Cô gái Việt & 'con đường vàng'

Cô gái Việt & 'con đường vàng'
TP - Tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ: Columbia và Harvard. Từng làm cho hai hãng thông tấn hàng đầu thế giới AP, Bloomberg. Nghe qua tôi tự hỏi làm sao Đào Thu Hiền với dáng vẻ bề ngoài liễu yếu đào tơ này lại có được những thành công đáng nể như vậy khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chưa hết, chị cũng đã nhiều năm làm trong văn phòng của thị trưởng New York, có phận sự phân bổ 60 tỷ USD tiền đầu tư cho thành phố này hằng năm. Vậy mà chị quyết định bỏ việc để về Việt Nam...

Chinh phục

Ngồi vỉa hè trà đá, với Hiền là thấm vị Hà Nội nhất. Nhấm nháp vị trà mát lạnh, Hiền kể cho tôi nghe về những chặng đường cô đã qua. Nhìn cái vẻ mong manh của Hiền, chắc chả mấy ai tưởng tượng cô đã rong ruổi khắp Việt Nam, Mỹ, Canada, đến cả Tây Phi- Bờ Biển Ngà, mà lại còn trong vị trí phóng viên nữa chứ. Câu chuyện thú vị tựa như những cuộc phiêu lưu của Hiền giúp tôi xua tan cái oi nồng của chiều hè tháng Sáu.

Chợt nhớ quan điểm của các cụ “Con gái cần an phận thủ thường” với Hiền có vẻ như đã chẳng còn đúng nữa! Chỉ còn thấy ẩn dưới thân hình gầy gò ấy là sự gan, sự lì nhưng lại đầy những nhiệt huyết của một người luôn muốn học hỏi, khám phá, và luôn biết tạo ra thử thách và cơ hội mới cho mình.

Thông minh, nên Hiền chinh phục những thử thách ấy bằng kiến thức, bằng bề dầy kinh nghiệm cô tích lũy được qua mỗi công việc cô làm. Bởi thế trong hơn 15 năm “bôn ba” tại nhiều nước, Hiền đã kịp “bỏ túi” hai bằng thạc sỹ tại hai đại học danh tiếng nhất của Mỹ Harvard và Columbia.

Hiền bảo cái cảm giác được ngồi bên góc phố quen, ngắm những dòng người hối hả đi lại gợi cho cô nhớ đến thời sinh viên “đi săn” Tây để luyện tiếng Anh. Ngày ấy, tiếng Anh vẫn hiếm người học lắm. Tiếng Nga mới là “mốt”. Hiền vào Đại học sư phạm ngoại ngữ khoa tiếng Anh, một lựa chọn “thức thời” hơn nhiều người. Ra trường tình cờ thấy quảng cáo tuyển người biết tiếng Anh vào làm việc tại Việt Nam News, Hiền đã đón lấy cơ hội ấy mà không hình dung công việc làm báo sẽ như thế nào.

Làm tập sự được 3 tháng, Hiền được hãng thông tấn AP của Mỹ tuyển làm trợ lý báo chí. Thời điểm đó, Mỹ vừa bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, như một cánh cửa mở ra, những hoạt động hội nhập kinh tế văn hóa giữa hai quốc gia từng ở “hai bờ chiến tuyến” này diễn ra rất sôi động. Cô sinh viên mới ra trường trằn mình theo dòng chảy thời cuộc đó. Lúc đi viết bài về sòng bạc ở Đồ Sơn, mai đã lại thấy cô đi Quảng Ngãi đưa tin về dự án nhà máy lọc dầu, rồi lại lặn lội đi phỏng vấn những người nghiện ma túy nhiễm HIV ở TPHCM.

Đặt chân đến rất nhiều vùng đất tại Việt Nam và nhìn các đồng nghiệp ở AP đi tác nghiệp nhiều nước trên thế giới, Hiền nuôi ước mơ làm phóng viên quốc tế. Một đồng nghiệp người Mỹ chia sẻ: Nếu muốn làm phóng viên quốc tế thì nên vào học khoa báo chí của trường đại học danh tiếng Columbia của Mỹ. Đơn nộp muộn nhưng cô thuyết phục được nhà trường nhận hồ sơ và cấp học bổng.

GPA được các giáo sư và các cán bộ tuyển sinh ở Mỹ khuyến khích. Đặc biệt giáo sư Joseph Stiglitz người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 và vợ ông – bà Anya Schiffrin, giáo sư trường Columbia cũng muốn đồng hành với Hiền trên “con đường vàng”. Ông Stanley Vukmer, cựu giám đốc điều hành tại Indochina Capital, nhận lời làm cố vấn.

Ra trường với tấm bằng thạc sỹ báo chí loại ưu và trở thành người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp chương trình này kể từ năm 1975, tâm trạng háo hức muốn tác nghiệp ở những “điểm nóng” đã đưa Hiền đến với Bờ Biển Ngà (Tây Phi), nơi cô làm phóng viên tự do cho nhiều hãng tin khác nhau, viết về kinh tế và xã hội.

Sau một năm chinh chiến tại Bờ Biển Ngà, Hiền vào làm chính thức cho Bloomberg, một hãng tin hàng đầu về tài chính của Mỹ, theo dõi 5 ngân hàng lớn nhất Canada. Được làm phóng viên quốc tế, tài năng ngày càng được khẳng định ở Bloomberg News, tưởng như Hiền sẽ “yên vị” với ước mơ của mình…

Nhưng ngày này qua ngày khác, viết về những vấn đề liên quan tới quản lý nhà nước và chính sách, cô gái trẻ lại thấy “thèm” cảm giác được học hỏi và chinh phục những thử thách mới. Và Hiền đã chọn cho mình một ngã rẽ: chính sách công. Hiền tâm sự trong suốt thời gian làm phóng viên, cô đã gặp những chính khách lớn, đã gặp những nhà hoạch định chiến lược tài ba, và đã đưa không ít tin bài về chính sách kinh tế xã hội. Nhưng, bản năng và quy định nghề nghiệp khiến cô không thể phán xét, hay “nhúng tay” vào để thực sự tận dụng những hiểu biết của mình, biến nó thành những chính sách có ảnh hưởng thực sự đến đời sống xã hội.

“Cái đó giống như việc bạn có kiến thức, kinh nghiệm, có chính kiến, nhưng lại “bị trói tay, chân” không thể làm gì vậy,” Hiền nói.

Harvard đã mở rộng cánh cửa đón chị và trường Kennedy nổi danh của Harvard là nơi Hiền học được rất nhiều về cách làm chính sách. Những kinh nghiệm của nhiều năm làm báo cũng giúp Hiền có cái nhìn “chiến lược” hơn, khi “nhảy” sang chính sách công.

Dự án đầu tiên mà Hiền tham gia tại trường là giúp thị trưởng thành phố Somerville (bang Matssachusetts) nâng cao quản lý tài chính và chất lượng dịch vụ xã hội. Nhờ đó mà chưa kịp ra trường, Hiền được mời làm chuyên viên ban quản lý tài chính của văn phòng thị trưởng Thành phố New York. Thị trưởng thành phố New York chính là tỷ phú Mike Bloomberg lừng danh, chủ của hãng tin Bloomberg mà cô từng làm việc.

Ban quản lý tài chính của thành phố New York có nhiệm vụ phân bổ lượng ngân sách khổng lồ, 60 tỷ USD mỗi năm. Tại đây, Hiền phụ trách mảng quản lý các dự án xây dựng và sửa chữa giao thông với ngân sách 5 tỷ USD.

Các dự án giao thông như làm những công trình cầu đường của thành phố New York đều phải qua “cửa” của Hiền. Sau khi xem xét phân tích kỹ càng các dự án, Hiền đề xuất lên cấp trên phương án xử lý. Thường thì các phương án mà Hiền đề xuất đều được cấp trên duyệt.

“Vị trí của chị quan trọng như vậy , các công ty làm dự án giao thông ở New York có tìm đến để “lobby” không?”

Hiền cười: “Các dự án này tuyệt đối không có tham nhũng. Bên B cũng không tìm đến tôi để “đi cửa sau”. Nếu nhận quà quá 50 USD mà bị phát hiện thì sẽ truy tố trước pháp luật”.

Sau 6 năm làm việc ở văn phòng thị trưởng New York, Hiền nhận thấy thành phố lớn hàng đầu nước Mỹ này đang gần bão hoà, thế nên sự phát triển của nó trở nên chậm trong sự hoàn thiện và chật chội. Một lẫn nữa, Hiền lại xin nghỉ khỏi vị trí quản lý dự án trong văn phòng thị trưởng - niềm mơ ước của bao người, để tìm một thử thách mới, có thể tạo sự đổi thay lớn cho xã hội...

“Con đường vàng” - Bệ phóng tri thức

Tháng 6/2012, Đào Thu Hiền giã biệt nước Mỹ để về Việt Nam. Sau khi đã qua hai trường Đại học hàng đầu nước Mỹ, Hiền muốn dùng kinh nghiệm và những quan hệ của mình chia sẻ với những bạn trẻ trong nước đang theo đuổi giấc mơ tới nước Mỹ du học.

Trần Vũ Toàn - từng giành học bổng toàn phần tại đại học Wesleyan University của Mỹ- nổi tiếng với các clip truyền đạt kinh nghiệm học tiếng Anh trên Youtube và Facebook - đã chia sẻ ý tưởng này với Hiền. Họ cùng nhau lập trung tâm hỗ trợ du học Mỹ Golden Path Academics (GPA) (tiếng Việt nghĩa là: Con đường vàng).

Đào Thu Hiền nhận bằng của Harvard
Đào Thu Hiền nhận bằng của Harvard.

Hiền sôi nổi nói về trung tâm hỗ trợ du học Mỹ “Con đường vàng”: “Trong 15 năm sống ở Mỹ, tôi thường xuyên giúp đỡ con em bạn bè tìm trường và xin học bổng. Tôi nhận thấy nhu cầu của phụ huynh cho con du học Mỹ rất lớn mà dịch vụ tư vấn trong nước chưa được tốt. Vì thế tôi muốn xây dựng trung tâm tư vấn chất lượng, trung thực do chính các du học sinh đảm nhiệm”.

Chỉ ít lâu sau, Hiền và Toàn đã tung ra “Cẩm nang Golden Path Guide”, công cụ hỗ trợ du học Mỹ chuyên nghiệp đầu tiên dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam với 600 trường đại học và cao đẳng được lựa chọn, hàng trăm bài viết về mọi chủ đề liên quan đến quy trình du học, tin tuyển sinh cập nhật thường xuyên. Trong một thời gian ngắn GPA đã thu hút hàng chục ngàn người truy cập vào địa chỉ trang web: www.gpa.vn.

Theo Hiền, học sinh Việt Nam nhiều người có khả năng tài chính và học lực, nhưng họ vẫn thiếu thông tin và dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp. Là một người đã đi trên con đường ấy, Hiền muốn GPA sẽ chính là “bệ phóng” để các em học sinh có thể vào được và có đủ tự tin theo đuổi các trường đại học danh tiếng.

Quan sát cách Hiền tư vấn, rồi làm việc với khách hàng, điều hành công ty, ai cũng ấn tượng về tri thức và “năng lượng” mà cô gái này có. Sống trên những chuyến bay, New York, Boston, rồi Hà Nội, Sài Gòn… hình như cô chẳng bao giờ để đầu óc mình nghỉ ngơi.

“Tôi yêu thích công việc của mình, nên làm việc cũng giống như nghỉ ngơi vậy,” Hiền nói.

Nói rồi, Hiền cười. Cô lấy tay hất mái tóc dài ra phía sau. Một mái tóc dày, đen thật Việt Nam, theo Hiền, chị chưa có ý định sẽ nhuộm vàng hay nâu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG