Chuyện o Chẫm gặp Chủ tịch Fidel Castro

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời chiến, với tài bắn trăm phát trăm trúng, “o du kích nhỏ” Hoàng Thị Chẫm bên giới tuyến Hiền Lương là nỗi khiếp đảm của kẻ địch. Thời bình, nữ du kích năm nào vẫn miệt mài cống hiến bằng nghề Y, được xóm làng hết mực yêu quý gọi “bà đỡ mát tay”. O cũng vinh dự được gặp Chủ tịch Fidel Castro khi ông đến thăm Quảng Trị.

Sinh ra ở làng Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị), áp sông Bến Hải về phía bờ Nam, o Chẫm sớm ý thức được cuộc chiến giành đất giữ làng của cha mẹ và đồng bào.

Gia đình Chẫm lúc đó cũng bị dồn vào khu tập trung, ba thì bị địch bắt. Không chịu khuất phục, Chẫm trốn về quê. Về làng, o thấy còn một số bà con ở lại. Nhiều người thấy o còn nhỏ nên cho đi sơ tán song o không chịu.

Năm 1969, tròn 19 tuổi, o Chẫm trở thành du kích tập trung xã Trung Hải. Đội du kích tập trung 14 người, có 2 nữ. O Chẫm được cử đi học bắn tỉa rồi về được giao nhiệm vụ vây ép địch ở Căn cứ Dốc Miếu. Đội chia làm 2, thay nhau một tuần vào chiến đấu ở một ngọn đồi tại thôn Lễ Môn cách căn cứ địch hơn một cây số, tuần còn lại về hậu cứ ở Hiền Lương.

Chuyện o Chẫm gặp Chủ tịch Fidel Castro ảnh 1

Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt tay chúc mừng nữ du kích tiêu biểu Hoàng Thị Chẫm ở căn cứ Dốc Miếu, huyện Gio Linh ẢNH: Sĩ Sô.

Đêm canh gác, ngày đội du kích nấp trong hầm hàm ếch bắn tỉa vào căn cứ địch, không cho chúng ra ngoài. Mỗi ngày chỉ được ăn cơm nóng vào buổi sáng. Hai buổi còn lại ăn cơm vắt, nằm hầm bắn địch. Gian khổ, vất vả không tả hết.

Cay cú vì bị vây ép, địch nhiều lần phản kích vào thôn Lễ Môn, đánh trả đơn vị của o Chẫm. Có lần địch huy động 9 xe tăng đi càn, tiến đến vị trí o Chẫm và đồng đội ẩn nấp. Sợ lộ vị trí ẩn nấp, o Chẫm nhanh trí lao ra thu hút xe tăng địch vào bãi mìn chống tăng. Trúng kế, xe tăng vào bãi mìn nổ tung.

Chiến tranh qua đi, o Chẫm giã từ cây súng để trở thành nữ hộ sinh mát tay. “40 năm làm hộ sinh, tôi đỡ đẻ không biết bao nhiêu ca. Có nhà tôi đỡ đẻ 3 thế hệ mẹ con rồi đến cháu, có nhà tất cả con cháu sinh ra đều qua bàn tay tôi cả”, o Chẫm kể. Hơn 10 năm trước, o Chẫm về hưu nhưng vẫn được người dân thôn Xuân Long tín nhiệm, giao làm nhiệm vụ y tế cơ sở.

“Thôn hỗ trợ o Chẫm chế độ 3 kg thóc/ngày để chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị những bệnh thông thường, sơ cứu cho người dân. Ai đau ốm, bệnh tật trước đều gọi o Chẫm, sau mới đi bệnh viện nếu bệnh nặng”, ông Bùi Ngọc Thịnh, Trưởng thôn Xuân Long cho hay.

VINH DỰ ĐƯỢC gặp FIDEL CASTRO

Chuyện o Chẫm gặp Chủ tịch Fidel Castro ảnh 2

Hoàng Thị Chẫm, nữ du kích bắn tỉa trên căn cứ Dốc Miếu năm xưa.

Dù tuổi đã 74, nhưng lúc kể về thời khắc Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị, o Chẫm như sống lại thời tuổi 24 của mình.

Ngày ấy, o Chẫm là du kích gan dạ nổi tiếng của xã Trung Hải (xã nằm sát bờ nam sông Bến Hải và đồi Dốc Miếu), một căn cứ quan trọng của quân đội Mỹ được xây dựng trên hàng rào điện tử McNamara để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Nhiệm vụ hằng ngày của o là bắn tỉa lực lượng đối phương tại căn cứ Dốc Miếu. O Chẫm bắn tỉa thiện xạ đến nỗi cái tên Hoàng Thị Chẫm luôn là nỗi ác mộng, khiếp sợ của quân đội Mỹ tại căn cứ Dốc Miếu.

O Chẫm nhớ lại, một ngày gần giữa tháng 9/1973, o nhận được thông tin chuẩn bị đi công tác, mừng thầm là cấp trên cho đi học, lúc đó huyện Gio Linh vừa được giải phóng tròn 1 năm. Mẹ của o tặng con gái 1 bộ áo quần lụa bà ba màu đen khá đẹp để con mặc đi công tác cho trọng thị trước mắt bạn bè.

Đến tối 14/9/1973, cấp trên báo gấp về, sáng mai o Chẫm bắt đầu chuyến công tác, tập trung lên căn cứ Dốc Miếu vào sáng 15/9/1973 đợi đoàn.

Hôm ấy, xã Trung Hải có 4 người được mời lên tập trung ở Dốc Miếu để đi công tác, nhìn ai trong số này cũng đều là du kích tiêu biểu, xuất sắc nên o Chẫm càng tự hào hơn.

Đợi đến quá trưa, chưa thấy xe ô tô đến chở đi công tác nên ai cũng bồn chồn, thấy vậy người có trách nhiệm bảo nán lại đợi một thời gian ngắn nữa sẽ xuất phát. Thật bất ngờ và hạnh phúc, cấp trên báo 30 phút nữa đoàn sẽ được đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro từ Đông Hà ra thăm.

Bấy lâu nay qua báo, đài biết được đất nước Cuba, đặc biệt là Chủ tịch Cuba Fidel Castro luôn ủng hộ hết sức giúp nhân dân Việt Nam, nay ông lại có mặt ngay chính mảnh đất Quảng Trị thì có hạnh phúc, tự hào nào bằng.

Năm 1972, quân địch bị đánh cho tơi tả, o Chẫm cùng bốn đồng đội vào cắm lá cờ Tổ quốc đầu tiên ở Căn cứ Dốc Miếu, đánh dấu mốc giải phóng. Trong bốn năm bám trụ Dốc Miếu, o Chẫm lần lượt “giựt” các danh hiệu, năm 1969 và 1970 là chiến sĩ thi đua, năm 1971 là chiến sĩ quyết thắng. Cùng với đó là 9 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó một lần o bắn cháy máy bay, một lần o bắn cháy xe tăng.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cuba do Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đến thăm vùng giải phóng miền Nam tại Quảng Trị, sau khi thăm Đông Hà, cao điểm 241 Tân Lâm, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ.

Khoảng hơn 13 giờ ngày 15/9/1973, đoàn quay trở về dừng lại thăm Dốc Miếu. O Chẫm thấy Fidel Castro to cao, uy nghi đến bắt tay những du kích tiêu biểu đang đón chào ông và phái đoàn.

Ông bắt tay mọi người có mặt, thời khắc bắt tay o, thì ông dừng lại nhìn kỹ khuôn mặt o đầy trân trọng vì hình ảnh một cô gái mới độ tuổi ngoài 20 đã anh dũng, kiên cường đánh địch khiến ông cảm phục.

“Bàn tay Fidel Castro nắm tay o rất ấm áp, đôi mắt của ông tự tin rực lửa như nhắn nhủ và truyền thêm sức mạnh cho o và những người có mặt hôm ấy không sợ hy sinh, quyết tâm chiến đấu đến cùng để góp phần giải phóng quê hương, đất nước”, o Chẫm nhớ lại.

Chuyện o Chẫm gặp Chủ tịch Fidel Castro ảnh 3

Về với thời bình, o du kích Chẫm năm nào vẫn miệt mài cống hiến bằng nghề y.

Hôm ấy, Chủ tịch Fidel Castro băng qua một quãng đường dài hơn trăm mét ở đồi Dốc Miếu để kiểm tra, tận mắt chứng kiến một cứ điểm quan trọng của quân đội Mỹ còn đầy rẫy bom đạn. Đến khoảng 2 giờ kém chiều 15/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn rời đi tiếp tục ra phía Bắc.

Tuổi trẻ, thanh niên ngày hôm nay không chỉ quanh thôn Xuân Long, xã Trung Hải, mà còn nhiều địa phương khác tìm đến nhà o Chẫm để được nghe o kể về câu chuyện 50 năm trước những người Cuba anh em đã tận tình giúp đỡ Việt Nam đấu tranh giành lấy nền độc lập để thống nhất đất nước.

MỚI - NÓNG