'Cô bé' lớp 6 đủ điều kiện theo học ĐH: Em đã từng nghĩ sẽ ... 'bị đúp'

Lan Thư cô bé siêu đỉnh môn tiếng Trung
Lan Thư cô bé siêu đỉnh môn tiếng Trung
TPO - 8 tuổi, Nguyễn Lan Thư có chuyến đi dài đầu tiên trong đời cùng bố mẹ sang Quảng Châu (Trung Quốc). Khi đó, em sốc nặng vì không hiểu ngôn ngữ mà bạn bè xung quanh mình đang nói. Thế nhưng cũng chính năm ấy, cô bé xếp thứ 4 về học lực trong gần 30 học sinh của lớp. Và hiện tại, khi vừa tốt nghiệp tiểu học, Thư hoàn tất chứng chỉ tiếng Trung toàn cầu với số điểm tuyệt đối 6/6.

Lan Thư cũng cho biết, em đã từng xác định tinh thần sẽ "bị đúp" hồi lớp 4 và việc em lên lớp được đã là “rất siêu rồi”.

Chứng chỉ mà Lan Thư dự thi là HSK và TOCFL. Theo đó, HSK trong mỗi cấp chia 3 bậc. Cấp 6/6 bậc 3 là trình độ cao nhất. Tại Trung Quốc, điều kiện đầu vào đại học (chuyên ngành, nghe giảng bằng tiếng Trung) là cấp 4/6; thạc sỹ cấp 6/6.

PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với cô học trò học tiếng Trung siêu đỉnh này.

Học giỏi vì tò mò, ham đọc sách

PV: “Mối duyên” nào đưa em đến với Tiếng Trung và có 'tình yêu' với nó đến bây giờ?

Lan Thư: Nếu chính thức học và thích tiếng Trung là năm em 7 tuổi. Còn tò mò thì từ 5 tuổi. 

Từ bé, bố mẹ nói chuyện tiếng Trung với nhau, em rất muốn hiểu mà không biết bố mẹ nói gì. Hơn nữa thích xem phim "Hoàn châu cách cách", em xe chỉ xem bản dịch tiếng Việt còn bố mẹ xem bản tiếng Trung và thấy bố mẹ nói “hay thế , hay thế”.  Thế là cảm giác tò mò vì muốn biết sao bố mẹ lại nói như vậy.

Vậy là, lớp 2 em xin bố mẹ cho đi học. Bố mẹ có nói cho em biết, biết một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh thì rất là tốt cho mình nên bố mẹ tìm trung tâm cho em đi học.

PV: Em có thể chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Trung của mình?

Môn này học về học chữ có thể nghĩ ra cách học cho nhanh. Ví dụ, có bộ chữ này bộ chữ kia liên quan đến vật này vật kia trong thực tế sinh hoạt, có liên tưởng thì dễ nhớ chữ hơn.

Ngữ pháp thì do em có cơ hội được sang Trung Quốc cùng bố mẹ nên ngữ cảm được hình thành vì nghe nói nhiều chứ không phải học chuyên sâu ngữ pháp như các quyển giáo trình tiếng Trung ở Việt Nam.

Theo em, muốn học tốt ngoại ngữ cần đọc nhiều sách. Sách khiến tăng vốn từ vựng. Có một kỷ niệm vào một ngày mùa đông, khi cô giáo nói về đọc 1 quyển sách, em lại nghe nhầm tưởng là cô bắt mình đọc một tập sách. Thế là sau đó em dành cả một 1 tháng ngồi đọc 10 cuốn sách dày như tiểu thuyết. Em ngồi đọc qua một mùa đông như thế thấy tiến bộ hẳn, từ vựng nhiều hơn và nói lưu loát hơn hẳn.

Ngoài ra, xem các chương trình giải trí khiến mình vừa giải trí nhưng cũng hiểu có một cách nói khác, cách nói không phải là nói kiểu văn chương mà ngoài đời nói như thế, nên thấy rất thú vị ạ.

PV: Vậy kinh nghiệm học tiếng Anh của em là gì?

Tiếng Anh và tiếng Trung giống nhau, em có thể học từ qua việc tưởng tượng những cái giống trong sinh hoạt của mình, cách đó liên kết khiến em nhớ lâu hơn.

Ngoài ra, đọc sách nhiều, sách khiến mình tiến bộ nhanh và tốt nhất.

PV: Một ngày em đọc sách nhiều không?

Bây giờ không còn nhiều thời gian, hồi ở Quảng Châu, cuốn sách nào lôi cuốn, 1 ngày đọc xong 1 cuốn vài trăm trang là bình thường. Có cuốn khi mới đầu học chưa hiểu lắm, 1-2 tuần đọc các cuốn khác rồi quay lại đọc sau.

PV: Học giỏi tiếng Trung và tiếng Anh, dự định em có đi học Trung Quốc như bố mẹ em từng đi không?

Em thích đi du học ở một nước châu Âu. Còn tiếng Trung là thứ tiếng mạnh trên thế giới, là điểm cộng cho em khi xin học bổng. ngoài ra, việc giỏi tiếng này giúp ích em không bị bó buộc trong một 1 ngôn ngữ.

Nếu có thời gian em sẽ vẫn thích bắt đầu với ngoại ngữ mới. Bố vẫn hỏi em có đi học cùng không. Nếu chọn, em sẽ học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý vì tiếng đó em nghĩ sẽ có ý nghĩa.

'Cô bé' lớp 6 đủ điều kiện theo học ĐH: Em đã từng nghĩ sẽ ... 'bị đúp' ảnh 1

'Cô bé' lớp 6 đủ điều kiện theo học ĐH: Em đã từng nghĩ sẽ ... 'bị đúp' ảnh 2
'Cô bé' lớp 6 đủ điều kiện theo học ĐH: Em đã từng nghĩ sẽ ... 'bị đúp' ảnh 3 Những tác phẩm của Lan Thư
Đã từng sốc ở Trung Quốc vì không biết người ta nói gì

PV: Đã được đi sang Trung Quốc, Đài Loan học, em có thấy việc học khác ở Việt Nam không?

Em thấy có khác đấy. Ở Việt Nam chương trình toán nặng hơn bên kia. Ở Đài Loan thiên hướng dạy nhiều đến khoa học và xã hội, Toán không nặng như ở Việt Nam mình. Em  thấy học như vậy tốt. Ngoài ra, trong chương trình của họ có các chương trình thể hiện tài năng như học sinh biết nhảy, hát còn ở trường của cháu hiện tại rất ít, còn trường tiểu học không có luôn.

Ở bên đó em thấy việc học mình được chủ động chứ còn ở Việt Nam thì không.

Học ở bên Quảng Châu em học tốt hơn học ở Đài Loan. Sang đó, tiếng Anh của em tốt, ở đó tiếng Anh được chú trọng.

Em được cô giáo chọn dự thi cuộc thi Outlook Star, và không khó để đạt giải nhất của trường. Sau đó, em dự cuộc thi cấp tỉnh của Quảng Đông và cũng đứng đầu tỉnh cho lứa tuổi lớp 3-4 và được mời đi tham dự cấp quốc tế tại trường Havard.

Trong khi đó, Ở Đài Loan lại không có cuộc thi nào, cái đấy là một việc hơi tiếc.

PV: Một ngày của em việc học diễn ra như thế nào, có thấy nặng không?

Em đi học vào buổi chiều, buổi sáng giành thời gian để đọc sách, xem chương trình giải trí, tiếng Anh qua những chương trình này.

Sau này buổi sáng em phải học phụ đạo thêm. Giờ tự do một tý sau phải học thêm ở trường và học thêm bên ngoài mới cạnh tranh được.

Từ cuối lớp 4 về Việt Nam đều học đuổi thôi. Về kiến thức lớp 4, em thấy nặng hơn Đài Loan. Khi mới về em bị sốc vì vào lớp cô viết đề bài, trong khi các bạn làm xoèn xoẹt, em chả hiểu gì. Xác định tinh thần đúp lớp 4 rồi nhưng cuối cùng “tốt nghiệp” được lớp 4, em thấy mình đã "rất siêu".

PV: Em đã từng bị việc học làm sốc bao giờ nữa không?

Hồi ở Quảng Châu sốc vì không biết tiếng, trong khi các bạn nói không hiểu gì, cứ hỏi một đống thứ  vì mình người Việt Nam. Trường em học có nhiều người nước ngoài như Tây Ban Nha và các nước khác  nhưng chưa có người Việt Nam bao giờ nên họ tò mò.

Em chỉ hiểu đúng một câu bạn tên là gì còn lại rất nhiều câu khác nhưng không hiểu vì người Quảng Đông nói tiếng khó nghe, không giống như em học ở Việt Nam. Các bạn nói nghe khó hiểu, lại còn từ vựng không nhiều nên kết quả hồi đó rất tệ.

PV: Em ước mơ sau này học và làm trong lĩnh vực gì?

Em thích thiết kế nội thật và thiết kế thời trang.

PV: Em thích vẽ và vẽ đẹp chứ?

Em hiện tại không vẽ được nhiều như hồi hè. Như bố em nói em khi “điên” lên thì mỗi ngày em vẽ  một bức.

Cảm ơn em!

 Quan trọng nhất là tạo yêu thích cho con

Chị Ánh Hoa, mẹ của Lan Thư cho rằng, việc con đạt chứng chỉ tiếng Trung rất cao lúc đầu quả thực anh chị không coi đây là mục tiêu mà đơn giản, hè này không có việc gì làm sợ con… “nhàn cư vi bất thiện” nên tự nghĩ ra một việc trong hè năm nay.

Chị Hoa cũng cho rằng, người lớn và trẻ con học ngoại ngữ khác, trẻ con nhanh vì đầu óc nhiều khoảng trống dự trữ hơn mình, mình lớn tốc độ học vào kém hơn trẻ con.

“Học ngoại ngữ để giao tiếp nhưng học để dùng ngoại ngữ là công cụ để học là việc khác. Một đứa trẻ con quan trọng nhất là mình tạo yêu thích cho con đã, nếu mà không thích thì khó mà ép được. Cho trẻ thích một cách tự nhiên, từ bé tiếp xúc dần. Như tiếng Trung hồi đó mình không có chủ đích cho con học mà một cách tự nhiên nhưng khi vợ chồng nói chuyện với nhau bằng tiếng trung dần dần con hiểu ra bố mẹ nói cái tiếng mà con không hiểu và từ đấy con bắt đầu học, tò mò. Mình cũng thấy bất ngờ.

“Quan điểm của mình với con khi học cần nhẹ nhàng để con thấy thích, khi nào chán thì tạm dừng. Ví dụ,tiếng Trung khó quá thì tôi khuyên con không học xem cái gì hay ho, giải khuây đi đã”- Chị Hoa cho hay.

MỚI - NÓNG