Cô giáo một tay chăm trẻ tự kỷ được ngành giáo dục TPHCM vinh danh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù chỉ còn một cánh tay nhưng suốt 27 năm qua, cô giáo Võ Thị Tuyết vẫn bế ẵm, thủ thỉ với trẻ tự kỷ bằng tất cả tình yêu nghề, yêu trò. Những cống hiến thầm lặng của nữ giáo viên đặc biệt này được ngành giáo dục TPHCM vinh danh trước thềm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giúp trẻ thay đổi cuộc đời

“Tôi không hề cảm thấy thiệt thòi khi mình là người khuyết tật. Ngược lại, tôi tự hào về những việc mình đã làm, vì công việc này đã giúp trẻ kém may mắn thay đổi cuộc đời”, cô Võ Thị Tuyết, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (quận 3, TPHCM) xúc động chia sẻ với hàng trăm giáo viên, đại biểu trong lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 sáng 17/11.

Nữ giáo viên này là 1 trong 50 nhà giáo được nhận giải thưởng thường niên của ngành giáo dục TPHCM, nhằm tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục có nhiều cống hiến. Mỗi cá nhân chỉ được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản một lần trong quá trình công tác.

Cô giáo một tay chăm trẻ tự kỷ được ngành giáo dục TPHCM vinh danh ảnh 1

Cô Võ Thị Tuyết (ngồi giữa), giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (quận 3, TPHCM) chia sẻ tại buổi lễ

Cô Tuyết kể, cánh tay của mình bị mất trong một lần trúng bom khi nhỏ. Nhờ sự động viên của gia đình, cô cố gắng học tập, làm việc và sau này Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm TPHCM ngành Ngữ văn.

“Một lần, đọc bài báo về cuộc sống khó khăn của trẻ khuyết tật, thâm tâm tôi thôi thúc phải giúp đỡ các em. Năm 1997, tôi xin nghỉ làm và đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật quận 3 xin việc và gắn bó từ đó đến nay”, cô Tuyết bày tỏ.

Mỗi ngày cô giáo này đều dậy sớm, rời nhà từ 5h30 để bắt hai chuyến xe buýt từ huyện Hóc Môn đến nơi làm việc. Cô cho biết, bí quyết để thành công khi dạy trẻ đặc biệt là giáo viên không thể hấp tấp hay rập khuôn, yêu cầu trẻ tiến bộ ngay lập tức, mà cần đồng hành với trẻ, làm bạn cùng phụ huynh.

"Trẻ phải yêu cô mới chịu hợp tác với cô. Mục đích cuối cùng của giáo viên là giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống bình thường", cô Tuyết bày tỏ.

Cô giáo một tay chăm trẻ tự kỷ được ngành giáo dục TPHCM vinh danh ảnh 2
Các giáo viên nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023

Còn với cô giáo Tống Thị Hải Yến, giáo viên Trường Mầm non Hoàng Anh (huyện Bình Chánh), yêu cầu quan trọng đối với giáo viên mầm non là lòng yêu nghề, thương trẻ, chịu khó. Ngoài yêu cầu về đạo đức nhà giáo, cô giáo này khuyên mỗi giáo viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng sư phạm để thực hiện tốt việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

“Ở lớp mầm non 3-4 tuổi mà tôi đang phụ trách, số lượng học sinh trong lớp đông, nhưng các con thường làm theo sở thích riêng. Áp lực từ gia đình, nhà trường, xã hội đặt lên vai nhà giáo. Vì thế, cô giáo phải biết nhẫn nại, dùng tất cả tình yêu thương của mình để chăm sóc, giáo dục trẻ”, cô Hải Yến nói.

Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định thầy, cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ mà thành phố đặt ra đối với ngành giáo dục. Đó là đào tạo những công dân trẻ sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.

Lãnh đạo thành phố mong muốn mỗi thầy, cô giáo tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", không ngừng trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực học tập, tiên phong trong các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế.

Cô giáo một tay chăm trẻ tự kỷ được ngành giáo dục TPHCM vinh danh ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại buổi lễ

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, ngày 20/11 hàng năm, toàn xã hội tôn vinh những người đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”. Điều này đòi hỏi mỗi thầy cô không ngừng phấn đấu, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục TPHCM, dẫu đâu đó ngoài kia còn một vài câu chuyện, mẩu tin làm nhói lòng những nhà giáo chân chính, nhưng không làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy, bởi giá trị ấy đã được hình thành từ truyền thống cao đẹp của dân tộc.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.