Chuyện vui của giới văn chương

Những bạn văn thân ái
Những bạn văn thân ái
Tôi có lần là “trại trưởng” trại sáng tác của Hội nhà văn Hà Nội. Một lần chúng tôi- khoảng 15 người -đi trại viết ở Tam Đảo. Mọi người rất nghiêm túc ngồi sáng tác, nhưng đến giờ ăn là tha hồ tếu.

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn - tác giả bài thơ có câu “Anh ngồi rót biển vào chai” rất được mọi người yêu thích, cứ đến mỗi bữa ăn có đông đủ mọi người, anh lại đọc một câu thơ TRÊU nhóm chị em . Đầu tiên là nhà thơ Phi Tuyết Ba- người có bài thơ TRĂNG KHUYẾT: “Thanh Sơn mà được Tuyết Ba - Thì mây Tam Đảo thành ga trải giường”. Phi Thuyết Ba đỏ mặt, còn mọi người phá lên cười. Chỉ có một chàng ngồi cau mày, không nói không cười! Lần thứ hai, Trịnh Thanh Sơn lại đọc một câu tặng nhà thơ Phạm Hồ Thu: “Thanh Sơn mà được Hồ Thu- Thì cho có phải đi tù cũng cam”! Mọi người lại phá lên cười trong khi chàng nghiêm nghị vẫn cau mặt lắc đầu. Đến lần thứ ba, Trịnh Thanh Sơn  nháy mắt với tôi rồi đọc: “Thanh Sơn mà được Thanh Nhàn - Thì cho nước mất nhà tan cũng đành”... Trong khi mọi người vỗ tay và cười phá lên thì chàng nghiêm nghị đứng dậy, giọng rất nghiêm: “Tôi đề nghị anh Sơn chấm dứt ngay chuyện lôi chị em nhà văn nhà thơ ra đùa tếu. Anh nói anh lấy mây ra trải giường với chị Tuyết Ba, rồi lại có bị bắt vẫn yêu chị Hồ Thu, nhất là chị Thanh Nhàn, trại trưởng của chúng ta anh cũng đem ra đùa, đến mức lấy cả chuyện nước mất nhà tan ra để ví von. Tôi thấy kiểu đùa của anh xúc phạm các chị, xúc phạm cả nhân dân đất nước và cảnh đẹp thiên nhiên”... Mọi người im lặng hẳn, có người quay đi cười vì thấy anh này nghiêm trọng quá! Tôi vội đứng lên:

- Tôi xin chịu trách nhiệm về việc này. Tôi thấy chúng ta ở đây đều làm việc nghiêm túc, còn chuyện đùa tếu là để mọi người cười cho vui thôi, không nên quan trọng hóa. Nhưng anh Trịnh Thanh Sơn chắc cũng rút kinh nghiệm, lần sau làm thơ...trêu các anh thôi nhé!

Mọi người vỗ tay và cười ầm lên. Trịnh Thanh Sơn đọc ngay: “Những ai mà chẳng biết cười- Lần sau đi trại xin mời... đừng đi”. Chàng nghiêm túc mặt đỏ tưng bừng, đứng dậy đi ra!...

Chuyện vui của giới văn chương ảnh 1 Bỏ phiếu bầu cử... vui như hội

Lần đi trại Nha Trang  của Hội nhà văn Việt Nam do anh Xuân Thiều là trại trưởng - thì phải-lúc kết thúc trại, anh đề nghị tôi viết một bài thơ vui, làm sao nêu đúng “khuyết tật” của mỗi người... để cười! Và tôi mở đầu:

Hè năm chín bảy/ Hây hẩy  gió nam/ Trại viết Nha Trang/ Vui chi vui lạ/ Có cô Mỹ Dạ/ Phấn son hơi nhiều

Nghe tôi đọc đến đây, mọi người cười vui, nhưng Mỹ Dạ giãy nảy:

Cho em sửa cơ! Thế này nhé: “Có cô Mỹ Dạ - Ớt ăn hơi nhiều”. Mọi người lại cười phá lên vì ăn ớt đâu phải là... khuyết điểm (?). Từ đó, “ĂN ỚT” đã thành tiếng lóng của nhóm nhà văn nữ. Bạn nào để chúng tôi chờ vì trang điểm quá lâu là bị hò: “Ăn ớt ít thôi nàng ơi!”…

Ở trại viết lần đó, các nhà văn nhà thơ tên tuổi đều bị trêu đùa. Và khi tôi đọc bài thơ ấy, tất cả đều “Miệng cười rạng rỡ- Mắt nhìn cay cay’’ vì những lời trêu đùa đầy thương mến:

…Có cô Mỹ Dạ/ Ớt ăn hơi nhiều/ Bác Võ Trần Nhã/ Rụt dè chi tiêu/ Anh Trần Thanh Giao/ Cười như pháo nổ/ Yêu đương nức nở/ Có anh Đông Trình/ Hỏi cô Lam Luyến/ Có trao chút tình?/ Chu Lai nghịch tinh/ Giật ly uống trộm/ Xuân Thiều luống cuống/ Bụng phình hơi to/ Nguyễn Bảo nguy to/ Vì ăn nhiều ghẹ/ Đối thơ như ngóe/ Có chị Hoàng Tuyên/ Nhàn bơi như điên/ Mong eo co quắp/ Hồng Nhu rượu nhắp/ Biển thì chê bai…/ Trại kết thúc rồi/ Bia hơi uống đủ/ Miệng cười rạng rỡ/ Mắt nhìn cay cay...

Bây giờ , đọc lại bài thơ vui ấy thật ngậm ngùi. Các nhà văn Xuân Thiều- Võ Trần Nhã-Hồng Nhu-Trần Thanh Giao... đều đã xa chúng ta mãi mãi!

Các nhà văn nhà thơ tên tuổi đều bị trêu đùa. Và khi tôi đọc bài thơ ấy, tất cả đều “Miệng cười rạng rỡ - Mắt nhìn cay cay’’ vì những lời trêu đùa đầy thương mến.

Nhà thơ  Đoàn Thị Lam Luyến  cũng vào loại nghịch ngợm, làm thơ diễu mọi người khiến ai nấy tha hồ cười. Ví dụ, ở nhà sáng tác Nha Trang năm 2001, chị diễu tôi:

Sáng- Nhàn ra biển ngâm chân/ Còn ngâm những thứ vân vân ở nhà!

Chị Hoàng Tuyên, người của Ban sáng tác  Hội nhà văn Việt Nam, cũng vào loại lém lỉnh và có tài làm thơ tếu rất nhanh, bèn cười:

-Vân vân là chữ của tớ, từ năm 1997, tớ đã viết tặng cậu và người yêu hồi đó nhé: “Chia tay rồi lại chia chân - Đừng lo những chuyện vân vân sau này”... Lam Luyến đỏ mặt lặng im. Tôi cười: Cứ vân vân là hay rồi, cái gì vân vân cũng tha hồ tưởng tượng mà!...

Trong số các nhà văn đi dự trại viết năm ấy, có nhà văn Hà Khánh Linh của Huế là nghiêm chỉnh nhất, chị ít nói đùa và rất chăm chỉ làm việc. Đêm ấy, chị đang viết thì mất điện, bèn gọi xuống phòng trực: “Các cháu ơi, cô đang sáng tác mà điện mất, nếu dừng lại thì mạch văn bị đứt, uổng lắm đó. Cháu chịu khó đi tìm mua nến và diêm để cô ngồi viết tiếp nhé”. Lúc cháu  đi tìm được nến và diêm về thì đã hơn 1 giờ đêm, có lẽ vì luống cuống, sợ nhà văn “đứt mạch” nên cháu gõ nhầm cửa phòng nhà thơ Lam Luyến. Lam Luyến có bệnh mất ngủ, hôm ấy vừa uống hai viên  thuốc, đang thiêm thiếp giấc nồng thì nghe gõ cửa gọi dậy nhận nến và diêm. Nàng ngơ ngác phát khóc và hôm sau làm thơ tặng Hà Khánh Linh:

Trại ta có chị Khánh Linh/Đêm đêm đốt nến đi rình mạch văn!

Chuyện vui của giới văn chương ảnh 2 Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Năm 1987, tôi sang Nga học ở học viện Gorky cùng các nhà văn nhà thơ Hữu Thỉnh - Lê  Lựu- Phạm Tiến Duật - Xuân Quỳnh- Ngọc Tú... Ngoài giờ học, bọn tôi còn lo mua nào vòng bi, dây may-so, bàn là, quạt tai voi... và lo bán áo phông, quần bò, đồng hồ điện tử đã mang theo để hy vọng có chút tiền còm mang về nhà tủ lạnh, nồi cơm điện, ti vi... mà lúc ấy Việt Nam mình còn hiếm! Học được hai tuần, trời rét như cắt, đường trắng xóa tuyết băng, bỗng rộ lên chuyện mua máy mài. Chẳng ai biết máy mài để mài cái gì, người thì bảo mài đá, người bảo mài sắt thép, ở nhà đang rất cần và nếu mang về sẽ có người mua ngay với giá rất cao! Thế là cứ đến lớp là xì xào “Cậu mua được máy mài chưa?” “Hôm qua đứa nào dắt cậu tìm ra máy mài ở chỗ nào thế? Cho tớ biết với”... Một hôm, Xuân Quỳnh đùa hỏi Lê Lựu:

Bây giờ Quỳnh mới hỏi Sài/Áo phông đã bán, máy mài mua chưa?

(Sài là tên nhân vật chính trong tiểu thuyết THỜI XA VẮNG của nhà văn Lê Lựu- Chúng tôi vẫn gọi anh là GIANG MINH SÀI). Lê Lựu ngay lập tức nháy mắt với Quỳnh, trả lời:

- Quỳnh hỏi thì Sài xin thưa/ Máy mình đã sẵn nhưng... chưa dám mài!

Mặt Quỳnh đỏ tưng bừng trong khi cả bọn phá ra cười .

Năm 1987 còn nghèo như vậy, năm 1986 Việt Nam còn nghèo khó hơn nhiều. Khi gia đình nhà thơ Chế Lan Viên chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, bạn bè đến hỏi thăm tình hình Hà Nội, anh cười: “Tớ chỉ cần đọc tên các cửa hàng ở Hà Nội là các cậu hình dung ngay ra tình hình ngoài đó nhé:

Gia công quy gai sốp/Lộn cổ áo sơ mi/Dán vá ni lông rách/Bơm mực bút chì bi...

Tết năm  nay, chúng ta đang phòng tránh dịch COVID-19, nhưng Hà Nội và cả nước vẫn đầy ắp các loại thực phẩm với rau tươi, quả ngon, áo quần sang chảnh. Và quan trọng  hơn, Việt Nam là một trong những nước phòng tránh dịch tốt nhất  hiện nay. Tự hào Việt Nam nha các bạn  trẻ yêu quý!

12/2020

MỚI - NÓNG