Chuyện về lá cờ giải phóng tại Trại Davis ngày 30/4

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 30/4/1975, tại Trại Davis - địa điểm hợp pháp của ta ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất của địch - một lá cờ giải phóng được giương cao hồi 9h30 phút đã dự báo thắng lợi đặc biệt sẽ diễn ra trong ngày. Để sau đó đúng hai giờ, vào 11h30 phút, đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng tại Dinh Độc Lập, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chuyện về lá cờ giải phóng tại Trại Davis ngày 30/4 ảnh 1

CCB Phạm Văn Lãi (ngoài cùng bìa trái) và đại tá Đào Chí Công (giữa) bên tủ trưng bày những hình ảnh về Trại Davis tại Triển lãm “Hiệp định Paris - Cuộc đàm phán lịch sử” Ảnh: KIẾN NGHĨA

Gặp người cắm cờ tại Trại Davis

Tháng 1 vừa qua, đến tham dự cuộc Triển lãm “Hiệp định Paris - Cuộc đàm phán lịch sử” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức, tôi có dịp gặp một số nhân chứng là thành viên Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự (CCBBLHQS) Trại Davis.

Đại tá Đào Chí Công, Trưởng Ban Liên lạc CCBBLHQS Trại Davis cho biết, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, đầu năm 1973, ta đã thành lập hai đoàn đại biểu quân sự (ĐBQS) của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và đoàn Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) để tham gia việc thực thi Hiệp định cùng đoàn ĐBQS của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Đây được gọi là phái đoàn quân sự bốn bên, cùng làm việc trong Trại Davis.

Trước nay, nói đến Trại Davis chắc hẳn nhiều người sẽ không hiểu biết nhiều bằng Hội nghị Paris. Có lẽ vì vậy mà tại cuộc triển lãm hôm đó, dù có nhiều chủ đề cần thông tin, nhưng không ít phóng viên đã “quây” lấy các CCBBLHQS Trại Davis để hỏi chuyện.

Đang lựa tìm nhân chứng để phỏng vấn, tôi thấy một người đi về phía mình nên hỏi ông có phải là CCBBLHQS Trại Davis không? Người được hỏi chưa kịp trả lời, vừa lúc đại tá Đào Chí Công đi tới nghe vậy liền giới thiệu: “Đây là cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Lãi, người đã cắm cờ tại Trại Davis ngày 30/4/1975”.

Trò chuyện với CCB Phạm Văn Lãi, tôi được biết đầu năm 1973, ông được điều về đoàn ĐBQS CMLTCHMNVN làm công tác tuyên truyền, chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ ta tại Trại Davis.

Ngày ấy, Davis là một trại quân sự nằm ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất của địch, được chính quyền VNCH bố trí là nơi ở và làm việc của phái đoàn ĐBQS bốn bên khi thực thi Hiệp định Paris.

Chuyện về lá cờ giải phóng tại Trại Davis ngày 30/4 ảnh 2

Thượng sĩ Phạm Văn Lãi và cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn buộc lá cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước tại Trại Davis sáng 30/4/1975 Ảnh: T.L

“Hoạt động công khai trong lòng địch, mọi việc bị giới hạn bởi hàng rào thép gai, các vọng gác của địch được bố trí bên ngoài, nhưng các cán bộ, chiến sĩ trong hai đoàn ĐBQS của ta vẫn bình tĩnh, khôn khéo để hoàn thành nhiệm vụ được giao là đấu tranh ngoại giao quân sự, kiểm soát việc Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam, buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thực hiện việc trao trả tù binh các bên bị bắt trong chiến tranh…”, CCB Phạm Văn Lãi cho biết.

Rồi ông chia sẻ, đến tháng 4/1975, sự việc diễn ra căng thẳng hơn khi quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Tại Trại Davis, địch điều thêm xe tăng, thiết giáp đến để đe dọa, kiểm soát ta. Trước tình hình đó, ta vẫn trụ lại đây và bí mật đào hầm chiến đấu.

Để che mắt địch vẫn giám sát bên ngoài, ban ngày mọi hoạt động tại Trại Davis vẫn diễn ra bình thường. Nhưng về đêm, ta tiến hành đào hầm theo kế hoạch. Sau khoảng chục ngày, công việc đã hoàn tất.

Toàn Trại Davis được bố trí thành khu chiến đấu liên hoàn, các giao thông hào, hầm dã chiến đều được đậy nắp kín và lấp đất bên trên như địa đạo. Tất cả đã sẵn sàng nếu cuộc chiến diễn ra tại đây.

Cờ giải phóng trong ngày chiến thắng

CCB Phạm Văn Lãi cho biết, kỷ niệm nhớ mãi đối với ông trong nhiều năm qua là vào ngày 26/4/1975, đơn vị đã tổ chức chiếu bộ phim “Giải phóng Châu Âu” của điện ảnh Liên Xô.

Theo chỉ đạo từ cấp trên, hôm đó đội chiếu phim của Phạm Văn Lãi đã chiếu liền lúc trọn 5 tập của bộ phim này. Trong phim, hình ảnh những chiếc xe tăng của Hồng quân Liên Xô ào ạt tiến về Berlin, rồi lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên nóc nhà Quốc hội Đức khiến các cán bộ, chiến sĩ ta tại Trại Davis rất xúc động. Tất cả đều tin rằng, sẽ có ngày lá cờ của ta sẽ cắm trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập nước nhà.

Sau này, CCB Phạm Văn Lãi và nhiều đồng đội của ông khi ấy mới biết, ngày 26/4 hôm đó chính là thời điểm mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các mũi tiến công của ta từ nhiều hướng đều tập trung tiến công giải phóng Sài Gòn.

Chuyện về lá cờ giải phóng tại Trại Davis ngày 30/4 ảnh 3

CCB Phạm Văn Lãi kể chuyện treo cờ giải phóng tại Trại Davis ngày 30/4/1975 Ảnh: KIẾN NGHĨA

Tại Trại Davis, mọi người trong đoàn nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Chiều tối 28/4, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất rung chuyển khi máy bay của ta tiến hành tập kích cứ điểm này.

Tiếp đó, ngày 29/4, mọi người trong Trại Davis nghe tiếng súng vang lên khắp nơi quanh khu vực Tân Sơn Nhất. Tất cả đều tin rằng, ngày giải phóng Sài Gòn đang đến rất gần.

Sáng 30/4, đoàn của ta trong Trại Davis vẫn an toàn. Được xác định chiến thắng sẽ diễn ra trong ngày, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn CMLTCHMNVN quyết định cho treo cờ giải phóng tại Trại Davis.

Thượng sĩ Phạm Văn Lãi được cử vào kho chọn lá cờ to nhất để cắm trên tháp nước, vị trí cao nhất tại Trại Davis. Đội vệ binh của Trại Davis cũng được lệnh phối hợp và bảo vệ việc cắm cờ. Và vệ binh Nguyễn Văn Cẩn được cử đi theo để hỗ trợ thượng sĩ Phạm Văn Lãi làm nhiệm vụ.

Lúc này, Phạm Văn Lãi nhìn thấy một ống nước bằng thép nên cầm theo làm cán cờ, rồi kiếm thêm hai đoạn dây thép để buộc lá cờ. Tới nơi, Phạm Văn Lãi chui vào lồng bảo vệ tháp nước, rồi cầm cờ trèo lên. Cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn đeo súng ngắn bảo vệ cũng trèo theo sau.

Lên tới đỉnh tháp, nhờ sự trợ giúp của Nguyễn Văn Cẩn phía dưới, Phạm Văn Lãi buộc cờ cho thật chắc rồi buông tay. Lá cờ gặp gió, bay phần phật trên đỉnh tháp nước của Trại Davis. Lúc đó là 9h30 phút ngày 30/4/1975.

CCB Phạm Văn Lãi cho biết, ngày ấy, khi trèo lên tháp nước, ông chỉ tập trung buộc lá cờ mà không mảy may nghĩ tới sự nguy hiểm, dù biết bên ngoài Trại Davis luôn có lính VNCH cầm súng đứng gác. Lúc đó, một thành viên trong tổ báo chí của đoàn CMLTCHMNVN đã chụp được bức ảnh treo cờ này.

Chiều 30/4, khi Ủy ban Quân quản Sài Gòn được thành lập, một số cán bộ, chiến sĩ Trại Davis được điều về đây làm nhiệm vụ, trong đó có Phạm Văn Lãi.

“Sáng 1/5, tại Dinh Độc Lập, tôi cùng đồng đội được giao nhiệm vụ thay lá cờ anh Bùi Quang Thận đã cắm lúc 11h30 hôm trước, để treo lá cờ khác to hơn. Những khoảnh khắc đó mãi là kỷ niệm đẹp trong tôi”, CCB Phạm Văn Lãi chia sẻ.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta đã tập trung theo 5 mũi tiến công đánh vào sào huyệt của địch. Sau ngày toàn thắng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định Đoàn ĐBQS của ta trong Ban Liên hợp Quân sự tại Trại Davis là đơn vị tham gia chiến dịch, là mũi tiến công thứ 6, mũi tiến công ngoại giao quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Qua đó, việc cắm cờ tại Trại Davis trong ngày 30/4/1975 thêm phần ý nghĩa, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng nước nhà.

MỚI - NÓNG