Chuyện người viết 'truyền thuyết về quán tiên'

Một cảnh trong phim "Truyền thuyết về quán tiên"
Một cảnh trong phim "Truyền thuyết về quán tiên"
TP - “Xuân Thiều toàn tập”, NXB Văn học ấn hành, gồm 4 tập, dày như một sự thách thức độc giả thời 4.0. Thế mà hỏi Thiều Quang, con trai cả của cố nhà văn, rằng: “Anh đọc hết sách của cha không?”. Anh cười, đáp: “Tác phẩm của cha về cơ bản tôi đọc hết”. Vị doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính còn hỏi lại tôi: “ Thế cô đã đọc Truyền thuyết về Quán Tiên chưa?”.

Ai không đọc “Truyền thuyết về Quán Tiên” của cố đại tá, nhà văn Xuân Thiều (1930-2007), thì thiệt thòi lớn. Tôi không hiểu vì sao độ phủ sóng của truyện ngắn này với độc giả Việt chưa lớn như tầm vóc của nó? Tìm trong văn học Việt, nhìn ra văn học thế giới, hiếm có nhà văn nào nhào nặn một câu chuyện thời chiến “hư hư thực thực” ám ảnh người đọc như Xuân Thiều. Xin trích một đoạn từ tác phẩm: ““Nhưng chỉ một lát sau cái cảm giác để thân trần cho dòng nước chảy vuốt ve mơn trớn làm Mùi hơi xấu hổ. Cô vội vàng lên bờ. Trong lúc hấp tấp bận quần áo, Mùi linh cảm thấy có đôi mắt nào đó đang nhìn mình. Chiếc nịt vú cài chưa xong chợt nghe tiếng “khẹc, khẹc” giống như một tiếng cười đểu. Mùi hoảng hốt vơ chiếc áo che ngực, miệng há hốc, suýt rú lên. Từ trên cây và bên kia bờ suối, một con khỉ đen, ức có chùm lông trắng, giương đôi mắt hau háu nhìn sang”.

Chuyện người viết 'truyền thuyết về quán tiên' ảnh 1 Ký họa: Họa sĩ Văn Ða
Viết về đời sống tình cảm của thanh niên xung phong, ai táo bạo như Xuân Thiều? Nhà thơ, nhà phê bình Lê Thành Nghị từng đánh giá Xuân Thiều là nhà văn “lặng lẽ đổi mới”. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói với tôi: Truyện ngắn này của cố nhà văn Xuân Thiều là “một câu chuyện có tầm cỡ của nhà văn lớn thế giới”. Theo ông, “Truyền thuyết về Quán Tiên” không đơn giản là một câu chuyện thời chiến tranh, “chiến tranh chỉ là cái cớ để nói về nhân loại, nhân tính”. Dưới truyện ngắn, cố nhà văn Xuân Thiều ghi thời điểm sáng tác: “Ngày giáp Tết Bính Dần”(1986). Kể cả ra đời tại thời điểm này, “Truyền thuyết về Quán Tiên” vẫn mới, lạ. Con trai nhà văn chia sẻ: Ban đầu tác phẩm dự định đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, vì vấn đề hơi nhạy cảm, nên bị gác lại. Về sau cũng được đăng và tạo dư luận. Bản thân cố nhà văn Xuân Thiều  thích câu chuyện này, nhiều độc giả cũng ấn tượng với “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Từ hồi nhà văn Xuân Thiều còn sống, tác phẩm lọt mắt xanh nhiều nhà làm phim nước ngoài. Ở trong nước đạo diễn Đinh Tuấn Vũ khi đọc “Truyền thuyết về Quán Tiên” bị mê, nên đã vào Sài Gòn gặp gia đình nhà văn Xuân Thiều xin được ký bản quyền làm phim điện ảnh. Chính gia đình nhà văn Xuân Thiều đã ủng hộ một phần kinh phí làm phim. Không chỉ có “Truyền thuyết về Quán Tiên”, một bộ phim truyền hình về đề tài chiến tranh của Hãng phim TFS, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Xuân Thiều,“Huế mùa mai đỏ”, cũng nhận được sự tài trợ của doanh nhân Thiều Quang.

Về chuyện bếp núc của nghề văn, cháu của Xuân Thiều, con gái của em ruột cố nhà văn, tốt nghiệp sư phạm văn khoa, bật mí: Bản thảo của Xuân Thiều không có lỗi chính tả. Ông viết cẩn thận, sửa chữa kỹ càng. Tất cả bản thảo là bản viết tay, chữ đẹp, dễ nhìn, nhỏ nhắn, đều tăm tắp.

Cố nhà văn Xuân Thiều có 4 người con, 2 con trai, 2 con gái, không ai nối nghiệp cha. Có lẽ, người con gái đã mất của cố nhà văn, Thiều Hoa (từng giữ vị trí Phó Giám đốc NXB Thanh Niên), gần gũi với nghiệp của cha hơn cả. Nhưng Xuân Thiều chưa bao giờ phàn nàn về chuyện không ai nối nghiệp. Tổ ấm của nhà văn viên mãn. Vợ ông là người phụ nữ đảm đang, giàu đức hi sinh. Xuân Thiều từng khắc họa chân dung bạn đời: “Thư em viết liêu xiêu nét chữ/Chỉ báo tin vui và chuyện tốt lành/Em giấu kín những điều thắc thỏm/Để yên lòng người đối mặt chiến tranh”. Kháng chiến chống Pháp khiến đôi ngả chia xa, nàng ở hậu phương, chàng nơi tiền tuyến, hòa bình lập lại chàng vẫn đóng quân ở giới tuyến Vĩnh Linh. 9 năm sau ngày cưới, hai người mới có cậu con trai đầu lòng, đặt tên Thiều Quang. “Thiều Quang chín chục đã ngoài 60” (Truyện Kiều). “Thiều Quang” có nghĩa ánh sáng tươi đẹp, chỉ ngày mùa xuân. Anh sinh ra ở Hà Tĩnh. Nhiều người nhận xét, trong 4 người con của cố nhà văn Xuân Thiều, Thiều Quang có vẻ ngoài giống cha hơn cả. Tuy không theo văn chương song vị doanh nhân thừa nhận: Bản thân anh cũng có chất nghệ, từng sáng tác, làm thơ, vẽ, điêu khắc. Cha anh khen anh nặn tượng được, làm thơ cũng được song dự đoán, chắc con không thành nhà thơ  đâu. Có lẽ Xuân Thiều đã sớm nhận thấy “máu” kinh doanh của con mình? (Nghe nói, cố nhà văn biết xem tử vi, không rõ thực hư thế nào?) Thiều Quang từng mong ước theo ngành kiến trúc.Nhưng anh lại được phân sang học xây dựng: “Tôi học xây dựng công nghiệp, đầu tiên cũng hơi buồn”, Thiều Quang kể. Học ở nước ngoài trở về, anh được phân công công tác ở Bộ Xây dựng… Cuộc đời đẩy đưa và Thiều Quang bước vào con đường kinh doanh. Anh là một trong những doanh nhân đóng góp nhiều cho quê hương. Ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nơi cố nhà văn sinh ra và lớn lên, có một trường tiểu học mang tên  Nguyễn Xuân Thiều. Trong khuôn viên trường có tượng bán thân của cố nhà văn. Đây chỉ là một trong những đóng góp của Thiều Quang và người thân dành cho quê hương Hà Tĩnh. Anh nói: Bố anh là người nghiêm túc trong công việc, còn trong gia đình, ông sống tình cảm, đối với bạn văn, ông rất chân tình, đối với họ hàng, quê hương cũng vậy. Sự đóng góp của con cháu Xuân Thiều cho quê hương, chính là sự tiếp nối tinh thần của Nguyễn Xuân Thiều để lại.
Chuyện người viết 'truyền thuyết về quán tiên' ảnh 2 Vợ chồng cố nhà văn và con trai Thiều Quang khi nhỏ
Tác giả “Truyền thuyết về Quán Tiên” vừa cầm bút, vừa cầm súng. Ông kinh qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, từng chiến đấu trên chiến trường khốc liệt Bình Trị Thiên. Ông là nhà văn thuộc thế hệ nền móng của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Theo Thiều Quang, trong cuộc sống bình thường chất nhà văn của cha anh nhiều hơn. Có điều, ông lớn lên trong quân ngũ nên cách làm việc cực kỳ nghiêm túc: “Ông  dạy con cái nghiêm túc trong tất cả hoạt động, từ việc học hành trở đi”. Nhà văn luôn nói với các con: Đã cầm quyển sách là phải ngồi vào bàn, không được nằm đọc. Ông bảo những người nằm đọc sách là đọc để dễ ngủ, không tập trung vào câu chuyện, không làm việc với con chữ. Xuân Thiều làm gương cho các con, khi đọc sách, đọc báo bao giờ ông cũng ngồi vào bàn rất nghiêm túc, kể cả lúc tuổi đã cao. 

Bên cạnh mảng văn xuôi, cố nhà văn còn sáng tác khá nhiều thơ. Trong đó không thể thiếu thơ tặng vợ: “Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại”. Vợ của cố nhà văn đang sống ở Sài Gòn, trong vòng tay con cháu. Tính nghệ sỹ của Thiều Quang được thừa hưởng từ cha nhưng anh nói, “máu” kinh doanh lại được thừa hưởng từ mẹ. Chúng tôi trò chuyện với nhau tại nhà Nguyễn Thiều Nam, em trai  Nguyễn Thiều Quang, cũng là một doanh nhân thành đạt. (Nhà văn Nguyễn Xuân Thiều còn có bút danh Nguyễn Thiều Nam). Những ai biết gia đình Nguyễn Thiều Quang đều phải “tị” vì không khí gia đình vui tươi, đầm ấm hiếm có. Thiều Quang bảo, truyền thống sum họp do cha anh truyền lại.  

Nguyễn Thiều Quang rủ tôi đến một sân bóng, ở đó đang diễn ra cuộc tranh cúp bóng đá gia đình. Tôi quan sát sân bóng, tính cả cầu thủ lẫn cổ động viên, dễ đến 50 người, cả người lớn và trẻ em. Nếu tranh cúp bóng đá chuyên nghiệp, có nước mắt, có nụ cười thì cúp bóng đá gia đình do Thiều Quang tài trợ, chỉ có tiếng cười. Sau màn tranh cúp, họ cùng đi ăn uống. Ở quê bây giờ, cũng khó có những dịp sum họp gia đình đông đủ như thế. Tôi quan sát trên bàn ăn, toàn món dân dã, có cả món rau “kinh điển”, rau lang xào. Tác giả “Truyền thuyết về Quán Tiên” ở trên cao hẳn cũng mỉm cười mãn nguyện.

Chuyện người viết 'truyền thuyết về quán tiên' ảnh 3
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.