Bảo Sinh kể sau khi xem cuốn Bát phố của ông vừa xuất bản, Phú Quang quyết định làm đêm nhạc tại tư gia của nhà thơ để “ngợi ca cuốn sách”, cũng là ngợi ca tinh thần “bát phố” vô tư. Mặc dù như Bảo Sinh viết: “Tôi với Phú Quang không thân thiết theo kiểu tri âm tri kỷ, chỉ thi thoảng gặp ở nơi có bạn bè chung và nói chuyện với nhau bằng cái tinh thần ấy- nghĩa là thân mật nhưng bâng quơ, nhẹ nhàng và lãng đãng”.
Bảo Sinh tả, chỉ vài ngày sau một “khối lượng thiết bị âm thanh khổng lồ” được đưa tới sân nhà ông ở phố Trương Định. Không chỉ nhạc sĩ mà nhiều ca sĩ nổi tiếng khác lần lượt xuất hiện: NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên, NSƯT Ánh Tuyết, nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh và nhiều tên tuổi nữa.
Đại diện gia đình thay mặt nhạc sĩ Phú Quang nhận Giải thưởng lớn Vì tình yêu Hà Nội mang tên Bùi Xuân Phái tháng 8/2020. Ảnh: TTVH |
Thắc mắc không biết là “NSƯT Ánh Tuyết” nào, tôi hỏi Bảo Sinh thì ông bảo là “Ánh Tuyết nổi tiếng nhất ấy”, tôi lại hỏi có phải người hát nhạc Văn Cao không thì ông gật đầu. Nhưng thực tế nghệ sĩ Ánh Tuyết nay đang ở Hội An xác nhận chỉ một vài lần hát bài do Phú Quang phối chứ chưa từng hát nhạc Phú Quang. Ở Hà Nội hiện có NSƯT Ánh Tuyết trẻ hơn, công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ nhưng hồi đó cô chưa đạt danh hiệu này và cũng không nhớ gì về sự kiện. Còn một NSƯT Ánh Tuyết nữa ở TP.HCM làm công tác giảng dạy là chính, và cũng rất ít khi ra Hà Nội hát.
“Nhạc Phú Quang là Hà Nội nhất. Trần Tiến - Phú Quang không trèo lên đầu nhau, đi cùng thì được. Tôi 60 năm ở Hà Nội. Hà Nội thế nào tôi biết. Nên mình quý chất Hà Nội của Phú Quang - tình cảm, thanh lịch, không xô bồ. Hà Nội xưa nay nhiều người sáng tác, nhưng sáng tác đúng chất Hà Nội không phải ai cũng làm được”.
NSND Trần Hiếu
Nhà thơ cũng lại nói thực sự ông cũng không nhớ ai với ai vì còn đang bận lo hậu cần đêm diễn. Người giúp ông liệt kê các ca sĩ tham gia đêm đó là nhà giáo La Khắc Hòa.
Chắc chắn đêm “Nhạc Phú Quang- hồn Bát phố” là sự kiện vô cùng hi hữu, nên tôi bốc máy gọi NSND Quang Thọ để hỏi thêm chi tiết. Ai ngờ Quang Thọ trả lời ngay là chưa tham gia chương trình. “Mình tham gia thì người ta phải chụp ảnh, quay hình chứ. Không có vụ nào ở nhà riêng lại tổ chức lớn thế được đâu”, Quang Thọ nói. Còn theo mô tả của nhà thơ: “Cả ngàn người bít kín đoạn ngõ khoảng 150 mét dẫn từ đường Trương Định vào cửa nhà tôi. Họ xếp kín khu sân vườn nhà tôi rộng khoảng 1.000 mét vuông. Không đủ chỗ, họ xin vào các nhà xung quanh, trèo ra các ban công để nghe. Nhà nào không có ban công thì mở hết cửa sổ ngó sang”. Phải nói là một khung cảnh vô cùng lãng mạn mà bất cứ nhà quay phim nào cũng phải thèm muốn, rất tiếc thời đó chưa có loại hình phát trực tiếp... Bảo Sinh cho hay có ảnh nhưng bị xin hết và ông đang đi xin lại để làm tư liệu.
Quang Thọ chỉ nhớ từng hát tại nhà hàng của Phú Quang tại phố Trần Quốc Toản. Tầng dưới ăn uống, tầng trên là sa-lông chuyên hát hò. Tất nhiên ông còn nhiều dịp đi diễn cùng Phú Quang tại Anh, Đức, Pháp, Tiệp, Ukraina… và tham gia nhiều đêm nhạc Phú Quang trong nước. Ông nhận xét nhạc Phú Quang có thể hát theo tất cả các dạng, riêng ông chỉ theo lối thính phòng. Những bài Quang Thọ hay hát là Ngọn nến, Điều giản dị, Em ơi Hà Nội phố, Mơ về nơi xa lắm…
Quang Thọ và Phú Quang cùng có thời sinh viên tại Nhạc viện Hà Nội. Quang Thọ nhớ Phú Quang học Trung cấp kèn cor, tốt nghiệp, về Dàn nhạc Giao hưởng. Vài năm sau quay lại học Sáng tác. “Là nhạc công nhưng Phú Quang rất am hiểu về dàn nhạc và tính năng nhạc cụ, nên dễ dàng chuyển sang chỉ huy”, Quang Thọ nhận xét. “Về khí nhạc, Phú Quang viết những tác phẩm nhỏ thôi, là những khúc nhạc đẹp, hay, khi hòa tấu lên dễ nghe. Phú Quang là một trong những người tiên phong viết theo dạng như thế”.
NSND Trần Hiếu cũng không nhớ gì về đêm nhạc tại gia này. “Có thể tôi quên, năm nay tôi 85 rồi còn gì”, ông nói. Trần Hiếu khẳng định nhạc Phú Quang “Hà Nội” hơn Trần Tiến: “Trần Tiến có cái ngộ của nó. Phú Quang có chất sâu. Hà Nội của Phú Quang nhẹ nhàng, Hà Nội của Trần Tiến hơi nghịch ngợm tí-nhưng cũng được, nó không sai Hà Nội”. Trần Hiếu cũng chứng kiến Phú Quang từ thời đi học ở trường nhạc: “Tính nó hiền lắm, không huênh hoang, lúc nào cũng lặng lẽ làm. Hay! Chất ấy mới là của người Hà Nội, chứ anh nào vỗ ngực ầm ầm không phải”.
Như vậy chẳng lẽ đêm nhạc trong mơ kia đã không xảy ra?! Chẳng lẽ nhà thơ Bảo Sinh “mơ thật”?! May sao tôi vừa hỏi dứt câu thì NSƯT Quyền Văn Minh gật ngay: “A đúng rồi, đúng. Có, tôi tham gia. Anh Thọ cũng có đến đấy. Hôm đấy cũng lâu rồi, có thể anh Thọ không nhớ”.
Theo nhà thơ Bảo Sinh thì đêm nhạc “bát phố” Phú Quang ngẫu hứng làm tại nhà ông không khác những gì nhạc sĩ làm tại Nhà hát Lớn Hà Nội mỗi năm. “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dự đêm nhạc ấy nói với tôi rằng có lẽ phải tốn tới nửa tỷ đồng để đưa ngần ấy ca sĩ tên tuổi và trang thiết bị âm thanh chuyên nghiệp tổ chức đêm nhạc cho tôi”, Bảo Sinh viết.
Quyền Văn Minh cười: “Âm thanh hôm đó bình thường thôi. Tôi chỉ nghĩ bạn bè chơi với nhau thì đến, nể anh Quang, nể anh Sinh thì tham gia. Tinh thần tình nguyện anh em. Còn những người khác tôi không biết vì không hỏi han những chuyện ấy. Mọi người cùng tham gia vui. Cuộc đời mà, san sẻ với nhau cái gì được cái đó, còn thì ai chả bận”. Ông ước tính có khoảng gần trăm khán giả hôm đó: “Ở ngoài sân có cái sân khấu, mọi người ngồi rải rác xung quanh, trong nhà và một vài nơi. Lâu quá tôi không nhớ chi tiết”. Ông cũng không thể nhớ hôm đó mình chơi bài gì.
Quyền Văn Minh kể thỉnh thoảng cũng cùng Phú Quang ăn uống giao lưu ở một quán cơm của người quen tại Hàng Bún, có cả các danh thủ Cao Cường, Ba Đẻn… “Anh em nói chung cũng quý nhau nhưng không phải sâu sắc. Tôi quan tâm nhất là jazz nhưng những chương trình khác được mời mình vẫn tham gia. Chứ không chỉ chơi jazz không, nên cũng giao tiếp được”, ông nói. Tuy nhiên Quyền Văn Minh cũng chỉ tham gia một số đêm nhạc Phú Quang tại Hà Nội. Ông khẳng định Phú Quang đóng góp rất nhiều cho Hà Nội: “Tác phẩm viết về Hà Nội của anh ấy là dấu ấn”.
Như vậy mới chỉ qua 6 năm mà một sự kiện dù khá đặc biệt cũng đã phủ màu sương khói. Nếu nghệ sĩ Quyền Văn Minh không tái khẳng định, khéo nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh lại thành ra “mang tiếng” quảng cáo sách... Nhưng nghĩ lại tại sao không thể có một đêm nhạc bất tử như vậy. Phú Quang ngoài một nhà tổ chức chương trình thì trên hết ông vẫn là một “nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”. Và nhiều khi cũng không cần mọi người phải nhắc nhớ về những việc mình thích thì mình làm.