Trắng đêm với bạn tù áo rách
Những năm 60 của thế kỷ trước, Nguyễn Hữu Thái là một trong những cái tên nổi bật tại Sài Gòn. Với cương vị Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - Gia Định đầu tiên từ năm 1963-1964, ông đã cùng các sinh viên miền Nam tổ chức những cuộc biểu tình, đấu tranh chống phong trào đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm - Nhu và phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.
KTS Nguyễn Hữu Thái trước Dinh Độc Lập ngày nay. Ảnh: tư liệu. |
Hoạt động đấu tranh tới năm 1964 thì ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bắt giam lần đầu trong nhà tù Chí Hoà. Nhưng ông đặc biệt biết ơn khoảng thời gian này, vì nhà tù là nơi đầu tiên ông gặp những người cộng sản. Trước đó, ông và các sinh viên miền Nam khác hầu như không biết đến cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Nam ở các vùng nông thôn.
Đêm đầu tiên trong tù, ông Thái và những tù nhân cộng sản đã thức trắng để bàn luận, chia sẻ về chuyện làm cách mạng. Thân hình họ gầy gò, quần áo rách tươm, khuôn mặt hốc hác hằn lên những vết tích của bệnh tật, tra tấn.
Nhưng những sự thật trần trụi về tội ác của thực dân Mỹ và quyết tâm đánh đuổi Mỹ - Diệm đến cùng đã lay động trái tim ông Thái. Ông và các sinh viên khác bắt đầu tin rằng, phải làm cách mạng như họ thì mới mong thành công.
“Hồi đó, tôi được giao nhiệm vụ dạy tiếng Anh cho những tù nhân khác. Gặp một tù nhân cộng sản, tôi hỏi anh định học tiếng Anh để làm gì? Anh ta trả lời tỉnh queo: “Để sau này ra tù còn đi thẩm vấn tù binh Mỹ!”. Bản lĩnh đến thế là cùng!”, ông Thái cười nói với chúng tôi trong cuộc gặp tại Hà Nội mới đây.
Tim đập thình thịch theo bước đoàn quân đi
Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, KTS Nguyễn Hữu Thái cầm tập giấy màu trắng, đứng bên phải. Bức ảnh do nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên ảnh hãng thông tấn AP Mỹ chụp. |
Sau khi mãn hạn tù, ông Thái và các sinh viên miền Nam yêu nước bắt đầu hoạt động cách mạng cùng MTDTGP miền Nam. Càng ngày, ông càng có thêm những ấn tượng sâu sắc về phẩm chất của họ.
“Năm 1965, tôi vào Quảng Nam thăm các vùng giải phóng cùng các đồng chí cán bộ Mặt trận. Đang đi giữa chừng, chúng tôi phải xuống hầm ẩn náu vì gặp lính Mỹ đang hành quân. Nghe tiếng bước chân ngày một gần, tôi mới hỏi, nhỡ địch phát hiện ra mình thì sao? Các ông cán bộ chỉ vào mấy trái lựu đạn đeo bên người: “Vậy thì đành phải cho nổ chớ sao!”. Nghe mà nổi cả da gà!”, ông Thái nhớ lại.
Nhưng rốt cuộc, tổ công tác không phải rút chốt lựu đạn. Đêm đó, ông Thái và các cán bộ tiếp tục hành trình tới huyện Tiên Phước (huyện phía Tây tỉnh Quảng Nam). Khi cả đoàn nghỉ chân bên vệ đường thì lại nghe thấy tiếng binh lính đang hành quân. Lần này không phải lính Mỹ mà là bộ đội ta từ miền Bắc vào để chi viện cho miền Nam. Lần đầu tiên, ông Thái được chứng kiến một lực lượng hùng hậu như vậy. Toàn những thanh niên nông thôn trẻ măng, chỉ cỡ 17, 18 tuổi nhưng dáng đi nghiêm chỉnh, mắt nhìn thằng, tay vác theo những khẩu súng cối và đại liên. Ông nghe rõ những giọng nói Nam, Bắc xen lẫn nhau. Họ đều là người Việt, đều đang chiến đấu vì một niềm tin, một lý tưởng và một đất nước, đâu có như luận điệu xuyên tạc của Mỹ rằng có một nước Bắc Việt "đang xâm lăng một VNCH”.
“Tim tôi đập thình thịch theo từng bước hành quân của các chiến sĩ. Mỗi con người ấy như một giọt máu, họ kết lại thành một dòng máu Việt đang chầm chậm chảy từ Bắc vào Nam. Thì ra, từ đầu cuộc kháng chiến đến giờ, trái tim của Tổ quốc vẫn luôn đập những nhịp mạnh mẽ như thế!”, ông Thái bồi hồi nhớ lại. Sau đêm ấy, ông biết chắc chắn mình sẽ sát cánh với những người chiến sĩ cộng sản ấy đến cùng trong cuộc kháng chiến này, dù con đường ấy có cả gian khổ, tù đày, tra tấn và cái chết.
Làm tình báo, tuồn vũ khí để ám sát ứng viên tổng thống Ngụy
Từ giữa năm 1966-1968, ông Thái tiếp tục bị VNCH bỏ tù vì chúng nghi ông là kẻ “ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”. Khi mãn hạn tù, ông lập tức bị đày đi lính cho quân lực VNCH. Ông bắt liên lạc với một số cán bộ của MTDTGP miền Nam, bày tỏ mong muốn được chính thức gia nhập Mặt trận nhưng chưa được chấp thuận. Vì tình hình sau cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đang vô cùng rối ren, quân Mỹ và Sài Gòn đang phản công khắp nơi, nên Mặt trận lệnh cho ông “đang ở đâu cứ ở yên đó” và hãy tìm cách thâm nhập thật sâu vào lực lượng của địch để làm nhiệm vụ tình báo.
Sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình năm1964. Nguyễn Hữu Thái mặc áo trắng, đứng trên xe, bên phải. Ảnh: tư liệu. |
Vậy là ông Thái đành ở lại trong hàng ngũ của quân lực VNCH, mang quân hàm Đại uý. Trong thời gian đó, ông bí mật cộng tác với tổ chức An ninh Sài Gòn-Gia Định T4 của Mặt trận, cung cấp cho họ những thông tin tình báo quan trọng.
Ngoài ra, ông còn “tuồn” vũ khí của quân lực VNCH cho các Đội Biệt động ở Sài Gòn để họ làm nhiệm vụ. Trong vụ ám sát Nguyễn Văn Bông (ứng cử viên sáng giá cho chức Thủ tướng VNCH) năm 1971, các chiến sĩ trong mạng lưới bí mật của ông Thái đã sử dụng vũ khí do ông cung cấp.
Cũng trong năm 1971, Mặt trận đã bí mật đề nghị ông Thái ra tranh cử với lập trường hòa bình trung lập, chuẩn bị cho “Thành phần thứ ba” như trong Hiệp định Paris. Nhưng do bị tố cáo là “thân Cộng”, ông đã thất cử. Không lâu sau, cuối năm 1972, ông tiếp tục bị bỏ tù lần ba vì lời khai của một số đồng đội khi bị bắt.
Lần này ông Thái nghĩ mình đã cầm chắc án tử, nhưng lại may mắn thoát nạn. Bởi các đồng đội chỉ khai ông được MTDTGP bố trí vào “thành phần thứ ba” hoạt động công khai, chứ không nói về hoạt động tình báo bí mật của ông.
Bên cạnh đó, người ủy viên công tố phiên tòa lại có họ hàng gần với ông Thái, hồi trước còn học cùng lớp với ông. Vậy là ông Thái chỉ phải nhận một bản án “giơ cao đánh khẽ” có thời hạn một năm rưỡi với tội danh “phá rối trị an, biểu tình sinh viên có lợi cho Cộng sản”.
“Thật ra vào năm 1974, địch đã có đủ bằng chứng để tử hình tôi. Nhưng vì khi đó đã gần ngày giải phóng, tôi lại đang được Hội Ân xá Quốc tế và tập thể sinh viên Đại học Stanford (Mỹ) vận động đòi trả tự do nên vẫn bình an vô sự. Nghĩ lại mới thấy các cán bộ Mặt trận nhìn xa trông rộng, vì nếu hồi trước họ để tôi gia nhập hàng ngũ thì tôi đã lãnh án tử hình ngay từ đầu rồi!”.
KTS Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1938 tại Đà Nẵng. Không chỉ là một trong ba người đầu tiên cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ông còn là phát thanh viên trong chương trình phát thanh truyền đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, cũng vào buổi chiều hôm ấy.