Chiêu tự lừa dối nội bộ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ có tên gọi là Eyewash - thuật ngữ có nguồn gốc từ thế kỷ 19, từng xuất hiện trong các cuốn sách về gián điệp và một bài viết trên trang web của CIA. Việc gửi đi các thông điệp sai sự thật trong nội bộ CIA bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh, khi CIA truy quét các điệp viên Liên Xô bí mật gài vào cơ quan này. Một trong những người bị phát hiện bán bí mật cho Moscow là Aldrich Ames, bị kết tội làm gián điệp năm 1994 và đang thụ án chung thân không ân xá.
Theo Washington Post, mặc dù đây không phải một chiến thuật thường xuyên của lãnh đạo CIA, nhưng là biện pháp an ninh quan trọng, nhằm bảo vệ những bí mật then chốt. Thông tin giả được chuyển qua những kênh liên lạc thông thường, trong khi thông tin chính xác chỉ được chuyển tới những người đã được xác minh "trong sạch", thông qua một kênh riêng.
Các nhà điều tra tại thượng viện đã phát hiện ra những vụ việc sử dụng chiến thuật này sau nhiều năm điều tra chương trình thẩm vấn của CIA. Một số quan chức tiết lộ Ủy ban Tình báo Thượng viện đã nhận thấy sự không nhất quán trong thông tin của CIA về các chiến dịch bí mật, bao gồm cả các vụ không kích bằng máy bay không người lái.
Ít nhất hai vụ việc liên quan đến chiến thuật này đã được đề cập trong báo cáo của ủy ban trên. Một vụ là các lãnh đạo tại trụ sở CIA đã gửi một bức điện tới văn phòng tại Pakistan, yêu cầu nhân viên tại đây không thực hiện chiến dịch có nguy cơ chết người đối với một thành viên al-Qaeda tên là Abu Zubaida. Nhưng một chỉ thị thứ hai được gửi đi sau đó, cho một nhóm nhỏ người nhận, lại nói rằng hãy bỏ qua bức điện kia, và rằng nhiệm vụ có thể được triển khai.
Abu Zubaida sau đó bị bắt với thương tích nặng, trong một cuộc đột kích do CIA và Pakistan cùng tiến hành, vào một khu nhà tại Faisalabad. Zubaida được tin là thành viên al-Qaeda cấp cao đầu tiên bị bắt sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Trong một vụ việc khác, nhân viên CIA tại Pakistan đã phát đi một bức điện, nói rằng một thành viên cấp cao al-Qaeda chết do bạo lực bộ tộc tại tây bắc Pakistan. Thực tế, tên này bị tiêu diệt trong một vụ không kích sử dụng máy bay không người lái của Mỹ.
Thông tin dường như được thiết kế nhằm che đậy năng lực sát thương của máy bay không người lái mà CIA sở hữu, khiến ngay cả các nhân viên CIA tại Pakistan cũng không hay biết, trước khi chiến dịch tấn công bằng loại vũ khí này được đưa tin rộng rãi.
Tranh cãi
Biện pháp này gây không ít tranh cãi do có nguy cơ bị lạm dụng. Ngoài việc cho thấy sự thiếu tin cậy nội bộ, các nhân viên CIA được phỏng vấn cho biết không có cơ chế rõ ràng nào trong việc xác định đâu là những thông tin liên lạc thuộc Eyewash. Hơn thế nữa, cũng không thể phân biệt rõ ràng giữa những thông tin giả đó với thông tin đúng.
CIA thường xuyên thực hiện những chiến dịch đánh lừa chính phủ các nước khác, cũng như đối thủ. Nhưng một số quan chức cho biết Eyewash về cơ bản có tính chất hoàn toàn khác, khi nhắm tới đối tượng là chính các thành viên của CIA, tạo ra thông tin sai lệch ngay bên trong hàng ngũ.
"Những nhân sự cấp thấp, không được biết thông tin mật đang nhận được những lời nói dối", một quan chức Mỹ nói. "Họ đang bị lừa dối một cách có chủ ý".
Ngay cả với những nhân viên kỳ cựu CIA, không phải ai cũng biết đến và hiểu về chiến thuật này. 5 cựu quan chức cấp cao CIA mà Washington Post phỏng vấn cho biết họ chưa hề nghe đến thuật ngữ Eyewash, và không hề biết chiến thuật đánh lừa nội bộ này đã từng được triển khai.
Fred Hitz, cựu tổng thanh tra CIA giai đoạn 1990 - 1998 cho biết, việc cố ý đánh lừa nhân viên của CIA mang đầy rủi ro. "Người không được biết thông tin thật có thể hành động dựa trên cơ sở thông tin sai lệch", ông Hitz nói. "Đó thực sự là đùa với lửa".
Dù vậy, một cựu quan chức tình báo giấu tên giải thích rằng, Eyewash chỉ là một biện pháp an ninh tiêu chuẩn đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ.
"Ứng dụng điển hình của Eyewash là nếu bạn có một nguồn tin thông thường, nhưng rồi người đó đột ngột tiếp cận được với thông tin rất nhạy cảm", ông nói. "Việc bạn có thể làm là đưa ra một thông cáo giả rằng người đó đã gặp tai nạn và qua đời".
"Đa số những người từng biết đến nguồn tin này sẽ nghĩ rằng người đó đã chết. Nhưng những thông tin cung cấp từ nguồn tin đó sẽ được chuyển sang một bộ phận rất bí mật khác, mà chỉ một vài người được biết", cựu quan chức lý giải.
Người này khẳng định Eyewash hiếm khi được sử dụng. Trong cả sự nghiệp kéo dài hơn hai thập niên của ông, ông "chỉ thấy 5 hoặc 6" thông tin giả được gửi đi.
Tuy nhiên, luật pháp liên bang Mỹ xem việc một nhân viên chính phủ "che đậy, bưng bít, làm sai lệch hoặc giả mạo" thông tin trong tài liệu chính thức là hành vi phạm tội. Và các chuyên gia về luật cho rằng CIA cũng không được miễn trừ.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo về tác dụng ngược của biện pháp bảo mật này. "Khi đưa thông tin sai sự thật vào hệ thống thông tin, bạn có thể gây bất ổn cho toàn bộ hệ thống giám sát tình báo", Steven Aftergood, một chuyên gia bảo mật chính phủ tại Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ, bình luận.
"Cách đây không lâu từng có một lãnh đạo CIA dính líu đến hành vi tội phạm. Chắc chắn chúng ta không muốn một người như ông ta soạn ra những bức điện sai", Aftergood nói. Vị lãnh đạo được đề cập ở đây là Kyle "Dusty" Foggo, từng là người quyền lực số ba trong CIA, đã thừa nhận phạm tội tham nhũng năm 2008. "Biện pháp này khiến việc che đậy những hành vi sai trái trở nên quá dễ dàng".
Hoàng Nguyên