“Mấy tháng trở lại đây bỗng dưng ông thành người nổi tiếng”- tôi nói vui khi nhắc lại sự kiện ông Tango Hirosuke đã không chịu khuất phục trước những sai trái trong làm ăn của chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Ðức, tỉnh Long An, dù sau đó ông chấp nhận để họ dựng rào chắn, đổ đất chặn lối đi và cắt điện nước để gây sức ép. Câu chuyện đã lùi vào dĩ vãng cách đây 6 tháng, ông Tango Hirosuke không muốn nhắc lại nhưng quả quyết một điều mình làm đúng và để cho Tân Ðức hiểu rằng “minh bạch là nguyên tắc không thể thay đổi đối với người Nhật”.
“Se duyên” với Việt Nam
Sinh năm 1939 ở thành phố Kobe của Nhật Bản. Tuổi thơ của Tango Hirosuke là những tháng ngày ngập chìm trong chiến tranh. Nhưng điều đó không làm giảm đi ý chí vươn lên của Tango và người Nhật. Năm 16 tuổi ông đã có một vị trí làm công nhân trong Tập đoàn Kotobuki của Nhật nổi tiếng khắp nơi lúc bấy giờ ở lĩnh vực sản xuất thực phẩm bánh kẹo- điều mà không phải cậu bé mới lớn nào cũng làm được.
Năm 1991, khi Kotobuki mở rộng thị trường sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, ông Tango chọn Việt Nam để nhận lĩnh ấn cho thị trường còn mới mẻ này. Ðến bây giờ, ông cũng không hiểu cơ duyên nào khiến mình đến đây và gắn bó 25 năm qua ở mảnh đất này. Chỉ biết rằng, sau khi hết “nghĩa vụ” 3 năm ở Việt Nam ông phải trở về Nhật nhưng lúc đó Tango đã khước từ để xin Tập đoàn Kotobuki cho mình được bám trụ lại mảnh đất hình chữ S này rồi gắn bó cho đến nay. “Sau khi tìm hiểu thị trường Việt Nam, chúng tôi đã làm thủ tục để đầu tư ở đây và mãi đến năm 1993 Kotobuki mới chính thức đi vào hoạt động sau khi liên doanh với công ty bánh kẹo Vinabico”- ông Tango nhớ lại.
Một năm sau khi liên doanh này đi vào hoạt động, Tango Hirosuke bén duyên với bà Thiên Hương - một cô gái gốc Sài Gòn, để rồi sau đó họ xây dựng tổ ấm. Mối tình đẹp đơm hoa kết trái và thành quả là 2 cô con gái mang hai dòng máu Việt- Nhật xinh đẹp ra đời. Hơn 20 năm gắn bó, đã bước qua tuổi thất thập, Tango vẫn khẳng định ông không hối hận khi gắn bó với mảnh đất nơi đây, và đặc biệt là người vợ sát cánh cùng mình thời gian qua.
Ông Tango Hirosuke trò chuyện với phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Việt Văn.
Tango gặp chị Thiên Hương trong một lần khá tình cờ vào năm 1991. Lúc ấy ông sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường và trong một lần Hương đi tập sự sau khi khoá học tiếng Nhật kết thúc ở một công ty của Nhật và cả hai bén duyên từ đấy.
“Hương phiên dịch tiếng Nhật cho nhóm chúng tôi. Chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần sau đó và rồi tình yêu nảy nở”- Tango đưa mắt nhìn người vợ của mình rồi nhoẻn miệng cười trước khi tiếp câu chuyện: “Gặp được một lần và tôi muốn được gặp thêm nhiều lần nữa”. 25 năm sống ở Việt Nam, trải qua bao thăng trầm, Tango Hirosuke vẫn lạc quan và hướng tới phía trước. Ðó cũng là lý do mà Tango Hirosuke dù bước qua tuổi 77 nhưng chưa một lần dùng đến thẻ bảo hiểm y tế cũng như không phải uống thuốc vì sức khoẻ rất tốt. Ông nói mình đã vượt qua tất cả ngoài nhờ vào nghị lực bản thân, còn có người vợ hiền cùng hai con gái - là một động lực để ông đi về phía trước.
“Hương là một phụ nữ hiền lành nhưng nghiêm khắc. Còn phụ nữ Việt Nam nói chung là những người có hiếu với cha mẹ và ông bà, so với phụ nữ Nhật thì điều này là đáng quý” - ông Tango chân thành khi đánh giá về phụ nữ Việt. “Nếu như có kiếp sau tôi vẫn chọn cái cô người kế bên tôi bây giờ làm vợ thêm một lần nữa” - ông nói và cho biết “mảnh đất này cũng vậy, tôi sẽ gắn bó mãi mãi”.
Với Tango dường như ở bất cứ hoàn cảnh nào, niềm đam mê công việc vẫn chảy mãi trong ông. Năm 2000 đến tuổi nghỉ hưu tại tập đoàn Kotobuki, Tango vẫn không chịu dừng lại. Một năm sau, ông mở công ty riêng cho chính mình với cái tên Tango Candy chuyên sản xuất bánh kẹo xuất khẩu.
Ông Tango Hirosuke (người đứng) thường xuyên xuống xưởng để động viên, hỏi thăm công nhân trong lúc làm việc. Ảnh: Nhật Thăng.
“Thiếu minh bạch một đồng cũng không chi”
Công ty Tango Candy của ông Tango đóng trong khu công nghiệp Tân Ðức đã trải qua những ngày sóng gió. “Cơn bão” ập lên công ty và cả hơn 200 công nhân nơi đây vào hồi tháng 3 vừa qua khi Tango Candy bị chủ khu công nghiệp Tân Ðức “khủng bố” do tranh chấp mức phí duy tu cơ sở hạ tầng. Các cổng vào công ty Tango Candy bị chủ khu công nghiệp Tân Ðức đổ đất đá bít lại, dựng rào chắn, thậm chí cắt luôn điện và nước như một cảnh báo cho ông Tango rằng chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Ðức muốn áp đặt luật chơi lên phía ông và phải chấp nhận mức phí duy tu cơ sở hạ tầng hơn 10.000 đồng/m2 chứ không phải 8.500 đồng/m2 như trước đây.
“Trong khi các doanh nghiệp có cả chúng tôi chưa đồng ý với mức giá họ tự đưa ra, nơi đây còn buộc chúng tôi phải đóng tiền phạt vì nộp phí chậm trễ từ năm 2013 đến nay. Việc này quá vô lý”, bà Hương, vợ ông Tango nói.
“Trước khi quyết định đầu tư ở một đất nước nào đó, người Nhật thường tìm hiểu kỹ về đất nước, con người… nơi đó. Nếu thấy được thì họ sẽ đầu tư và sẽ cố gắng giữ hình ảnh của mình khi kinh doanh ở nước bạn”.
Ông Tango Hirosuke nói về tính cách người Nhật trong kinh doanh
Trước khi nhắm đến Tango Candy, Chủ khu công nghiệp Tân Ðức đã có “khủng bố” bằng hình thức tương tự với hai công ty của Hàn Quốc và Ðài Loan để gây sức ép đòi phí. “Họ đã lấy được tiền bằng việc làm này nên cứ nghĩ bằng cách làm tương tự sẽ lấy được tiền của công ty tôi” - ông Tango nhận định. Số tiền chênh lệch mà Tân Ðức “áp đặt” chỉ khoảng 15 triệu đồng/năm, thấp hơn rất nhiều con số công ty bị thiệt hại tiền tỷ nhưng vợ chồng ông Tango Hirosuke cương quyết không chấp nhận khoảng phí “mờ ám” này. Ông Tango chọn giải pháp đương đầu, tranh đấu không khoan nhượng với cách hành xử kiểu “luật rừng” thiếu minh bạch.
Cái lý để ông đấu tranh bởi năm 2006 vợ chồng ông đến Khu công nghiệp Tân Ðức để kí hợp đồng thuê đất, mở rộng nhà xưởng thì trên hợp đồng lúc này không ghi về giá cả phí duy tu và cũng không có đơn giá. Nhưng trong hợp đồng có ghi phải được sự thỏa thuận, thống nhất của các doanh nghiệp thì lúc đó Tân Ðức mới thu tiền phí duy tu. Chính hợp đồng này mà phía công ty Tango Candy chưa đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng từ năm 2013 đến nay.
“Thực ra, chúng tôi sẵn sàng chi trả nếu phí đó được làm rõ. Ðằng này mức phí còn “mờ ám” nên công ty chấp nhận chịu tổn thất chứ không chi sai, dù chỉ một đồng. Chúng tôi cần minh bạch”, ông Tango Hirosuke cương quyết.
Nhớ lại khoảng thời gian hơn 6 tháng trước, ông Tango vẫn còn sờ sợ. Sợ là vì khi ông ra làm việc đã gặp phải nhiều người mặt mày bặm trợn muốn ăn tươi nuốt sống mình. Thế nhưng hỏi ông sao vẫn muốn đấu tranh, mắt ông sáng lên: “Thú thật tôi nghĩ đến việc làm của mấy trăm công nhân sẽ ra sao nếu mình nhượng bộ nên tôi không sợ”. Dù nhiều người nói với ông Tango rằng chỉ chênh lệch 15 triệu đồng thì đóng để cho xong chuyện. Nhưng ông nói không nhượng bộ vì nghĩ mình làm vậy cũng sai và sẽ thành tiền lệ. Thậm chí, ông biết sự cố này khiến cho năng suất lao động bị giảm 30-40%, trong 5 ngày công ty ông phải đi mua nước đóng bình về để sinh hoạt và sản xuất.
Với công ty suất sản xuất 20 nghìn sản phẩm mỗi ngày, số tiền mỗi ngày mà Tango Candy thiệt hại từ sự cố này là 15.000 USD. Nhưng ông Tango nói minh bạch là nguyên tắc không thể thay đổi đối với người Nhật và ông sẵn sàng trả lương cho công nhân cho tới khi nào công ty hết tiền.
Việc làm của ông chủ tuổi 77 người Nhật không lẻ loi. Dù việc đi lại khó khăn khi phải trèo qua các đống đất và rào chắn, hơn 200 công nhân Công ty Tango Candy vẫn đến làm việc đầy đủ. “Chúng tôi đi làm để ủng hộ ông chủ. Ông ấy luôn vì chúng tôi!” - các công nhân chia sẻ. Tuy nhiên, ngoài Tân Ðức và Tango Candy bị thiệt hại theo các cách khác nhau, sự việc này còn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh Long An và tới đây nếu không có giải pháp thích ứng khó có thể đảm bảo rằng sẽ không xảy ra các vụ tương tự.
Công ty Tango Candy bị KCN Tân Ðức cắt nước, đổ đất, dựng vào chắn bịt lối ra vào gần chục ngày (từ ngày 17/3 – 25/3). Ảnh: Nhật Thăng.
Vẫn yêu mảnh đất này!
Ông khẳng định như vậy khi chúng tôi hỏi về sự việc xảy ra vừa qua có làm ông nản chí và xa rời nơi đây. “Sau nhiều năm, đến nay tôi đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Tôi vẫn giữ quan điểm trên đối với các đồng hương Nhật Bản và cả bạn bè quốc tế: Việt Nam rất thú vị, hãy đến với Việt Nam!” - ông nhấn mạnh lại.
“Xin lỗi là văn hóa của người Nhật” - ông Tango Hirosuke nói - “Tôi thấy việc viết thư xin lỗi là cần thiết, vì đã làm buồn lòng đến đồng hương, Hội Doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam cũng như người Nhật vì đã bận tâm lo lắng cho công ty của tôi. Không chỉ tôi mà một doanh nghiệp Nhật nào trong hoàn cảnh của tôi họ cũng phải xin lỗi hoặc cao nữa là từ chức mà thôi”.
Tango Hirosuke
Dù bị “khủng bố” nhưng vợ chồng ông Tango Hirosuke vẫn luôn xem ở Việt Nam là môi trường đầu tư tốt. Ông luôn hài lòng về điều này từ khi đến Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước dù theo ông pháp luật Việt Nam mỗi thời kì, mỗi giai đoạn có những quy định khác nhau khiến không ít doanh nghiệp phải thích ứng, đôi khi có gặp chút khó khăn nhưng không vấn đề gì cả.
“Tôi rất hài lòng về môi trường đầu tư ở Việt Nam, kể cả tỉnh Long An. Và tôi luôn luôn kêu gọi những doanh nghiệp Nhật Bản nếu có ý định đầu tư ra nước ngoài thì hãy chọn Việt Nam”, ông Tango Hirosuke nhìn nhận và nói thêm, ngoài môi trường đầu tư, con người Việt Nam rất chân thành và siêng năng.
Cách đây 21 năm, khi cô con gái đầu lòng Tango Yuki ra đời, ông Tango Candy vinh dự được các đài truyền hình của Nhật là NHK và YOMIURI phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn xoay quanh câu chuyện mở rộng thị trường Việt Nam và cũng tại đây ông Tango đã kêu gọi các đồng hương Nhật Bản hãy đến Việt Nam để đầu tư vì nơi này rất thú vị. “Hai con gái đều được tôi dặn kỹ rằng hãy cống hiến hết sức vì tình hữu nghị Việt - Nhật. Còn vợ tôi và tôi thống nhất bất cứ khi nào chính phủ hai nước cần sự cống hiến của gia đình Việt- Nhật như chúng tôi, tất cả luôn sẵn sàng”- ông nói đầy tự hào.
Bức xúc trước hành xử theo kiểu “luật rừng” ở vụ việc trên, ông Tango Hirosuke đã có gửi đơn lên Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và Lãnh sự quán Nhật tại TPHCM để trình bày vụ việc. Tuy nhiên, vợ chồng ông nhận thấy vụ việc của công ty mình đã làm phiền cho nhiều người nên đã viết thư tay gửi đến Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, bạn bè,… Bản thân ông Tango Hirosuke cũng nói không muốn vụ việc làm ảnh hưởng đến suy nghĩ tốt đẹp của doanh nghiệp Nhật, người Nhật về Việt Nam và người Việt.
“Với chuyện cá nhân tôi, của công ty tôi đã làm ảnh hưởng đến thời gian của mọi người. Tôi chỉ mong một sự thỏa thuận với Khu công nghiệp Tân Ðức trên các cơ sở pháp luật và ứng xử một cách văn minh. Và tôi hoàn toàn không mong muốn sự việc nhỏ bé của mình làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt - Nhật đã được xây đắp mấy mươi năm nay” - ông viết trong bức thư.