Cô giáo 'quan hệ' với học trò tuổi vị thành niên: Vi phạm điều gì?

Tại buổi cung cấp thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức. Ảnh: Tuấn Kiệt.
Tại buổi cung cấp thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức. Ảnh: Tuấn Kiệt.
Tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức cung cấp thông tin vụ việc một giáo viên THPT (đóng tại Thị xã La Gi, Bình Thuận) bị chồng tố cáo có quan hệ với nam sinh học lớp 10, bước đầu cho thấy giáo viên có quan hệ yêu đương.

Kết quả bước đầu: Có quan hệ yêu đương?

Ngày 19/3, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về vụ một giáo viên THPT trên địa bàn bị chồng gửi đơn tố cáo về việc có quan hệ bất chính với nam sinh học lớp 10. Phát biểu trước báo chí, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, vụ việc cô giáo H ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận bị chồng cô tố vào nhà nghỉ với nam sinh lớp 10 đang bị đẩy đi quá xa, tạo cơn “bão” trên cộng đồng mạng.

Kết quả xác minh bước đầu thì có một số nội dung chính yếu sau: Thứ nhất, đã xác định cô giáo H và em học sinh tên T. A có quan hệ yêu đương nhưng không có cơ sở xác định hai người có quan hệ tình dục. Thứ hai, không có cơ sở xác định người chồng dựng chuyện bắt quả tang, cài bẫy để tố cáo cô giáo H. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận nhận định, hành vi của cô giáo H là vi phạm đạo đức nhà giáo khi có quan hệ yêu đương với học sinh, nhất là khi em này dưới 16 tuổi.

Cũng tại buổi cung cấp thông tin báo chí, đại diện Sở GD&ĐT Bình Thuận cho biết, lãnh đạo Sở đã đến trường cô giáo H công tác để trấn an tâm lý các giáo viên và học sinh toàn trường. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu như cô giáo H vi phạm đạo đức nhà giáo và vi phạm pháp luật thì sẽ có biện pháp xử lý mạnh hơn. Còn nếu chỉ là vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ xử lý theo quy định của ngành Giáo dục.

Trước đó, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận thông tin, sự việc bắt nguồn từ việc chồng cô giáo H đã gửi đơn tố cáo vợ có quan hệ bất chính với nam sinh 16 tuổi, đơn tố cáo được gửi tới nhà trường và cơ quan công an. Cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc điều tra, làm rõ, sau khi có kết luận từ cơ quan điều tra, nếu giáo viên vi phạm sẽ xử lý theo đúng các quy định.

Còn Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã thông báo với học sinh toàn trường em Trần Công Mẫn - học sinh lớp 10A3 hoàn toàn không liên quan đến vụ việc cô giáo bị bắt gặp trong nhà nghỉ với một nam sinh. Hậu quả của việc này làm em Trần Công Mẫn bị khủng hoảng, suy sụp tinh thần vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.

Yêu học trò tuổi vị thành niên, nơi nào cũng cấm

ThS Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, môi trường giáo dục bất kỳ quốc gia nào cũng không cho phép giáo viên có quan hệ yêu đương với học sinh đang tuổi vị thành niên. Không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo mà vi phạm pháp luật nữa. Những trường hợp vậy như xảy ra ở Mỹ, Úc… đều cho nghỉ dạy và xử tù nếu quan hệ tình dục với học sinh tuổi vị thành niên.

Cũng theo ThS Hiền, truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam được phản ánh rõ nét và xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc qua những câu ca dao, tục ngữ như: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), thầy là cha là mẹ… Nhưng cũng phải thừa nhận, truyền thống tôn sư trọng đạo trong thời gian gần đây đang bị xói mòn và băng hoại vì một vài cá nhân mang danh là người thầy nhưng suy đồi về đạo đức.

“Thời gian qua, ngành Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản và quy định liên quan đến chấn chỉnh lại đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các cơ sở giáo dục và các trường học còn thiếu sự quan tâm, buông lỏng trong vấn đề kiểm tra đánh giá đạo đức nhà giáo. Đến lúc cần có những quy định nghiêm khắc hơn để loại bỏ những giáo viên không đủ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu đạo đức nghề nghiệp để giữ sự trong sạch của môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, cũng nên tôn vinh những thầy cô có nhiều cống hiến trong giáo dục nhằm phát huy và tôn vinh các giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc”, ThS Nguyễn Sóng Hiền đề xuất.

Liên quan đến xử lý vụ việc ở Bình Thuận, lãnh đạo Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho rằng, do liên quan đến cán bộ viên chức của ngành nên phải làm thật thận trọng. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, Bộ sẽ tiếp tục căn cứ vào đó để có biện pháp xử lí nghiêm theo quy định. Quan điểm chỉ đạo của Bộ là ai sai đến đâu sẽ phải xử lí đến đó. Tất cả phải chờ kết luận từ phía công an, cần phải xác minh rõ ràng, tránh quy chụp giáo viên và tạo ra oan sai. Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận sẽ có công văn báo cáo Bộ cụ thể về vấn đề này.

Được biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đang xây dựng dự thảo kế hoạch “Nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng, kế hoạch này nhằm hỗ trợ nhà giáo, người lao động có thêm hiểu biết về pháp luật, có ý thức tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; biết cách ứng xử trước các tình huống sư phạm một cách chuẩn mực; biết cách xử lý các vấn đề từ phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh. Trong đó, mục tiêu trong năm 2019 và những năm tiếp theo là tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về đạo đức nhà giáo trong toàn ngành, đẩy lùi vi phạm đạo đức, xây dựng hình ảnh tốt về nhà giáo, tạo niềm tin cho xã hội.

Liên quan tới hàng loạt vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua, ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật. 

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG