Nhiều khách sạn ở trung tâm thành phố treo biển còn phòng dịp lễ |
Ngày 5/5, một số chuyên gia ngành du lịch ở Lâm Đồng nhận định một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do “cò du lịch” (tổ chức, cá nhân trung gian kinh doanh phòng nghỉ) tung tin thiếu chính xác, đồn thổi gây sốt phòng ảo hòng kiếm lợi lớn.
Khu khách sạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa không "cháy phòng" như lời đồn thổi |
Chị Trần Kim Kiên (quận 10, TPHCM) cho biết đoàn của chị đã chủ động đặt phòng trước một tháng qua một trang chuyên về kinh doanh dịch vụ du lịch nhưng đột nhiên vào ngày 27/4, trang này thông báo hủy hợp đồng với lý do không sắp xếp được phòng nghỉ và trả lại tiền cọc. Chị phải nhờ bạn bè hỗ trợ tìm nhà nghỉ khác khá xa thành phố để có được kỳ nghỉ lễ ở Đà Lạt như dự kiến.
Một số đoàn du khách khác cũng phản ánh mặc dù đã đặt tiền cọc nhưng trước kỳ nghỉ lễ vài ngày bỗng nhiên bị “cò du lịch” thông báo hủy phòng với lý do chỉ nhận các đoàn đăng ký nghỉ từ 2 ngày trở lên.
Vì không tìm được phòng nghỉ hoặc giá thuê phòng bị đẩy lên quá cao so với ngày thường, nhiều du khách thay vì đi Đà Lạt như dự kiến, đã chọn địa điểm khác để tham quan trong dịp lễ này.
Đến khi cận kề ngày nghỉ lễ 30/4, “cò du lịch” bị “vỡ trận” vì bị ế phòng, ồ ạt trả lại phòng cho chủ khiến nhiều khách sạn, nhà nghỉ tại TP Đà Lạt còn trống từ 30-50% số phòng.
Phố khách sạn đường Nguyễn Chí Thanh không nhộn nhịp như các kỳ nghỉ lễ trước |
Anh Lê Hữu Phước, chủ một khách sạn ở phường 7, TP Đà Lạt cho biết: Sau dịch COVID-19, nhiều gia đình phải tiết kiệm chi tiêu nên kỳ công lựa chọn nơi du lịch phù hợp, được vui chơi, thư giãn nhưng không tốn quá nhiều tiền.
Du khách thư thả dạo chơi ở thác Prenn. Ảnh: Hoàng Nguyên |
Chị Nguyễn Thị Nghĩa phân tích cụ thể hơn: Tết Nguyên đán 2022, Đà Lạt đông nghẹt, nhiều người phải ngủ ngoài đường vì không tìm được phòng nghỉ đã khiến du khách lo lắng. Mặt khác, “cò du lịch” tung tin hết phòng để thổi giá quá cao. Phòng khách sạn giá 400 ngàn đồng nhưng “cò” rao bán tới 800 ngàn, 1 villa giá 3 triệu đồng bị hét lên 5,6 triệu khiến du khách đổi hướng đi du lịch ở tỉnh thành khác.
“Hy vọng sau đợt lễ làm ăn thất bại này, “cò du lịch” có bài học xương máu, vì họ cũng bị thiệt thòi; mặt khác, chủ khách sạn cũng phải rút kinh nghiệm, đưa ra giá trần chứ không để mặc cho “cò” thổi giá”, chị Nghĩa nói.
Một số chủ khách sạn và các cơ sở dịch vụ kiến nghị ngành du lịch địa phương nên có dự báo thận trọng, chính xác hơn về lượng khách. Đợt lễ 30/4 này, cơ quan quản lý văn hóa du lịch ước đoán có 140 ngàn lượt khách lưu trú tại Đà Lạt. Thông tin được đăng tải rộng rãi trên báo và lan truyền trên mạng xã hội khiến du khách lo lắng rằng Đà Lạt sẽ vỡ trận, cháy phòng, kẹt xe, giá dịch vụ cao chót vót; trong khi thực tế chỉ có 70 ngàn lượt khách đến Đà Lạt, giảm 42,6% so cùng kỳ năm ngoái.