Cô gái xứ Nghệ làm “thủ lĩnh sinh viên” tại Pháp

Cô gái xứ Nghệ làm “thủ lĩnh sinh viên” tại Pháp
Sinh năm 1993, Võ Túc Ngân hiện là sinh viên năm thứ ba khoa Xã hội, phân ngành Truyền thông của Đại học Nice Sophia Antipolis (Nice, France).

> Những chàng du học sinh Việt chất như tài tử điện ảnh Cô gái xứ Nghệ làm “thủ lĩnh sinh viên” tại Pháp ảnh 1

> Cô nàng 9X 'hoang dã'

Cô nữ sinh xinh đẹp của xứ Nghệ, từng là hoa khôi ảnh tại Nice, hiện là một trong số các Phó Chủ tịch của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, đã có cuộc trò chuyện thân tình với PV Dân Trí.

Cô gái xứ Nghệ làm “thủ lĩnh sinh viên” tại Pháp ảnh 2

Xin chào Túc Ngân! Bạn có thể chia sẻ gì về vị trí “Phó Chủ tịch” của mình không?

Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong Ban chấp hành UEVF, thời gian đầu, mình dành nhiều suy nghĩ để làm quen dần với công việc, mở rộng mối liên hệ giữa các Chi hội SVVN tại nhiều vùng khác nhau ở Pháp. Vì là hoạt động tập thể nên mình rất muốn có sự cẩn trọng trong từng đường đi nước bước, vì nó sẽ ảnh hưởng đến tập thể. Mình học hỏi được rất nhiều từ các anh chị đi trước, trong công tác Hội đoàn SV.

Trên Facebook của Ngân có khá nhiều hình ảnh bạn tại những địa danh nổi tiếng ở Pháp và châu Âu, có vẻ như Ngân thích “xê dịch”?

Hồi còn bé mình không có cơ hội du lịch nhiều, và giờ khi còn trong quãng thời gian đẹp của thời sinh viên, mình tận dụng kiểu đi du lịch “rặt” chất sinh viên. Đó là những chuyến du lịch ngắn sau những kì học, đợt làm thêm, lên lịch du lịch chung, tiết kiệm mọi chi phí có thể. Mình nghĩ, nếu mình bỏ lỡ những chuyến đi đầy kỉ niệm thú vị như thế, sau này sẽ khó mà có cơ hội tìm thấy lần thứ hai.

Các bạn hãy thử ngẫm câu nói này: “Vào những năm hai mươi, người ta chẳng có gì ngoài đôi chân khoẻ mạnh và trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới”. Và mình cũng vừa tròn 20 đấy!

Cô gái xứ Nghệ làm “thủ lĩnh sinh viên” tại Pháp ảnh 3

Là thủ lĩnh phong trào lại đam mê khám phá, nhưng áp lực học tập ở nước ngoài không hề nhẹ - Ngân chia quỹ thời gian như thế nào?

Không phải vì theo học ngành Truyền thông, một ngành đòi hỏi đi nhiều, học hỏi nhiều mà mình luôn cảm thấy, dù bạn học ở nền giáo dục tiên tiến cỡ nào, thì những điều học được trong nhà trường vẫn chưa bao giờ là đủ, cần phải va chạm để học thêm bên ngoài.

Giả sử bạn là một nhà tuyển dụng khó tính thời nay, khi nhìn vào một người cầm tấm bằng với một bảng điểm đẹp nhưng gần như chỉ có lí thuyết trong đầu, và một người có mức điểm khá với chi chít những hoạt động ngoại khoá, bạn sẽ cảm thấy ai là người thú vị hơn?

Những hiểu biết, kĩ năng dù là nhỏ nhất cũng không bao giờ thừa, phải cần mẫn góp nhặt từng thứ một. Những hoạt động tập thể đem lại cho mình không ít kiến thức thực tế quý giá. Về áp lực, mình quan niệm rằng, tinh thần lạc quan sẽ giúp chúng ta vượt qua những áp lực, lạc quan để nhìn ra hướng giải quyết nhẹ nhàng giả sử một lúc nào đó thật nhiều việc cần bạn giải quyết nhanh. Mình có thời gian riêng tư hằng ngày, ít nhất cũng có đánh răng rửa mặt thay quần áo chứ ? (cười)

Hai năm ở nước Pháp, Ngân có gì thay đổi so với hồi ở Việt Nam không?

Sinh ra, lớn lên ở miền quê xứ Nghệ, những năm chuẩn bị học Tiểu học thì mình bắt đầu xa gia đình để học tiếng Pháp ở thành phố. Hành trình dài và chuyến du học đầu tiên của mình bắt đầu từ đó. Mình coi chuyến du học Pháp là chuyến du học thứ hai trong đời, và mình mang theo nhiều hoài bão khi gõ cửa chuyến đi này, bởi từ đó mình có cơ hội trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn.

Đi du học, hiện mình đang sống chung nhà cùng hai bạn nữ người Việt. Nhà ba người, hai cô chị, miền Trung miền Nam và cô em nhỏ miền Bắc, đối với mình đó là “món quà” của du học. Gọi là quà vì mình cảm thấy rất trân quý những trải nghiệm này, chắc chắn khi còn ở nhà thì mình không có được.

Mình cũng cảm thấy rất may mắn khi gia đình cô bạn thân người Pháp cũng như là gia đình thứ hai của mình, cùng nhiều bạn bè từ nhiều quốc tịch khác nhau luôn sẵn sàng sẻ chia nhiều thứ, trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Đó là điều đã thay đổi so với khi còn ở nhà. Mọi biên giới gần như đã được xoá nhoà. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động tập thể, gắn bó với Hội sinh viên giúp mình có những người bạn mới, những kinh nghiệm mới.

Cô gái xứ Nghệ làm “thủ lĩnh sinh viên” tại Pháp ảnh 4

Được biết, bạn còn đảm trách vị trí MC cho nhiều chương trình sinh viên ở Pháp và Việt Nam, liệu Ngân có ý định theo đuổi con đường dẫn chương trình chuyên nghiệp không?

Mình mến lĩnh vực này từ bé. Tuy chưa có thật nhiều cơ hội để trải nghiệm thực tế, nhưng thời gian tới, mình ấp ủ nhiều dự định để đặt những bước đi chắc chắn, “quyết liệt” hơn trong lĩnh vực này.

Những chương trình như “Truyền lửa”, “Diễn đàn du học Pháp” mà mình tham gia, đơn giản là dịp để những người có may mắn đi trước sẽ truyền lại những kinh nghiệm, nhiệt huyết của mình cho người đi sau. Đó là thứ trách nhiệm tự nguyện, cũng là niềm vui rất lớn..

Nhiều người sợ rằng: Phụ nữ có học thức cao, lại sống ở nước ngoài, có quan điểm hiện đại... sẽ khó lấy chồng – Ngân có sợ như vậy không?

Thực tế, mình sống trong hai nửa, vừa truyền thống, vừa hiện đại, quẳng vào thế giới nào cũng có thể tìm ra những niềm vui nhỏ. Mặt truyền thống, mình rất thích dân ca, thích nghe quan họ, và lắm lúc tưởng tượng, nếu được có một hàm rang hạt na đen nhánh như các cô hàng xén ngày xưa cũng rất hay, lắm lúc lại nghĩ, giá mà được là một cô gái được hoà mình vào thế hệ những người như Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc…

Còn về mặt hiện đại, điều mà những bạn trẻ hiện đại nên có, đó là sự tự tin, năng động, có kế hoạch rõ ràng cho tương lai, dám mạo hiểm, thử sức, đừng nên lãng phí những năm tháng thanh xuân của mình.

Về quan niệm bạn nhắc đến ở trên, theo mình, hẳn rằng nhiều người đàn ông hiện đại sẽ muốn tìm cho mình một người phụ nữ không chỉ biết vun vén cho tổ ấm, biết giữ lửa cho căn bếp nhỏ, mà còn là một người phụ nữ có kiến thức để cùng nuôi dạy con cái, cũng như có những tiếng nói nhất định trong xã hội không ngừng tiến lên này.

Vậy, là một cô gái 9X, tiếp xúc nhiều với môi trường, văn hóa phương Tây, Ngân nghĩ như thế nào về việc “sống thử”, đặc biệt là trong giới du học sinh?

Đây là một thực tế. Chúng ta hay dùng cụm từ “Những câu chuyện muôn thưở về tình yêu”, và chuyện sống thử cũng vậy, cũng là một đề tài muôn thưở trong muôn vàn những câu chuyện tình. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng. Tuy nhiên, với văn hoá Á Đông, tư tưởng người Việt vẫn luôn đề cao giá trị phẩm hạnh của một cô gái, và mình nghĩ, các bạn gái dù ở trong hoàn cảnh, câu chuyện nào cũng nên suy nghĩ chín chắn khi đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Nên hay không - sống thử trước hôn nhân?”.

Có thể thấy những câu trả lời hôm nay của Ngân rất thẳng thắn, nhưng cũng khá tinh tế, đó có phải là cái “chất” của con gái xứ Nghệ không?

Theo mình, để mọi người nhận xét về điều này sẽ chuẩn xác hơn. Mình chỉ muốn bật mí thêm rằng: Mình rất thích nghe dân ca của quê hương. “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau!”

Xin cảm ơn Túc Ngân về những chia sẻ rất thú vị này!

Tháng 9 vừa rồi, tròn hai năm Ngân “bén duyên” với nước Pháp. Với cô gái xứ Nghệ này, Pháp là một đất nước có nền văn hoá châu Âu đặc trưng, cảnh quan vừa hiền hoà lãng mạn, cổ kính và cũng rất hùng vĩ, người dân thân thiện, dễ mến, tiếng Pháp là một thứ ngôn ngữ đầy ý nhị, cuốn hút. Đó là những điều thu hút cô gái miền biển theo học chuyên Pháp từ những năm phổ thông và chọn đất nước hình lục lăng là điểm đến ở bậc đại học.

Chỉ sau một năm đặt chân đến miền đất mới, Ngân đã được bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp. Trước đó, tại Nice, nơi mà cô bạn đang sinh sống, học tập, Ngân cũng được biết đến với vai trò người tổ chức các hoạt động tập thể như chương trình Tết, Trung thu, các ngày hội thể thao… Hiện tại, Ngân đang đảm trách về giấy tờ, thủ tục cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh cũng như trợ giúp biên soạn các tài liệu cho Du học Pháp, trả lời thắc mắc của các bạn DHS Pháp

Theo Hải Nam
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu Phong Châu
Nguyên nhân sập cầu Phong Châu
TPO - Báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ liên quan vụ sập cầu Phong Châu cho biết bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) lúc 10h2 ngày 9/9.