Có Dân thì sẽ có tất cả

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Như Ý.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Như Ý.
TP - 73 năm đã trôi qua, nhưng bài học lấy dân làm gốc trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập (2/9/1945) vẫn là bài học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Do đó, Ðảng cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng cách xử lý nghiêm minh những vi phạm, tiêu cực của đội ngũ cán bộ.

73 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là luôn luôn phải sáng tạo, sự sáng tạo đó dựa vào thực tế của đất nước, chứ giáo điều, rập khuôn thì khó mà có thành công. Hiện nay Đảng không những trung thành mà phải vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác- Lê nin tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới của đất nước. Để từ đấy hoàn thiện, bổ sung phát triển cương lĩnh phát triển của đất nước, luôn luôn đề ra các chính sách phù hợp với sự phát triển của đất nước, của thời đại.

Đặc biệt, trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, công tác cán bộ phải đặc biệt được coi trọng. Cách mạng Tháng Tám là kết tinh của quá trình xây dựng Đảng, vấn đề đào tạo cán bộ. Điều này đã được Bác sau này đúc kết là: “ Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Một bài học lớn nữa cũng cần phải hết sức quan tâm là chớp thời cơ cách mạng.Trong tình hình hiện nay, cơ hội cũng nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn.Chúng ta phải tận dụng các cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Người dân Việt Nam có ý chí dân tộc rất lớn, đây là tiềm năng lớn để đất nước phát triển.Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những nguy cơ, thách thức, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi. Do đó, nếu chúng ta không biết tận dụng thời cơ, sức mạnh dân tộc để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thì tụt hậu hoàn toàn có thể xảy ra.

Cán bộ là yếu tố

then chốt

Để đất nước phát triển, việc quan trọng lúc này là phải chấn chỉnh lại công tác cán bộ. Vừa qua, Đảng đã xử lý rất nghiêm tình trạng này nhưng tới đây cần phải tiếp tục làm mạnh nữa. Phải làm sao lựa chọn được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược vừa có đức, có tài, luôn đặt lại lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.

Thực tế, trước và sau Cách mạng Tháng Tám đội ngũ cán bộ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị công phu. Đội ngũ cán bộ lúc đó tập hợp xung quanh Bác là những con người có trí tuệ, nhân cách, luôn đặt Tổ quốc, Quốc gia, Dân tộc lên trên tất cả. Có thể kể đến như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng... Có những cán bộ đó mới phất được ngọn cờ, tập hợp được quần chúng nổi dậy đứng lên giành chính quyền.

Giờ đây, sau 73 năm, dù kinh tế- xã hội của đất nước đã có nhiều sự phát triển vượt bậc, nhưng vẫn còn đó không ít hạn chế, yếu kém. Công tác cán bộ còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm”…. Hội nghị Trung ương 7 vừa qua cũng đề cập rất sâu về việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược giỏi, có năng lực, đức độ, nhân cách thì đất nước sẽ phát triển. Ngược lại cấp chiến lược mà có chuyện này, chuyện khác, tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền thì dễ dẫn đến thất bại, trì trệ, đất nước không phát triển được.

Muốn làm được việc đó, thì lựa chọn cán bộ phải từ thực tiễn, trong đó đặc biệt chú trọng lắng nghe ý kiến từ quần chúng nhân dân. Trong đội ngũ hiện nay, nhất là giới trẻ, rất nhiều người có năng lực, hoài bão, tận tâm cống hiến, phụng sự Tổ quốc. Cái chính là cần phải có cơ chế khách quan, minh bạch, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ đúng và trúng. Dân mới là người sống gần cán bộ, hiểu cán bộ nên phải lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân về đội ngũ cán bộ.

Dân chung lòng sẽ tạo ra sức mạnh

Một bài học quan trọng, có giá trị lớn lao nữa mà khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập mùng 2/9 để lại là làm sao phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn làm được điều này thì đòi hỏi mọi cấp ngành phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân.Khi Bác Hồ về nước 1941, Bác có nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp rằng “Dân trước súng sau, có dân thì sẽ có súng, có dân thì sẽ có tất cả”. Mọi việc Đảng làm đều phải dựa vào dân, đặt lợi ích dân tộc và lợi ích của dân lên cao nhất. Phải thực sự lấy dân làm gốc.

Bây giờ vấn đề này càng phải được coi trọng hơn. Bởi thực tế, những năm qua, do sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng rồi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, “quan cách”, cửa quyền… đã khiến cho phần nào người dân mất niềm tin vào một bộ phận đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Do đó, bây giờ phải củng cố, lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng cách xử lý nghiêm minh những vi phạm, tiêu cực của đội ngũ cán bộ. Có xử lý, đẩy lùi được tình trạng này thì mới tạo ra niềm tin cho người dân. Dân có chung lòng thì mới tạo ra tạo ra sức mạnh, niềm tin để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

"Bài học lấy dân làm gốc vẫn là bài học đúng của mọi thời kỳ lịch sử. Có dân, Ðảng mới đi sâu được vào quần chúng, dễ dàng tập hợp được quần chúng tham gia vào sự nghiệp cách mạng, tạo ra sức mạnh và thực lực để làm nên những chiến thắng vĩ đại trong công cuộc dựng nước và giữ nước".

                PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc 

MỚI - NÓNG