Theo ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc EVN Nghệ An, cho biết: “Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Nghệ An có 232 thôn, bản với hơn 15.000 hộ dân chưa được dùng điện lưới. Hầu hết, số hộ dân này tập trung tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… Nguyên nhân chưa có điện lưới là do các thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, hạ tầng giao thông nhiều nơi đầu tư chưa đồng bộ”.
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân trong khu vực lòng hồ vẫn chưa có điện lưới để sử dụng. Đây là một bất cập mà trong các cuộc họp hội đồng, cử tri thường xuyên phản ánh.
Đơn cử, xã Hữu Khuông - thuộc khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) nhưng chỉ có 3/7 bản có điện lưới. Để cải thiện, người dân bản địa phải dùng đèn dầu hoặc nguồn điện từ tuabin đặt ở khe suối. Nguy hiểm thường trực luôn đe dọa, gia súc thả rông, nguồn điện không ổn định và bị “triệt hạ” khi mùa mưa lũ về. Ngoài ra, thiếu điện lưới khiến việc truyền tải thông tin bị hạn chế, dân trí cho bà con vùng biên khó cải thiện, khó áp dụng khoa học kỹ thuật…
Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tương Dương cho biết: "Địa bàn huyện hiện có 5 xã, với 25 thôn bản, trên 1.700 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia, tập trung ở các xã Hữu Khuông, Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Yên Hòa, Mai Sơn và Lượng Minh".
Trong khi đó, thông tin từ Sở Công thương Nghệ An cung cấp tại Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVII nêu rõ, mỗi năm thủy điện tại Nghệ An hòa vào lưới điện quốc gia khoảng 2,2 tỷ Kwh, đóng vào ngân sách tỉnh khoảng 532 tỷ đồng. Thủy điện “chằng chịt” nhưng hệ lụy và bài toán thiếu điện của người dân địa phương vẫn chưa có lời giải.