Cổ Loa bị xâm hại, chính quyền ở đâu?

TP - Câu chuyện xâm phạm thành Cổ Loa nhức nhối từ 60 năm trước, nay tiếp diễn. Các cơ quan chức năng thủ đô vẫn “án binh bất động” trước nguy cơ phá hủy ở di tích hai nghìn tuổi này.

Thành Cổ hóa bãi rác

Lời kêu cứu cho khu di chỉ Vườn chuối chưa nguội bớt, PGS.TS Nguyễn Văn Huy lại phát đi lời kêu cứu cho thành Cổ Loa. “Thành và hào Cổ Loa đang biến thành bãi rác. Đổ rác công khai lấp hào. Đau xót quá”, PGS.TS Huy chia sẻ. 

Thành Cổ Loa bị xâm hại nhiều năm, đến nay tiếp diễn với mức độ đáng báo động. Nhiều đoạn thành Trung gần khu đền thờ An Dương Vương (thôn Lan Trì) trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt và rác thải xây dựng. Nhiều người dân thản nhiên lấp hào nước của Cổ Loa để biến thành ruộng; đào ao, đầm để canh tác. Khu vực thành ngoại hiện đang tập kết rất nhiều vật liệu xây dựng để chuẩn bị cho các công trình dân sinh.

Thành, hào ở Cổ Loa đang bị xâm phạm nghiêm trọng Thành, hào ở Cổ Loa đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

“Dân lấn chiếm, chính quyền thôn cũng lấn - như nhà văn hoá thôn Lan Trì xây dựng trên đất di tích. Đang có cuộc vận động bình bầu Hà Nội là điểm tham quan hấp dẫn của thế giới, ấy vậy mà chúng ta có di tích hai ngàn năm không bảo vệ nổi”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Đại diện BQL di tích Cổ Loa cho biết thêm, ngay cả đoạn thành hào không có sổ đỏ cũng bị xâm hại. Việc trồng cây trên thành có thể giúp giữ đất, nhưng nhiều hộ được giao chưa bảo vệ đất nên việc đào hố, trồng cây ngắn ngày cũng làm xói mòn đất. “Vấn đề nổi cộm là người dân khi xây dựng đổ phế liệu ra hào làm ô nhiễm môi trường, xâm hại trực tiếp đến di tích hào”, vị này xác nhận. 

“Giá trị của thành Cổ Loa cực kỳ quan trọng, được khẳng định qua các kết quả khảo cổ: Quy mô lớn, còn di tích hiện lên trên mặt đất từ hai nghìn năm qua là quá vĩ đại. Thế nhưng giá trị đó bị xâm hại hàng ngày, hàng giờ”, PGS.TS. Lại Văn Tới, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nói. Ông gắn bó với quá trình khảo cổ, và nghiên cứu di tích này mấy chục năm qua. Ông tỏ ra chán nản vì giới khoa học nói mãi câu chuyện Loa Thành suốt mấy chục năm bị xâm hại mà không có kết quả.

Năm 1962 Cổ Loa được công nhận Di tích quốc gia, 2012 mới trở thành Di tích quốc gia đặc biệt có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ.

Thành, hào ở Cổ Loa đang bị xâm phạm nghiêm trọng Thành, hào ở Cổ Loa đang bị xâm phạm nghiêm trọng.  Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Lúng túng quản lý

“Câu chuyện này kéo dài hơn 60 năm, Hà Nội không giải quyết được vấn đề cơ bản của di tích-xác định ranh giới di tích thành và hào. Chính vì vậy mà đối với Cổ Loa, việc quản lý như gà mắc tóc”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. 

Ông Huy cho rằng BQL di tích Cổ Loa làm tốt trách nhiệm, họ lo lắng trước việc di tích bị xâm hại nhưng họ không có quyền hạn: Về mặt pháp lý họ chỉ quản lý một số di tích, thành và hào do chính quyền địa phương quản lý trực tiếp. Đại diện BQL di tích Cổ Loa xác nhận, BQL được giao quản lý và phát huy giá trị đền thờ Vua An Dương Vương, khu vực Giếng Ngọc, đình Ngự triều di quy, am Mỵ Châu, hai khu vực khác trong diện dự án quy hoạch bảo tàng, còn lại do chính quyền địa phương quản lý. 

Các di tích do BQL trực tiếp giám sát không có điều gì đáng chê trách, người dân cũng quan tâm và công đức tu bổ nhiều di tích đình chùa xuống cấp suốt thời gian qua ở thành Cổ Loa. Đại diện BQL di tích nêu bất cập chủ yếu ở thành, hào. Việc người dân lấn chiếm và xây dựng có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc họ sinh sống trên thành, hào từ nhiều năm nay và đất đó có sổ đỏ. “Chính quyền địa phương không rõ ràng về di tích, không biết làm thế nào với vi phạm. Người dân nhận thức không đầy đủ nên xâm phạm di sản là điều dễ hiểu và đáng tiếc”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy nói.

Thành, hào ở Cổ Loa đang bị xâm phạm nghiêm trọng Di tích thành Cổ Loa cần được bảo tồn tổng thể

Ông phân tích một trong những nghịch lý khác-quy trình ngược trong quản lý thành Cổ Loa- nghĩa là chỉ tập trung bảo tồn và quản lý các công trình kiến trúc, trong khi giá trị lớn lao nằm ở thành và hào lại bị xem nhẹ. Trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2.000 xác định vùng lõi cần ưu tiên tối đa bảo tồn khu thành Nội-khu tập trung các quần thể di tích, đền tưởng niệm An Dương Vương.

Giới nghiên cứu Loa Thành nhiều lần lên tiếng về sự ngược đời này, bởi việc xác định vùng lõi này khiến thành, hào từ vùng Trung trở ra thành Ngoại không được đầu tư đúng mức. Thực tế ba vòng thành, hào có tuổi đời và tầm quan trọng như nhau, nhưng khu vực được coi là ngoài vùng lõi đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Chỉ khi nào Hà Nội giải quyết được ba mối quan hệ giữa chính quyền, người dân và ban quản lý thì câu chuyện xâm hại thành Cổ Loa mới được giải quyết, đó là ý kiến của PGS.TS Lại Văn Tới. Không riêng Cổ Loa, nhiều di tích khác cũng rơi vào tình trạng BQL chỉ quản lý về di tích, chính quyền quản lý về đất đai nhưng hai bên “không gặp nhau”.

Nhiều người trông chờ Quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở bảo tồn Cổ Loa, trước khi nghĩ tới việc phát huy giá trị ở di tích quý hơn hai nghìn tuổi này. Hà Nội giao cho một doanh nghiệp lập quy hoạch này, tới nay theo nhiều chuyên gia và BQL chưa hề có động thái nào. Nếu lãnh đạo thành phố quyết tâm việc khó đến mấy cũng làm được, một chuyên gia thốt lên. 

Cổ Loa là toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc (nay thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội). Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt, về việc Vua An Dương Vương định đô xây thành, về việc chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc, về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu- Trọng Thuỷ. Dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Đại diện BQL di tích Cổ Loa cho biết đối với việc đổ rác thải BQL đã có văn bản xử lý và đang có giải pháp ngăn chặn. Thực tế, từ 2008 BQL phối hợp xã thành lập đội kiểm tra tuyên truyền di tích nhưng chủ yếu là phối hợp kiểm tra về mặt chuyên môn, khi phát hiện xâm phạm báo cáo cho xã và đề nghị các cấp chính quyền xử lý. Được biết BQL đang phối hợp một số đơn vị và nhà khoa học hoàn thành quy chế phối hợp quản lý khu di tích quản lý, sớm trình thành phố.

Chỉ khi nào Hà Nội giải quyết được ba mối quan hệ giữa chính quyền, người dân và ban quản lý thì câu chuyện xâm hại thành Cổ Loa mới được giải quyết, đó là ý kiến của 
PGS.TS Lại Văn Tới. Không riêng Cổ Loa, nhiều di tích khác cũng rơi vào tình trạng BQL chỉ quản lý về di tích, chính quyền quản lý về đất đai nhưng hai bên “không gặp nhau”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.