Cô giáo cắm bản kể chuyện 'trèo đèo lội suối' đến trường sau mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những con đường bị tắc nghẽn do sạt lở, những cây cầu bị lũ cuốn khiến cho hành trình “cõng chữ lên non” của các giáo viên cắm bản ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) thêm bội phần khó nhọc, hiểm nguy.

Con đường lên điểm bản Hím Pèn của trường Mầm non xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An sạt lở chẳng còn gì, bùn đất ngập quá đầu gối. Cô Hà Thị Ngơi (SN 1989) quấn quanh người mấy bọc túi vải, cùng một số giáo viên khác nhọc nhằn vượt núi, tìm đường đi bộ vào trường.

Nhà ở xã Hữu Lập, để vào điểm bản Hím Pèn, cô Ngơi phải đi hai chặng. Một chặng từ nhà đến điểm trường chính dài 6km. Chặng còn lại từ điểm trường chính vào điểm trường bản khoảng 8km.

“Bình thường tôi đi xe máy từ nhà đến điểm trường chính hết khoảng 25 phút. Nhưng nay do trời mưa to, các tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn phải lội qua hai khe suối. Tôi xuất phát từ nhà lúc 2 giờ chiều nhưng đến 4 giờ chiều mới đến được điểm trường chính”, cô Ngơi chia sẻ.

Cô giáo cắm bản kể chuyện 'trèo đèo lội suối' đến trường sau mưa lũ ảnh 1

Đường vào điểm trường của các giáo viên cắm bản bị sạt lở nghiêm trọng

Hơn 10 năm cắm bản, cô Ngơi hiểu thấu những khó khăn mỗi mùa mưa lũ về. Dù đã được “cảnh báo” từ trước đường đi rất chông chênh, rình rập hiểm nguy nhưng cô Ngơi và đồng nghiệp vẫn quyết tâm “trèo đèo lội suối” đến trường. Điểm bản Hím Pèn hiện có 27 em học sinh bậc Mầm non, đều là người dân tộc Khơ mú. Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tuần nhưng tại đây, học sinh mới chỉ đi học được vài ngày.

“Quãng đường từ điểm trường chính vào điểm bản Hím Pèn dài 8km nhưng có tới 5 điểm sạt lở, các cô mất hơn 3 giờ đồng hồ mới tới nơi. Nhiều đoạn không thể đi được vì nước chảy xiết. Có điểm trên đường bị sạt không có lối đi, các cô phải tìm cách băng qua các lối nhỏ trên rừng”, cô Ngơi nói.

Cô giáo cắm bản kể chuyện 'trèo đèo lội suối' đến trường sau mưa lũ ảnh 2

Đường chính bị sạt lở, các cô giáo men theo đường rừng di chuyển đến trường

Cô giáo cắm bản kể chuyện 'trèo đèo lội suối' đến trường sau mưa lũ ảnh 3

Có những đoạn giáo viên băng qua những điểm sạt lở rất nguy hiểm

Cách xa điểm trường chính hơn, điểm bản Huồi Hốc ngổn ngang sau mưa lũ. Để vào được đến điểm trường, các cô giáo cắm bản cũng phải trèo đèo lội suối nhiều giờ đồng hồ.

“Phải đi thành từng tốp, có gì dọc đường còn hỗ trợ nhau chứ không thể đi một mình. Con đường bị sạt lở nhiều nên các cô vừa đi vừa nghỉ, nhất là khi men theo những con đường cheo leo bên sườn núi để vượt qua chỗ sạt lở. Quãng đường khoảng 10 cây số nhưng phải đi từ sáng đến chiều mới tới nơi”, cô Lương Thị Bé kể.

Cô giáo cắm bản kể chuyện 'trèo đèo lội suối' đến trường sau mưa lũ ảnh 4

Dùng tay bám vào bùn đất để vượt qua.

Nước lũ đổ về khiến mực nước ở nhiều con suối dâng cao. Để việc học của trò không gián đoạn quá lâu, những nữ giáo viên nơi rẻo cao này phải cùng nhau băng qua những dòng nước chảy xiết tới trường. Có những lúc giáo viên phải dùng tay bám vào bùn đất để vượt qua.

Cô Lô Thị Huyền – Hiệu phó trường Mầm non xã Bảo Nam cho biết, đến nay tất cả các điểm trường đã có cô giáo cắm bản và học bình thường sau nhiều ngày ảnh hưởng của mưa lũ. Để học sinh trở lại trường, nhiều ngày qua, các giáo viên, phụ huynh đã phải cật lực dọn dẹp bùn đất, sửa sang thiết bị, đồ dùng học tập bị hư hỏng do ngập nước.

Cô giáo cắm bản kể chuyện 'trèo đèo lội suối' đến trường sau mưa lũ ảnh 5

Các cô giáo nắm chặt tay nhau vượt qua dòng lũ chảy xiết

“Mưa lớn nước lũ đổ về nhanh khiến nhiều điểm trường ngập trong bùn đất. Khuôn viên các trường ngập bùn đất hiện đã được các cô và phụ huynh khắc phục. Khó khăn nhất bây giờ là các tuyến đường tới các điểm bản bị sạt lở nặng nề, nhiều đoạn bị đứt gãy, đất đá, bùn lở không có đường đi nên các cô phải trèo đèo lội suối, đi trong bùn lầy mang theo thức ăn, nước đến các điểm trường cắm bản”, cô Huyền chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.