Chuyện về đội TNXP tiếp quản Thủ đô

TP - Cho đến nay vẫn ít người biết khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội có sự tham gia hết sức tích cực của Đội thanh niên xung phong. Hơn 300 đội viên còn rất trẻ hăng hái tham gia vận động, tuyên truyền nhân dân, đấu tranh với các đối tượng phản động, dạy múa hát cho thanh thiếu niên…
Chuyện về đội TNXP tiếp quản Thủ đô ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao tặng kỷ niệm chương cho các cựu TNXP tiếp quản thủ đô sáng ngày 5/10/2014 Ảnh: minh tuấn

Trai tài, gái sắc tiếp quản thủ đô

Để chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Đoàn Thanh niên đã kịp thời lập ngay đội TNXP do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên thường vụ Trung ương Đoàn phụ trách đội TNXP chống Pháp đầu tiên trực tiếp làm đội trưởng. Vì tính chất công tác đã thay đổi nên thành phần đội viên cũng phải khác. Hơn 300 đội viên được tuyển chọn trong các trường Trung học kháng chiến là cán bộ Đoàn, giỏi công tác xã hội, một số người biết tiếng Pháp để có thể giao tiếp với sỹ quan và nhân viên người Pháp khi tiếp xúc với họ.

Nhiệm vụ được Trung ương Đoàn đề ra gồm: Hỗ trợ quân đội tiếp quản những cơ sở địch bàn giao lại. Vì vậy những đội viên biết tiếng Pháp được quân đội trao cho giấy chứng nhận sỹ quan để tiện đi lại và giao dịch trong thành phố. Tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước ta, vạch trần những luận điệu sai trái của địch. Vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động sôi nổi đón bộ đội và Ban quân quản về tiếp quản Thủ đô. Bản thân các đội viên cũng phải gương mẫu hoạt động văn nghệ, dạy hát múa cho thanh niên thiếu niên.

Trên thực tế Đội phải làm rất nhiều công việc ngoài dự định ban đầu. Có chuyện rắc rối khi ta nhầm vào các nhà kiều dân người Pháp hay người Việt có quốc tịch Pháp do chưa biết ký kết Hiệp định cụ thể nên mới có trường hợp đồng chí Bùi Ngọc Tấn bị lính Pháp bắt dẫn trả về phía ta tại bốt cảnh sát quân ta mới tiếp quản cuối phố Hàng Trống bây giờ.

Len lỏi từng nhà, từng khu phố

Trong khi một bộ phận đội viên làm nhiệm vụ “sỹ quan tiếp quản” thì tất cả các đội viên còn lại bí mật đến các khu phố vì đang thời kỳ thiết quân luật của địch. Tại đây các đội viên chia thành các phân đội trên dưới 10 người len lỏi vào các gia đình, lịch sự gõ cửa xin phép được hầu chuyện, tự giới thiệu là TNXP đến để giải thích về chính sách tiếp quản của Đảng và Chính phủ ta. Từ đó mời bà con tham gia vào việc chuẩn bị, đón tiếp bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô làm sao cho thật rực rỡ, tưng bừng. 

Thái độ đầu tiên của bà con là tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi thấy chúng tôi còn trẻ măng, đẹp trai, đẹp gái, dễ thương và lịch sự nên họ rất cảm tình. Khi biết chúng tôi là những thanh niên bình thường vùng kháng chiến cũng được đi học đến bậc tú tài và cao hơn nữa, biết tiếng Pháp, tiếng Anh…Có người còn thử cho con mang toán cho chúng tôi giải hộ mới thật tin.

Từ niềm tin ban đầu, bà con còn dốc bầu tâm sự hỏi về nhiều vấn đề khác quan trọng hơn như: sở hữu tài sản, tự do tín ngưỡng, tự do kinh doanh, đổi tiền. Chị em nữ thanh niên lại rất quan tâm đến viêc tự do hôn nhân, chuyện học hành, tìm việc. Nhiều chị em bán tín bán nghi hỏi Việt Minh về có rút móng tay, cấm phi dê tóc, mặc áo dài và đi giày không? v..v.. Nghe chúng tôi giải thích và tai nghe, mắt thấy, chúng tôi không như kẻ địch tuyên truyền, bà con và anh chị em thanh niên rất phấn khởi, tin tưởng hăng hái hưởng ứng chủ trương vận động bà con chuẩn bị thật tốt ngày đón bộ đội Cụ Hồ về giải phóng Thủ đô.

Có điều đáng nói là trong khi vận động bà con, anh chị em thanh niên, thiếu nhi, chúng tôi không có một xu kinh phí nào và cũng chẳng biết phải xin ai. Chúng tôi chỉ biết đến các nhà kinh doanh giàu có nhờ giúp đỡ. Phần nhân lực thực hiện thì nhờ vào lực lượng thanh niên lao động trong mỗi khu phố. Phần văn hóa, văn nghệ thì nhờ lực lượng học sinh, sinh viên và các ban nhạc nhờ người giới thiệu đến. Các em thiếu nhi rất hào hứng và nhiệt tình tham gia múa hát mặc đồng phục. Diễu hành thì chúng tôi giao cho thanh niên và chính các đội viên của chúng tôi dạy họ những bài hát, điệu múa cách mạng tạo không khí sôi động cho những ngày mừng giải phóng Thủ đô. Có điều là những việc chuẩn bị này đều diễn ra trong những ngày địch còn thiết quân luật nên chúng tôi còn phải tìm những địa điểm kín đáo như đình chùa, ngõ phố khuất, nhưng sau thấy phía Pháp mải lo việc rút quân, không để ý đến việc khác nên chúng tôi vận động bà con, anh chị em tiến hành mọi công việc công khai hơn.

Thức trắng đêm may cờ, khẩu hiệu 

Đáng nhớ nhất là đêm trước ngày 10/10/1954, do nhiều ngày trước, bà con tập trung chuẩn bị sẵn mọi vật liệu chuẩn bị may thật nhiều cờ, băng rôn nên đêm mùng 9 không khí như một cuộc đồng khởi. Chúng tôi thức suốt đêm lâng lâng hạnh phúc như trong mơ khi thấy bà con và anh chị em thanh niên say sưa “hóa phép” những kho vật liệu cất giấu bí mật thành những chiếc cổng chào rực rỡ; biến những đường phố im lìm trong thiết quân luật thành một khung cảnh rực rỡ, tưng bừng đủ màu sắc. Chúng tôi cũng bất ngờ khi thấy cả không khí thi đua ngầm giữa các khu phố. Ai cũng muốn khoe cái tài, cái mạnh của mình, trước hết thể hiện ở cái cổng chào. 

Phố Hàng Đào thì trưng tất cả các màu vải, lụa. Phố Hàng Nón thì trưng tất cả các loại nón, mũ, cờ, quạt sơn xanh, sơn đỏ…Phố Hàng Thiếc thì uốn thiếc thành những con rồng, con phượng gương chiếu lấp lánh. Phố Hàng Gai thì trưng những hàng đèn lồng rồng, phượng, cá, tôm… Bà con còn bí mật ra tận ngoại thành đem về những túm lá dừa, lá móc… để trang trí thêm cho lung linh, sinh động. Có rất nhiều nhà báo đã quay phim, chụp ảnh, bây giờ tư liệu cũ vẫn còn giữ được những hình ảnh rực rỡ của các khu phố trong những ngày đón bộ đội về Thủ đô năm ấy.

Tuy nhiên công việc của chúng tôi không chỉ có vậy. Một thành phố lớn bị chiếm đóng trong tình trạng thiết quân luật trong nhiều ngày có rất nhiều vấn đề nảy sinh như vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, sinh hoạt, chợ búa, và nhiều vấn đề dân sinh khác… Về phần chúng tôi được phân công vận động thanh niên giải quyết, thu gom những đống rác khổng lồ ở những ngã ba, ngã tư trước cửa chợ Đồng Xuân, Ngã tư Tràng Tiền, các vườn hoa Hàng Đậu, Vườn hoa Cửa Nam…Thanh niên hồi ấy coi việc hót rác, quét đường là công việc của phu phen hạ đẳng nên rất ngại ngùng. Chúng tôi phải xung phong làm gương và vận động những anh chị em con nhà lao động xung phong làm những chỗ bẩn thỉu, khó khăn nhất để lôi kéo anh chị em khác làm theo. Nhiều anh chị em nhà giàu đi quét đường còn phải bọc giấy chiếc chổi để mọi người không trông thấy mình đi tham gia vệ sinh đường phố.

Đấu tranh với đối tượng phản động

Sau khi đón bộ đội về giải phóng Thủ đô, nhiệm vụ nguy hiểm và khó khăn nhất mà chúng tôi tham gia là chống di cư. Do trong Hiệp định Giơ ne vơ có quy định 300 ngày hoãn bàn giao chính quyền ở Hải Phòng để cho kiều dân Pháp và bà con hai miền có điều kiện di cư. Lợi dụng điều khoản này thực dân Pháp cho những đoàn tàu thủy “há mồm” thường trực ở Hải Phòng ra sức kêu gọi đồng bào thiên chúa giáo di cư vào Nam “theo Chúa”. Vì vậy hàng triệu đồng bào theo đạo thiên chúa từ Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông... ùn ùn gồng gánh kéo lên Hà Nội đóng chặt các sân nhà thờ, sân ga Hàng Cỏ, bến Phà Đen… Chúng tôi phải tỏa đến các tụ điểm ấy, thậm chí phải lên tàu hỏa, tàu thủy cùng đi với bà con để tuyên truyền chính sách tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của bà con, vạch rõ âm mưu của địch. Mặt khác, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ tạo mọi điều kiện để bà con trở về quê hương làm ăn, gặt hái kịp thời vụ. 

Nhiều bà con nghe theo, chúng tôi lại theo sát giúp bà con tìm phương tiện trở về quê. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp gặp khó khăn, nguy hiểm như gặp phải bọn phản động hay gặp những gia đình quá tin tưởng vào luận điệu tuyên truyền của những phần tử quá khích, phản động. Chúng tôi phải nhờ người tốt hoặc rất khó khăn tìm cách tránh né để tiếp tục làm nhiệm vụ. Rồi còn nhiều nhiệm vụ đột xuất khác như diện áo dài, quần trắng ra sân bay đón Thủ tướng Ấn Độ và con gái; đóng phim thời sự theo yêu cầu của các phóng viên, đạo diễn nước ngoài; gặt lúa và biểu diễn văn nghệ cho bà con nông dân ngoại thành tham gia các công việc chuẩn bị cho Ngày đón Bác Hồ trở về Thủ đô.

Sau khi công việc tiếp quản Thủ đô tạm ổn, đội chúng tôi một bộ phận tiếp tục tiếp quản thành phố Hải Dương, Hải Phòng. Vào năm 1955 đội giải tán. Các đội viên được chia ra nhận những nhiệm vụ như: gần 50 người được phân công làm cán bộ Đoàn tại Trung ương Đoàn, Thành Đoàn và các quận, huyện Đoàn. Hơn 30 đội viên hăng hái tiếp tục xung phong đi xây dựng đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Số còn lại các bộ ngành tuyển hết về đào tạo và làm việc như Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Bộ Công nghiệp; Bộ Nông nghiệp… 

MỚI - NÓNG