Cơ cực đời công nhân gầm cầu

Cơ cực đời công nhân gầm cầu
TP - Khi các anh đến gầm cầu xơ xác, các anh đi rồi, gầm cầu lại xác xơ. Những người dân địa phương nói rằng họ nể phục tinh thần làm việc của những công nhân miền Bắc, nhưng cũng mong những người anh em này có lán trại tốt hơn.

> Sống trong ký túc xá giá rẻ của nữ công nhân
> Người đấm bóp cho công nhân
> Công nhân ở nhà lầu, xài máy giặt

Theo lời chỉ dẫn của người dân Nhà Bè (TPHCM), tôi đi tìm một nhóm công nhân đã hơn 4 tháng sinh sống dưới gầm cầu để thi công một đoạn kênh ở Ấp 1, xã Long Thới.

Ấp trung tâm của xã, đời sống nhân dân khá sung túc với nhà cửa kiên cố, nhiều cây cảnh hoa cảnh, một cái chợ sầm uất đủ mọi thứ được bán. Những quán cà phê, hiệu thuốc Tây mọc nhan nhản. Các cô gái ăn mặc khá chỉn chu còn những người mẹ già đôi khi vẫn sơn móng tay và đến tiệm dưỡng tóc ở chợ.

Người ta chỉ cho tôi một cây cầu bê tông bắc qua sông. Tôi không thấy nhóm công nhân ở đâu, cho tới khi tôi vòng xuống chân cầu, phát hiện ra một khu vực được quây bằng thép chống B40 đã gỉ, với những dây leo lưa thưa phủ lên.

Nhìn bên ngoài không biết được gầm cầu có người, nhưng khi tôi dũng cảm bước qua miệng mấy con chó đi vào, tôi phát hiện một cái lán lớn được dựng đơn sơ dưới gầm cầu.

Các anh gồm 10 người, thuộc một công ty xây lắp của ngành thủy sản. Hầu hết họ đều là người miền Bắc. Họ nằm trên những tấm ván mỏng, trải chiếu. Lán trại dựng cao chừng ba mét, quây bằng lá và bạt, phía trên không có mái mà nhờ vào gầm cầu che chở. Nắng gió chiếu xuyên vào đến tận các tấm phản, nơi một công nhân đang nằm ngủ li bì.

Một chiếc ti vi để ở xa, mọi người đánh trần ngồi trên các tấm phản cùng xem một bộ phim tự quay đám cưới của dân thành phố có ca sĩ Ngọc Sơn tới hát chung vui.

Sống dưới gầm cầu ở Nhà Bè
Sống dưới gầm cầu ở Nhà Bè.

Phúc, khoảng 40 tuổi, quê ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh, nói với tôi: “Hôm nay ngày giỗ Tổ, tối anh em được nghỉ. Buổi trưa đã có liên hoan, làm vịt Xiêm ăn. Anh em cũng thèm thịt chó, có 5 con thì để giúp công tác bảo vệ nên chỉ làm món thịt lợn giả cầy. Ăn xong, 5 người đã đi chơi còn 5 người ở lại trực đơn vị”.

Người cấp dưỡng đang lo bữa chiều. Anh nói: “Tiêu chuẩn công nhân giờ mỗi ngày chừng dăm chục nghìn, ăn uống cũng đủ chất, ngày nào cũng ăn vịt, cá. Tối nay cho anh em ăn gà”. Bếp ăn là một góc lán, nấu vừa điện vừa gas, nắng chiếu vào cả nồi cơm. Nơi rửa chén bát nằm sát trụ cầu. “Nước sinh hoạt chúng tôi câu của dân, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu - các anh nói - điện thì đóng 10 triệu cho huyện để làm bảo đảm rồi câu thẳng từ điện lưới xuống để sử dụng”.

Phong, một công nhân người Bắc Ninh nói: “Chúng em thường làm đêm, từ hai giờ đến bốn giờ sáng, khi dòng nước triều rút đi. Đánh đêm như thế tốn rất nhiều sức lực và phải kỹ thuật, bởi ngay sau đó nước lại ngập tràn dòng sông và công trình kè của chúng em nằm dưới lòng nước”. Anh cho biết: “Ban ngày, chúng em nghỉ, ngủ. Có khi ngủ đến tận chiều”.

Anh em muốn chia sẻ khó khăn với công ty trong thời buổi kinh tế khó khăn và không muốn việc thuê mượn đất đai dựng lều lán ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của mình. Phong nói: “Chúng tôi ở dưới gầm cầu, mưa tạt vào ít thôi, nắng cũng không đáng kể”. Nói vậy thôi, người dân ở trong Nam buổi tối thường đóng kín cửa, bởi khí hậu vùng này thay đổi thất thường, nhiều rừng bần, rừng dừa nước, nhiều muỗi. Cuộc sống dưới gầm cầu ngay cạnh con sông lớn nước thay đổi thất thường chắc chắn là một thử thách không nhỏ.

Buổi tối, khi người dân đã ngủ say, họ kéo điện ra sông, xông pha dưới bùn lầy. Những cọc cừ đóng sâu 20 m một lớp, mà phải hai lớp như thế. Rồi đổ bê tông mác cao lên. Chạy đua với nước triều, nước sông, thứ nước mà người dân cũng đang kêu là ô nhiễm.

Anh Thắng 46 tuổi nói: “Toàn bộ mười anh em chúng tôi đều là dân Bắc và miền Trung. Không tuyển được người Nam, giờ đó hình như mọi người trong này đều ngủ say, nên không quen làm việc với cường độ cao được”.

Anh Thắng có hai đứa con. Anh làm đủ việc, từ nấu nước đến xông pha công trường. Tết anh gom tiền về quê. Anh nói: “Mỗi tháng trung bình được 5 triệu đồng, ở quê giờ đất đai chẳng còn là bao. Chỉ mong có công trình”. Anh nói chẳng ai muốn xa vợ con, công việc mà cứ đi mãi thế này: “Nghe bảo con ở nhà chuyển trường, đang lo”.

Phúc là nhóm trưởng. Anh điều hành bằng một chiếc điện thoại cũ. Phúc đang bị băng bó ở bàn chân: “Đi ra đường, tránh dân, sợ họ bị tai nạn, mà hóa ra mình lại bị thương. Đã đi nhờ bác sĩ chích thuốc rồi. Ở đây toàn công nhân với nhau, không có y tá”.

Vết thương băng bó sơ sài, Phúc hút thuốc lào, kể: “Mỗi tháng chúng tôi hút cả cân thuốc lào ấy chứ, chống rét và đỡ buồn”. Anh đang gọi nguyên vật liệu. Gầm cầu cũng chính là nơi tích trữ sắt thép xi măng. Tiến độ công trình không cho phép họ nghỉ ngơi lâu, nửa đêm sau ngày nghỉ mọi người lại xuống sông.

Dân trong ấp bảo: “Không biết họ có bao nhiêu người, già trẻ ra sao?”. Một bà cụ gần chợ bảo: “Lâu lâu họ ra uống nước, chừng nửa tiếng lại về. Mỗi lần như thế họ chỉ đi khoảng 3
người thôi”.

Phong, công nhân quê Bắc Ninh nói với tôi rằng thậm chí anh không biết con sông mình đang thi công tên gì. Chỉ biết giao tọa độ như thế, hoàn thành cho tốt. “Chúng tôi gọi nôm na sông này là sông Hiệp Phước vì nó chảy qua xã Hiệp Phước” - các anh bảo tôi, trong khi mắt vẫn không rời cái ti vi nhỏ đặt ở khá xa.

Công trình kiên cố dưới cầu. Ảnh: T.N.A
Công trình kiên cố dưới cầu. Ảnh: T.N.A .

Tôi hỏi người tổ trưởng: “Hồi trước tôi thấy công nhân thi công bao giờ cũng lo xây lán trại cho mình tốt trước đã, để chống nắng mưa và giữ gìn sức khỏe. Thậm chí người ta thường ghen tị khu tập thể của công nhân xây dựng bao giờ cũng đẹp nhất trong thành phố. Sao bây giờ anh em lại ở gầm cầu thế này?”.

Phúc tắc lưỡi nói: “Kinh phí công trình có hạn. Xây dựng lán trại, diện tích công trình phải lớn. Không có đất, muốn dựng lán trại chỉ còn cách đi thuê đất, tốn kém và phức tạp nữa”.

Anh em muốn chia sẻ khó khăn với công ty trong thời buổi kinh tế khó khăn và không muốn việc thuê mượn đất đai dựng lều lán ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của mình.

Phong nói: “Chúng tôi ở dưới gầm cầu, mưa tạt vào ít thôi, nắng cũng không đáng kể”. Nói vậy thôi, người dân ở trong Nam buổi tối thường đóng kín cửa, bởi khí hậu vùng này thay đổi thất thường, nhiều rừng bần, rừng dừa nước, nhiều muỗi. Cuộc sống dưới gầm cầu ngay cạnh con sông lớn nước thay đổi thất thường chắc chắn là một thử thách không nhỏ.

Sự, người Yên Thành, Nghệ An, chưa lập gia đình, cười bảo: “Tết em không về quê, đi khắp thành phố cho quen đường sá để khi có việc chạy cho nhanh”. T

heo Sự, những xó xỉnh dọc các dòng kênh dòng sông của thành phố anh đều biết cả. “Bọn em đã thi công hàng chục công trình khắp thành phố”. Người tổ trưởng tự hào cho biết: “Các công trình của chúng tôi đều được địa phương đánh giá tốt”.

Tôi rời gầm cầu ở xã Long Thới quay về thành phố. Hình ảnh những người công nhân Bắc Ninh, Nghệ An ở gầm cầu hơn bốn tháng (và họ còn tiếp tục bám trụ ở gầm cầu trong những ngày tới) để thi công kè bảo vệ dòng chảy của con sông bỗng dưng tái hiện ngay trước mắt.

Ở một cây cầu khác, tôi lại thấy lán trại được dựng, tuy không phải nứa lá mà bằng thép, nhưng cũng nằm dưới gầm cầu. Tôi muốn ghé vào thăm họ. Anh em đứng dưới gầm cầu vọng lên nói: “Nhà báo thông cảm! Bác bảo vệ đã khóa hàng rào đi đâu rồi, chúng tôi không có chìa khóa”.

4/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG