Sáng 16/1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi lễ giao lưu, tôn vinh 127 giáo viên mầm non tiêu biểu đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước.
Hiện nay, toàn quốc có 15.501 trường mầm non, 201291 nhóm lớp cùng với hơn 5,4 triệu học sinh, đạt tỷ lệ ra lớp trên 63%.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực cao nhất, học sinh bé nhất, thời gian làm việc trong ngày dài nhất, lương thấp nhất so với bảng lương trong ngành giáo dục...
Các thầy cô đến trường chăm sóc trẻ từ tinh mơ và trở về lúc chiều muộn; đối tượng của các thầy cô là trẻ nhỏ và rất hiếu động, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, trong suốt thời gian ở trường, các thầy cô phải luôn chân luôn tay, luôn mắt, không một giây phút nào được lơ là.
Mặc dù Đảng, nhà nước và xã hội đã rất quan tâm, đã có nhiều chính sách nhưng hiện nay đời sống của giáo viên mầm non nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức xã hội và chính sách chưa tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của các thầy cô giáo mầm non.
Vất vả, áp lực, đời sống khó khăn là thế nhưng bậc học thấp nhất này những năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết việc hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã tạo nên diện mạo mới cho bậc học nền tảng. Hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới; Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, tình cảm kỹ năng xã hội, ngôn ngữ... để chuẩn bị vào học lớp 1.
Kết quả này ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn phải kể đến vai trò của các thày cô giáo mầm non.
“Bao thầy cô bám thôn, bám bản, nỗ lực, dốc lòng dốc sức huy động trẻ đến trường chăm từng bữa ăn giấc ngủ, bao tấm gương hy sinh cả niềm vui của gia đình để đến chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Có cô giáo đã tâm sự: ngày nào cũng đón các cháu đến trường, nhưng rất ít cơ hội được đưa đón con mình đi học” – Bộ trường Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.