Cơ hội & hiện thực

Cơ hội & hiện thực
TP - Việc Bộ Xây dựng dự thảo, trình Chính phủ việc lập Quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm thực hiện theo Điều 75, Nghị định 71 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 8-8-2010), được coi là mới ở Việt Nam.

> Nhà đất ngày càng khó mua?

Theo định hướng, quỹ này hoạt động phi lợi nhuận, để phục vụ cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở được vay vốn mua nhà ở hoặc để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng nhà ở xã hội.

Cứ theo nguyên tắc ấy, đây là ý tưởng tốt, vì khi nó được hình thành, người nghèo thêm một cơ hội tiếp cận nhà ở. Bởi thực tế hiện nay, tuy Chính phủ đã có chính sách phát triển nhà ở xã hội, và trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có sản phẩm nhà ở xã hội đầu tiên ra lò, chào bán.

Tuy nhiên, đến nay, chính sách này bắt đầu bộc lộ bất cập, bởi giá bán đã vượt khá xa túi tiền của người thu nhập thấp. Mới đây nhất, một số chủ xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, lấy lý do giá vật liệu tăng cao, đề xuất giá bán tới 14 triệu đồng/m2 chung cư, dù ở khá xa khu trung tâm.

Theo tính toán, với một người làm công ăn lương thuộc đối tượng thu nhập thấp, thì ít nhất phải 60 năm mới góp đủ tiền mua nhà ở thu nhập thấp. Nếu tính tuổi thọ trung bình của Việt Nam hiện nay (hơn 72 tuổi), thì không thể góp được tiền mua nhà ở xã hội.

Bởi thế, nếu Quỹ tiết kiệm nhà ở ra đời thì người nghèo lại có thêm tia hy vọng. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, nguồn tiền hình thành quỹ chính là thu theo tỷ lệ phần trăm lương cơ bản (dự kiến thu 1-2% mỗi tháng).

Theo tính toán, hiện Việt Nam có hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương; với mức thu ấy, mỗi năm số tiền quỹ thu được lên tới cả chục ngàn tỷ đồng. Quỹ hoạt động trên tinh thần phi lợi nhuận, nên những người có nhu cầu nhà ở sẽ được vay vốn lãi suất thấp (chỉ bằng khoảng ¼) nhà ở khi vay, còn doanh nghiệp cũng được vay để đầu tư xây dựng những dự án nhà ở xã hội.

Nhưng người giàu đâu cần sự trợ giúp của quỹ này, sao họ vẫn phải đóng? Theo ông Nam, nếu bộ phận người giàu không tham gia, không thể xây dựng quỹ. Tuy nhiên, người giàu không sợ mất tiền, họ không mua nhà, thì coi như mỗi tháng trích gửi tiền tiết kiệm, đến khi về hưu họ được nhận cả gốc và lãi.

Và nữa, có hai vấn đề, cơ quan dự thảo chưa dự liệu: Mục đích lập quỹ là phi lợi nhuận, thì việc lãi suất trả cho người giàu sẽ ra sao? Quan trọng hơn, nếu cơ cấu cứng, chỉ khi người thu nhập thấp góp đủ 30% giá trị ngôi nhà thì họ mới được vay vốn. Quy định như vậy liệu có khả thi, bởi với mức thu nhập hiện nay, để được vay tiền họ phải mất vài chục năm góp.

Ý tưởng hay, vừa mang ý nghĩa xã hội, vừa phát triển truyền thống tương thân tương ái, lá lành dùm lá rách của dân tộc, nhưng để thực hiện được, cần tính toán thấu đáo. Nếu không, chiếc bánh cho người nghèo cuối cùng lại là bánh vẽ.

Bá Kiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG