Cirque du Soleil: Từ ‘gánh xiếc tỷ đô’ đến xin phá sản vì dịch COVID-19

Cirque du Soleil: Từ ‘gánh xiếc tỷ đô’ đến xin phá sản vì dịch COVID-19
TPO - Là công ty biểu diễn xiếc đương đại lớn nhất thế giới, từng có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm, Cirque du Soleil lâm vào bước đường cùng phải xin phá sản vì dịch COVID-19 kéo dài.

Gần đây, Cirque du Soleil (Gánh xiếc Mặt trời) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Canada sau thời gian cầm cự trước cuộc khủng hoảng chưa từng có do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh kéo dài buộc Cirque du Soleil hủy tất cả các show diễn trong ba tháng qua, dẫn đến khoản nợ gần 1 tỷ USD nhưng không có khả năng chi trả. Trước đó, công ty đã sa thải gần 3.500 nhân viên, nghệ sĩ để cứu vẫn tình thế nhưng vẫn không mang lại hiệu quả.

Từ gánh xiếc nhỏ đến doanh thu tỷ USD

Cirque du Soleil được thành lập vào ngày 16/6/1984 tại Baie-Saint-Paul, ngoại ô thành phố Quebec, Canada, bởi hai cựu nghệ sĩ đường phố Guy Laliberté và Gilles Ste-Croix.

Khởi nguồn là một gánh xiếc nhỏ nhỏ có tên Les Échassiers. Họ lang thang khắp Quebec biểu diễn từ năm 1979-1983. Khó khăn tài chính ban đầu của gánh xiếc được giải quyết khi gánh xiếc được tham gia sự kiện mang tên Cirque du Soleil, nhân kỷ niệm 450 năm thành lập thành phố Quebec. Sau thành công của sự kiện, gánh xiếc quyết định đổi tên thành Cirque du Soleil. Năm 1984, họ ra mắt chương trình biểu diễn đầu tiên Le Grand Tour du Cirque du Soleil và đạt được thành công vang dội.

Cirque du Soleil: Từ ‘gánh xiếc tỷ đô’ đến xin phá sản vì dịch COVID-19 ảnh 1

Lý do Cirque du Soleil nhận được sự ủng hộ từ người xem bắt nguồn từ định hướng ban đầu của gánh xiếc. Theo đó, Cirque du Soleil tập trung vào yếu tố con người, không dàn dựng các màn xiếc thú như nhiều gánh xiếc cùng thời khác. Ste-Croix cho biết, vào thời điểm đó, Cirque du Soleil gần như là đoàn biểu diễn duy nhất theo đuổi định hướng đó.

Nhận được sự đón chào nồng nhiệt trong nước, Cirque du Soleil mở rộng thị trường sang Mỹ. Không chỉ tổ chức các tour lưu diễn, Cirque du Soleil còn phát triển các màn diễn cố định. Năm 1993, ông Laliberte đã phối hợp với ông chủ sòng bạc Steve Wynn ở Las Vegas để dàn dựng một màn diễn cố định mang tên Mystere, tại khu resort Mirage của ông Wynn. Năm 1998, công ty tổ chức màn diễn La Nouba tại Disneyworld ở Orlando, Florida.

Tiếp đó, Cirque du Soleil đến châu Âu, với thành phố đầu tiên là Thụy Sĩ, hợp tác cùng đoàn biểu diễn trong nước Circus Knie của Thụy Sĩ. Cirque du Soleil sau đó đi lưu diễn ở khắp châu lục. Cirque du Soleil rất chú trọng chất lượng biểu diễn. Mỗi chương trình trình diễn phải đầu tư 25 triệu USD và dàn dựng trong khoảng 2 năm.

Công ty chi tiền mời cả một nhà sáng tạo để vạch đề tài cho các chương trình, từ võ thuật, nhào lộn, tung hứng đến tái hiện các nhân vật như huyền thoại âm nhạc Michael Jackson. Sau khi đã tạo được cốt truyện cơ bản của màn diễn, khoảng 200 người được thuê tới làm công tác phục vụ, như thiết kế trang phục và đóng giày. Các nghệ sĩ tập trung về trụ sở công ty ở ngoại ô thành phố Montreal (Canada) để tập luyện trong 6 tháng trước khi lên sân khấu.

Công ty tấn công thị trường châu Á từ năm 1992, bắt đầu với Nhật Bản. Vào thời kỳ hoàng kim, Cirque du Soleil “phủ sóng” khắp hơn 300 thành phố trên thế giới, trừ Nam Cực, với những màn trình diễn đỉnh cao tại Las Vegas như "O", "Le Revé", "Mystere", "The Beatles LOVE", "Michael Jackson ONE"... Theo thống kê của Forbes, với 19 màn trình diễn mỗi năm, Cirque du Soleil thu về được hơn 1tỷ USD/năm. Đạt được thành tích đáng nể, “gánh xiếc tỷ đô” trở thành “con cưng” của Canada, đồng thời là công ty sản xuất xiếc đương đại lớn nhất thế giới. Trong hành trình 36 năm, công ty chạm đến nhiều giải thưởng trên thế giới và được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.

Cirque du Soleil: Từ ‘gánh xiếc tỷ đô’ đến xin phá sản vì dịch COVID-19 ảnh 2

“Đế chế” sụp đổ

 Dĩ nhiên, trên con đường tiến đến đỉnh vinh quang, Cirque du Soleil phải đối mặt với không ít khó khăn. Từ năm 2008, nhiều người đánh giá, chất lượng các màn diễn của công ty giảm dần, sau khi CEO Daniel Lamarre tăng dần số màn trình diễn mỗi năm. Hậu quả, Cirque du Soleil đã phải hủy không ít màn diễn kém chất lượng, gây thiệt hại lớn. Đầu năm 2015, công ty phải cho 400 nhân viên tạm nghỉ việc vì khó khăn kinh tế.

Cùng năm, một nghệ sĩ nhào lộn tử nạn do rơi từ độ cao 15m xuống đất trong một màn diễn ở Las Vegas. Sau đó, công ty đã phải nộp tiền phạt bởi điều kiện làm việc không an toàn. Bi kịch này ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của Cirque du Soleil.

Sau tất cả, Cirque du Soleil vẫn đứng vững trước các thách thức. Tuy nhiên, từ thời điểm COVID-19 bùng phát, công ty lâm vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có. Suốt 3 tháng, Cirque du Soleil phải tạm thời ngừng việc biểu diễn đối với hầu hết các show lớn của công ty này, bao gồm 6 show ở Las Vegas và 10 chương trình nhạc kịch lưu diễn trên khắp thế giới. Trong thời gian này, công ty cho ra mắt kênh online đăng tải những màn trình diễn trong các chuyến lưu diễn trên thế giới để “giữ chân” khán giả, nhưng không giúp ích gì vì không mang lại nguồn thu.

“Trong 36 năm qua, Cirque du Soleil là một tổ chức rất thành công và có lợi nhuận. Tuy nhiên, với doanh thu bằng 0 kể từ khi buộc phải hủy tất cả các show diễn do COVID-19. Ban lãnh đạo đã phải hành động quyết đoán để bảo vệ tương lai của công ty”, Daniel Lamarre, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Giải trí Cirque du Soleil, cho biết.

Cirque du Soleil: Từ ‘gánh xiếc tỷ đô’ đến xin phá sản vì dịch COVID-19 ảnh 3  Doanh nhân Daniel Lamarre.

Được biết, Cirque du Soleil đang tham gia một thỏa thuận với các nhà đầu tư để giúp khởi động lại doanh nghiệp và hỗ trợ nhân viên. Theo thỏa thuận này, các nhà đầu tư sẽ rót thêm 300 triệu USD. Trong đó, 15 triệu USD dùng để hỗ trợ tài chính cho các nhân viên bị chấm dứt hợp đồng và 5 triệu USD dành cho các nghệ sĩ tự do. Số còn lại dùng để trả các khoản nợ chưa thanh toán của công ty, bao gồm bồi thường tiền vé của khách hàng của các show diễn bị hủy bỏ.

Bên cạnh đó, hiện có 3 công ty của Mỹ, Canada, Trung Quốc đã đưa ra mức giá 420 triệu USD để đề nghị mua lại đoàn xiếc Cirque du Soleil . Mức giá này được kỳ vọng chỉ là khởi đầu cho các cuộc đấu giá trong thời gian tới. Tỉ phú Guy Laliberté, người sáng lập Cirques Du Soleil, ngỏ ý muốn mua lại gánh xiếc mà ông đã bán 90% cổ phần với giá 1,5 tỉ USD vào năm 2015 cho Fosun Group (Trung Quốc) và TPG Capital (Mỹ). Nhiều người trong giới cho rằng, một thương hiệu tầm cỡ như Cirque du Soleil chắc chắn sẽ được chính phủ giải cứu, dù chưa rõ cách thức và mất bao nhiêu thời gian.

Đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, CEO Daniel Lamarre vẫn có cái nhìn lạc quan. Ông cho rằng, Cirques Du Soleil sẽ khởi sắc vào đầu năm 2021, dự kiến tình hình dịch bệnh cải thiện hơn và các show diễn trở lại.

Theo Theo CNBC, CNN
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.