Chút bâng khuâng Fidel

Thủ tướng Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng Đoàn đại biểu Cuba đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 15/9/1973). Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng Đoàn đại biểu Cuba đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 15/9/1973). Ảnh: TTXVN.
TP - Trưa. Đang ngồi với tướng Đặng Quốc Bảo tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng thì tít tít tin nhắn. Mở ra thì là cái tin AFP dẫn lời Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo trên truyền hình quốc gia Cuba: Tổng tư lệnh cách mạng Cuba qua đời lúc 22h29 ngày 25/11 (tức 10h29 sáng 26/11 giờ Hà Nội).

…Về nhà lục vội trong chồng ảnh cũ về chuyến đi mùa đông năm 2002 tháp tùng chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong cuộc gặp của Fidel với Đoàn Việt Nam ngay tại sảnh Cung Cách mạng, bạn hào phóng cho báo chí cũng được tham dự. Trong không khí thân gần do đích thân Fidel tạo ra, tôi đã ngớ ngẩn lẫn mạo muội đưa tay nắn nắn cánh tay rắn chắc của ông. Và ngay tức thì, một bên cánh tay tôi thoáng tê dại bởi một cú bóp cảnh cáo của một nhân viên an ninh. Chuyến thăm ấy, tôi và BTV truyền hình Trần Vân Anh may mắn  được phóng viên Báo Ảnh Việt Nam thường trú ở Cuba dẫn riêng đến gặp anh trai của Chủ tịch Fidel là Ramon Castro tại nhà riêng. Ramon mắng tôi khi tôi buột ra rằng trông ông giống Fidel quá. “Mày phải nói là Fidel giống tao, chứ tao lại phải giống nó à”, ông nói.

Vẫn còn đây mấy cái ảnh ông anh trai Fidel tự tay hái giống bưởi mà ông đặt tên là bưởi Hồ Chí Minh. Vì bưởi ấy ông chiết từ vườn nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội những năm 1973 được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng ý. Bưởi Hồ Chí Minh đã được nhân lên hàng chục héc-ta ở Cuba.

Bâng khuâng cái nỗi hai anh em nhà Fidel đã lần lượt về cõi cả rồi.

Nhớ thêm chuyến đến Cuba 2002 ấy đương đêm thấy hàng chữ sáng rực trên nóc ga bay mang tên Jose Marti đồng thời cũng là tác giả “Tổ quốc của chúng ta là nhân loại” như thứ minh triết của quốc đảo này.

Rồi động thái Fidel quàng vai Thủ tướng Phan Văn Khải thong dong giữa hàng đội quân danh dự hải lục không quân trong buổi đón trọng thể. Tổng tư lệnh nói với các nhà báo ngoại quốc có mặt trong lễ đón: “Cuộc gặp hôm nay là hệ quả của một tình yêu cộng với lòng tử tế truyền kiếp’’. Tôi nghe kể lại, hồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Cuba, Fidel một buổi không báo trước đã tìm đến nơi Thủ tướng ở và được nhân viên tuỳ tùng nói là Thủ tướng đang nghỉ trưa. Fidel lẳng lặng xuống bếp tìm một cốc cà phê và nói sẽ đợi... Mấy anh tuỳ tùng ngại nể Fidel quá đành báo cho Thủ tướng. Thủ tướng liền xuống khu bếp. Cánh phục vụ lẫn tuỳ tùng cứ chồn chân ngoài cửa bếp mà đợi hai Thủ tướng khoác vai nhau chuyện trò oang oang trong gian bếp chật mù mịt khói xì gà.

Rồi bữa chiêu đãi chính thức, Fidel với vẻ mặt nghiêm lẫn hài khoát rộng vòng tay bên những món tại bàn tiệc, bộc bạch rằng, ông chỉ khoái có cơm gạo lức và sữa trâu, sữa đậu nành. Nhân trong thực đơn có sữa đậu nành, ông đang nói vanh vách về chế độ dinh đưỡng của thứ sữa này thì đột ngột dừng, nhăn trán lại như suy nghĩ điều gì (có khá nhiều giai thoại về tài tính nhẩm của Fidel) và trước đó tôi đã được nghe ông hỏi sản lượng lương thực của Việt Nam là bao nhiêu. Khi được nghe con số 33 triệu tấn, Fidel nhổm người lên: Thóc phải không? Vậy thì có hơn 23 triệu tấn gạo và  3 triệu tấn cám để chăn nuôi và 7 triệu tấn trấu dùng để “phát’’ thành nhiệt cho nhà máy điện. Các đồng chí đã dùng trấu để làm gì? Gạo trắng dùng cho xuất khẩu, tất nhiên rồi, nhưng các đồng chí phải dành một tỷ lệ thích hợp gạo lức trong cơ cấu bữa ăn để phòng việc no mà suy dinh dưỡng. Rồi ông bất ngờ gọi một trong những thư ký riêng mới hơn ba mươi trong số hơn 30 thư ký và người giúp việc: Cậu hỏi xem vì mình tính chưa ra tỷ lệ một kilôgam đậu nành được bao nhiêu sữa và giá trị dinh dưỡng sau khi đã phối hợp những chất liệu khác là những gì, tỷ lệ bao nhiêu? Một lúc sau, cậu trợ lý đứng nghiêm ngắn: “Báo cáo đồng chí Tư lệnh, đồng chí ấy (chắc là một thành viên nội các của Fidel) chưa có con số đó ạ”. Fidel lắc đầu: “Thế đấy! Bảo mười phút nữa phải có thông số đó. Nói với các đồng chí Việt Nam phải nói thực’’.

Chút bâng khuâng Fidel ảnh 1

Lãnh tụ Fidel Castro với các nhà báo Việt Nam năm 2002.

Hóa ra câu chuyện như tình cờ ấy đang mở đầu việc vị Tổng tư lệnh tối cao  chuẩn bị  thông tin về một đường hướng, một cách làm mới về kinh tế mà Cuba đang ráo riết thực hiện trong thời điểm ấy. Đường hướng, cách làm đó na ná việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở bên mình. Hơn 150 nhà máy đường bạn đã đóng cửa một số chứ không khư khư giữ lại như trước. Chỉ giữ lại những cơ sở làm ăn thực sự có lãi - gần 50 nhà máy. Một số thì dùng làm bảo tàng vì kinh nghiệm sản xuất chế biến đường của Cuba đã có gần hai trăm năm. Diện tích trồng mía còn lại đã và đang trở thành diện tích trồng đậu tương dùng để chăn nuôi trâu sữa, bò sữa hoặc trồng một số cây đặc sản có giá trị kinh tế và xuất khẩu...

Bao nhiêu điều lạ lẫn giật mình! Những thông tin về một Cuba đang gian khó chênh vênh như những năm mình bao cấp. Rồi những đợt quyên góp ủng hộ đồng bào Cuba... Đêm đó ở nhà khách, nghe chuyện cô phục vụ, biết lương tháng tất tật các khoản chỉ hơn hai trăm peso (khoảng 6 USD). Thu nhập của một anh bạn đồng nghiệp ở tờ “Thanh niên quật khởi” lương lẫn thưởng chỉ hơn ba trăm peso. Nhưng thu nhập ngần ấy mỗi tháng chỉ chi dùng cho hơn 20 peso để mua 3 kilôgam gạo 3 kilôgam đậu, 3 kilôgam đường, 80 gam bánh mỳ mỗi ngày, 20 quả trứng, 1 kilôgam thịt theo tiêu chuẩn định lượng như trong tem phiếu qui định, con cái đi học hoặc chẳng may có ai phải đi bệnh viện không mất bất kỳ khoản chi phí gì.

Đêm tiệc ấy cũng biết thêm cách làm năng động đón du khách Mỹ đi du lịch chui (vì Cuba đang bị cấm vận) ở bãi tắm nổi tiếng Vazarero. Hệ thống khách sạn hơn 40.000 phòng quanh năm cứ kín 85% khách (phần lớn là Mỹ) mỗi năm góp cho GDP 30% trong tổng số gần 50% GDP - 2 tỷ USD về du lịch.

Chợt nhớ thêm câu phỏng vấn của một phóng viên Mỹ với Fidel: “Ngài đã thôi hút xì gà và thôi mặc quân phục. Ngài định từ bỏ hình ảnh của mình chăng?’’. Tôi chợt nhớ cuộc gặp ở Bỉ với Phrăngxoa Huta - một linh mục người Bỉ kiêm giáo thần học, người nhiệt thành ủng hộ Việt Nam những năm kháng chiến, vốn là bạn của Fidel và cũng là người được Giáo hoàng John Paul II chọn làm cố vấn cho cuộc gặp giữa Giáo hoàng và Chủ tịch Fidel Castro năm 1998. Ông nhận xét về Fidel thế này: “Không chỉ có tài hùng biện mà còn biết lo cho dân tộc mình theo cách của ông ấy’’. Fidel hồi đó không hút xì gà (vì như ông nói là vì lý do sức khoẻ) và cũng có lúc không mặc quân phục (như đi nước ngoài dự hội nghị) nhưng không từ bỏ hình ảnh, lý tưởng của mình và như Phrăngxoa Huta đã nói, Fidel đã lo và biết lo cho dân mình trong một thời điểm không thuận lợi, không dễ dàng gì của đời sống chính trị quốc tế. Luật đầu tư mới sửa đổi năm 1995, Luật hợp pháp hoá quyền sử dụng và sở hữu ngoại tệ, cho tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và sản xuất tiểu thủ công, mở chợ theo hướng phi tập trung hoá, giảm bao cấp các cơ quan đảng chính quyền...

...Như nhiều thực khách khác khi đến quán Beaudequita del Medio nằm trong khu phố cổ, tôi cố đợi để được châu vào cái bàn ăn cố định ngày trước của Ernest Hemingway vẫn thường ngồi. Tôi cũng bắt chước họ thả ngọn bạc hà xanh biếc dậy mùi tinh khiết của thảo dược vào cốc rum Cuba như Hemingway vẫn thường làm mà như ông nói, cho nó dậy “cái mùi Fidel” lên. Hemingway ở Cuba hơn 10 năm và góp cho nhân loại “Ông già và biển cả” ở ngay quán Beaudequita này.

Mùa thu 2011 trở lại Beaudequita, tôi bồi hồi ngó lại những bức ảnh giăng la liệt trên vách quán chụp Hemingway với Fidel, cảnh hai người bên bình cà phê bốc khói. Hai khuôn mặt tươi roi rói bên những con cá vừa câu được... Đâm khó giải mã tình bạn giữa chính khách Fidel với nhà văn bặm trợn đa tài đa tật này? Rồi cái câu Fidel viết về cuốn “Sống để kể lại” của Gabriel Marquez: “Tôi lĩnh hội được thông điệp của Lobo (từ Fidel gọi thân mật Marquez) rằng kiếp sau, tôi phải làm một nhà văn”. Hemingway thiếu chi điều kiện để neo đậu cuộc đời mình ở bất kỳ đâu đó mà lại chọn La Habana và có một tình bạn mật thiết với Fidel? Phải chăng là do sự tử tế và ấm áp của xứ sở và con người nơi đây?

Rồi thời thế những gầm thét đổi thay, những toàn cầu hóa hoặc là dân tộc, dân túy này khác. Hơn nửa thế kỷ cấm vận vô lối đau thương đã chấm dứt. Cuba sẽ như thế nào? Và có cũ, có chuội và mất đi những điều tử tế ấm áp của một thuở một thời như “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”? Kiếp sau? Có không nhỉ cái chuyện Fidel sẽ làm một nhà văn, làm ông thủ từ trong ngôi Đền thiêng để nhắc, để giữ, để nhân rộng mãi lên những điều tử tế, nhân văn ấy?

Đêm 26/11/2016

MỚI - NÓNG