kể, anh có mặt gần như 24/24 ở chốt này được hơn một tháng qua. Ngày cơm hộp, nước suối, tối “nửa ngủ nửa thức” trên chiếc ghế bố là chuyện bình thường. Nhưng khó khăn của lực lượng dân phòng không phải đến từ nơi ăn chốn ở tạm bợ mà chính từ việc giám sát, đối phó với những người thiếu ý thức, cố tình vi phạm.
Đa số những người dân đều chấp hành quy định về giãn cách, nhưng cũng có một số ít người “cố tình” không hiểu nên cứ đòi… vượt chốt.
Hàng trăm ngàn lý do được nêu ra để thuyết phục lực lượng chức năng như đi khám bệnh, đi thăm người nhà, đi đưa đồ quan trọng. Khi không thuyết phục được thì có người la lối, thậm chí còn đe doạ hành hung dân phòng.
“Chính vì thế các chốt phong toả đều phải có lực lượng công an hỗ trợ đề phòng những đối tượng chống đối quá khích”- anh Hoà nói.
Chốt kiểm soát dịch bệnh tại TPHCM trong những ngày đại dịch qua tranh của họa sỹ Lê Sa Long |
Nhưng không chỉ làm nhiệm vụ giữ chốt, lực lượng dân phòng thường phải kiêm thêm nhiệm vụ “bất đắc dĩ”, đó là nhận và giao đồ cho người dân trong và ngoài khu phong tỏa ...
Với những khu cách ly ít dân còn đỡ, nhưng với khu dân cư cả ngàn hộ dân, việc gửi và nhận hàng có khi lực lượng dân phòng phải mượn cả xe kéo mới chuyển hết. Và đủ chuyện vui buồn, cười ra nước mắt cũng không thiếu từ “chiếc cầu nối” tù và hàng tổng này.
Khi thì “Anh ơi! Hàng em đặt là loại A, sao giờ anh lại giao em loại B?”; “Anh ơi! Em không nhận quà tặng này đâu! Họ tặng hàng cứu trợ mà loại này thì nhà em lại đang thừa, anh tìm cách trả lại giúp em nha”; “Anh ơi! Nếu gặp shiper, anh nhớ nói đổi cho em băng vệ sinh loại “có cánh”, loại kia anh ấy giao không đúng”…
“Lực lượng dân phòng nhiều khi chỉ biết cười như mếu bởi những tình huống không thể phản kháng. Trước khi nhận nhiệm vụ trực chốt, họ có được tập huấn những chuyện như thế này đâu!” - anh Bình, dân quân tự vệ giữ chốt trên đường An Dương Vương (Q.Bình Tân, TPHCM) bộc bạch.
1001 lý do lách chốt, vượt rào
Khi TPHCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, các quy định về hạn chế người dân đi lại đã được triển khai rõ ràng tới từng hộ dân. Tuy nhiên, cũng có những người dân vẫn tìm cách lách luật, ra khỏi nhà để làm những công việc không quan trọng như tập thể dục, thăm bạn bè, thậm chí chở người yêu đi ngắm… phố vắng. Vì thế, công việc kiểm soát của ngành chức năng càng thêm vất vả.
Nguyễn Văn Đức, một chiến sĩ công an trong tổ kiểm soát thuộc phường Phước Bình (TP Thủ Đức) kể, ngay trong ngày đầu tiên thành phố thực hiện giãn cách, chỉ trên một tuyến đường nội bộ trong phường, tổ của anh phát hiện, xử lý cả trăm trường hợp vi phạm quy định. Trong đó nhiều nhất là những người dân đi tập thể dục, thậm chí có cả những người vi phạm mấy lần khi vừa bị nhắc nhở vì đi mua rau, lát sau lại vi phạm vì chợt nhớ ra là còn thiếu gia vị.
“Dù biết rất rõ Chỉ thị 16 nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen ngày thường, chuyện gì cũng ra đường. Phần lớn những trường hợp như thế chúng tôi chỉ nhắc nhở, nhưng với những trờng hợp vi phạm chúng tôi phải cương quyết xử lý. Hơn chục trường hợp bị xử phạt hành chính từ 2- 3 triệu đồng do cố tình vi phạm”- anh Đức cho biết.
Khi xử phạt nghiêm khắc, có người đâm ra ghét lực lượng kiểm soát. Đã có những trường hợp cố tình lách luật như khi đi tập thể dục thì đem theo túi gạo, bó rau như là vừa đi chợ về; hay có người ra đường luôn thủ sẵn một túi thuốc tây, gặp đội kiểm soát thì nói đi mua thuốc gấp về cho người nhà đang bệnh…. Và khi bị nhắc nhở nhiều lần lại tìm cách gây sự…
Bà Nguyễn Thị Hằng, nhà ở gần một chốt kiểm soát trên đường Dương Đình Hội (TP Thủ Đức) đã thốt lên khi thấy ngày nào ở các chốt kiểm soát cũng có chuyện cãi lộn: “Tôi thương mấy chú ở đội kiểm soát quá. Họ phải bỏ nhà cửa, đội nắng mưa để trực chốt, đảm bảo cho mọi người chấp hành nghiêm túc việc giãn cách xã hội, vậy mà có những người luôn có lý do riêng để tìm cách ra đường, khi bị xử phạt thì lại la lối, mắng nhiếc người thi hành công vụ.
Thử hỏi ai cũng nêu lý do cần thiết để ra đường thì dịch sẽ còn bùng phát đến đâu. Sao không tự hạn chế nhu cầu thay vì tìm những kẽ hở trong quy định để cố tình đối đầu với lực lượng chức năng?”- bà Hằng bức xúc.
Là người đã có nhiều hành trình rong ruổi khắp đường phố HCM trong những ngày dịch bệnh để ghi nhận tấm lòng người dân. Họa sỹ Lê Sa Long - chia sẻ: “Người và phương tiện xe qua lại chốt kiểm soát đều phải dừng lại để lực lượng trực đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế rõ ràng và nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, lực lượng giữ chốt vẫn không chủ quan lơ là, mất cảnh giác, bởi nếu có ca mắc trong cộng đồng thì chính quyền cùng bà con Sài Gòn sẽ rất vất vả!
Chứng kiến lực lượng túc trực chốt kiểm soát làm nhiệm vụ cực nhọc, vất vả ngày đêm nên có nhiều người dân tự nguyện đến tận chốt kiểm soát tặng nước, quà và bày tỏ sự đồng tình với địa phương đã kịp thời, nhanh chóng thành lập các chốt kiểm soát này.
Là họa sĩ và cũng từng trải qua binh ngũ, tôi thấu hiểu trách nhiệm của các anh, tôi rất cảm kích và vẽ những bức tranh như lời cảm ơn đến các anh”.
(Còn nữa)