Có ‘kẽ hở’ trong chuyển nhượng ô tô kèm biển số trúng đấu giá?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một số người ngay sau khi trúng đấu giá biển số ô tô đã đăng bài chuyển nhượng trên mạng xã hội với giá chênh lệch. Theo quan điểm của luật sư, việc này có thể là một kẽ hở để hưởng lợi của người tham gia đấu giá.
Có ‘kẽ hở’ trong chuyển nhượng ô tô kèm biển số trúng đấu giá? ảnh 1

Một số người đăng tải bài viết sang nhượng biển số trúng đấu giá.

Hiện nay, dư luận xã hội đang xôn xao về việc một số người tham gia đấu giá trả hàng chục tỷ đồng cho những biển số xe siêu đẹp ở phiên đấu giá đầu tiên ngày 15/9 nhưng sau đó lập tức rao bán hoặc, có khả năng bỏ cọc.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử phạt hoặc tăng mức đặt cọc các biển số lên để ngăn chặn tình trạng trả giá "trên trời" rồi bỏ cọc, gây nhiễu loạn, ảnh hưởng tới chính sách chung.

Trưởng Phòng tuyên truyền và phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông cho biết, quy trình thanh toán đã được xác định theo quy định của Luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, nghị quyết 73 và nghị định 39 của Chính phủ về thí điểm đấu giá biển số ô tô. Cụ thể, nếu một người đặt cọc và sau đó không thực hiện việc thanh toán, biển số đó sẽ được đưa lại để tiếp tục đấu giá. Trong trường hợp này, người bỏ cọc sẽ bị mất tiền cọc là 40 triệu đồng.

Nêu quan điểm về ý kiến nêu trên, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho rằng, đấu giá biển số xe bản chất là giao dịch dân sự, mua bán một tài sản đấu giá thông qua một tổ chức đấu giá để công khai, minh bạch. Trong lĩnh vực đấu giá thì không chỉ có riêng biển số xe mà nhiều tài sản khác vẫn được đưa ra đấu giá hằng ngày, nên việc sửa đổi là không cần thiết.

“Thời gian qua xôn xao về một số người đẩy giá lên cao làm nhiễu loạn phiên đấu giá, hay bỏ cọc thì không phải chỉ riêng xuất hiện trong đấu giá biển số ô tô, mà việc đẩy giá, bỏ cọc này đã từng xảy ra, trong đó có phiên đấu giá đất ở Thủ Thiêm” - luật sư Tuấn Anh cho biết.

Có ‘kẽ hở’ trong chuyển nhượng ô tô kèm biển số trúng đấu giá? ảnh 2

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch.

Luật sư Tuấn Anh phân tích, có những người coi việc tham gia đấu giá để trải nghiệm và có thể họ xác định bỏ cọc ngay từ đầu chỉ để tham gia phiên đấu giá đầu tiên mà không muốn mua. Do đó, việc yêu cầu người tham gia đấu giá đặt trước một khoản tiền (tiền đặt cọc) nếu trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền và bị mất có thể nói “đây là thông lệ quốc tế” và nhiều quốc gia cũng quy định như vậy. Bên cạnh đó, cũng không thể xử phạt đối với các trường hợp này được, trừ khi có dấu hiệu của việc thao túng phiên đấu giá… và cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ.

Luật sư Tuấn Anh đưa ra những biện pháp có thể sẽ tốt hơn ví dụ như ngoài số tiền đặt cọc 40 triệu đồng, thì khi trả mỗi bước giá người tham gia đấu giá phải nộp thêm một khoản đặt cọc 10% bước giá mới tiếp tục được trả các bước giá tiếp theo. Ví dụ, khi khách hàng trả giá 40 tỷ đồng thì phải có 4 tỷ đồng để đảm bảo rằng nếu họ không thanh toán tiền sẽ bị mất hoặc đối với các tài sản đặc biệt thì có thể nâng tiền đặt cọc lên để tăng trách nhiệm về mặt kinh tế của những người tham gia.

Bởi nếu chỉ thu được 40 triệu đồng từ người bỏ cọc thì sẽ phải nghĩ đến việc tổ chức lại một phiên đấu giá khác tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian của Nhà nước, tổ chức đấu giá và những người cùng tham gia đấu giá biển số đó.

Có ‘kẽ hở’ trong chuyển nhượng ô tô kèm biển số trúng đấu giá? ảnh 3

Một biển số trúng đấu giá 110 triệu đồng được rao sang nhượng 400 triệu đồng.

Có ‘kẽ hở’ trong chuyển nhượng ô tô kèm biển số trúng đấu giá? ảnh 4

Một số người hỏi mua biển số trúng đấu giá.

'Kẽ hở' về thuế khi chuyển nhượng ô tô kèm biển số trúng đấu giá

Trước câu hỏi hiện nay có tình trạng một số người tham gia đấu giá biển số trúng đấu giá đăng tin sang nhượng lại biển số ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá hoặc lắp lên xe ô tô để bán nhằm thu lợi nhuận. Luật sư Tuấn Anh cho biết, khi coi biển số là tài sản để đấu giá thì lúc chuyển nhượng nếu sinh ra lợi nhuận phải nộp thuế thu nhập cá nhân và sau này có thể đây sẽ là một ngành nghề kinh doanh hoặc đấu giá sau đó bán đi để hưởng lợi nhuận.

Nhưng ở đây đang có sự “vênh” nhau, bởi biển số trúng đấu giá thì không thu thuế được, kể cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Lý do pháp luật quy định không cho chuyển nhượng biển số trúng đấu giá mà chỉ được bán xe ô tô kèm theo biển số trúng đấu giá.

Cùng với đó, việc chuyển nhượng xe ô tô cũ ở Việt Nam lại không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân mà chỉ phải nộp các khoản phí, lệ phí trước bạ. Từ đó có những người tham gia đấu giá họ nhìn nhận việc mất 40 triệu đồng đặt cọc đấu giá biển số, sau đó, khi trúng đấu giá sẽ bán chênh lên hàng tỷ đồng để hưởng lợi mà không chịu thuế.

Luật sư Tuấn Anh lấy ví dụ, ông A. trúng đấu giá biển số ô tô với giá 30 tỷ đồng và bỏ 10 tỷ để mua xe gắn biển số đó. Sau đó, ông A. bán cho ông B. với giá 50 tỷ đồng thì cũng không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính, thì “Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản”.

“Chính vì vậy, đây là một kẽ hở mà pháp luật cần xem xét. Nếu trong trường hợp có sự chuyển nhượng mà phát sinh lợi nhuận thì phải tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân” - luật sư Tuấn Anh nêu ý kiến.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư 24/2023/TT-BCA thì người trúng đấu giá biển số xe có thể chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số này cho người khác, nhưng không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu các lần sau nữa.

MỚI - NÓNG