Chuyện về cây di sản: Góp công, hiến đất vì cây

0:00 / 0:00
0:00
Thủ từ Nguyễn Xuân Trang bên hai cây si di sản trong đình - đền Hào Nam. Ảnh: Võ Hóa
Thủ từ Nguyễn Xuân Trang bên hai cây si di sản trong đình - đền Hào Nam. Ảnh: Võ Hóa
TP - Quá trình đô thị hóa, đất công bị lấn chiếm để làm nhà ở và cho các mục đích khác nên không gian sinh trưởng của các cây di sản bị thu hẹp. Để bảo tồn, gìn giữ giá trị tinh thần cho thế hệ mai sau, nhiều người đã bỏ công, hiến đất cho những đại lão mộc tiếp tục sinh tồn.

Hiến đất mặt đường cho cây di sản

Cuối tháng 10/2012, người dân phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội) háo hức khi cụm 8 cây thuộc di tích lịch sử đình - đền Hào Nam được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là những cây cổ thụ đầu tiên của quận Đống Đa được nhận vinh danh trên. Theo ông Phùng Quang Chính, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), việc xét duyệt, công nhận cụm cây này còn có những câu chuyện xúc động.

Ông Chính cho biết, đình - đền Hào Nam là nơi có 8 cây được Hội công nhận là Cây Di sản Việt Nam gồm: 3 cây đại hoa trắng, 2 cây si, 1 cây đa lông, 1 cây bồ đề và 1 cây muỗm. Đây cũng là nơi cán bộ và nhân dân địa phương có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, trong đó có việc tự nguyện hiến đất, mở rộng không gian sống cho cây. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn nét đẹp truyền thống, biết trân trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử của người dân Hào Nam.

Chuyện về cây di sản: Góp công, hiến đất vì cây  ảnh 1

Bà Lưu Thị Phương giới thiệu cho phóng viên về cây đa di sản trước đền Quán Đôi. Ảnh: Võ Hóa

Từ chia sẻ của ông Chính, chúng tôi tìm về phố Vũ Thạnh, nơi có đình-đền Hào Nam để hiểu rõ hơn về những nỗ lực của người dân nơi đây trong việc bảo tồn những giá trị tinh thần to lớn cho thế hệ sau. Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích đình - đền Hào Nam cho biết, đình - đền Hào Nam thờ Linh Lang Đại Vương, là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. “Trong ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, đình - đền Hào Nam là một trong những địa điểm dừng chân của nhiều đồng chí hoạt động nội thành. Chính tại cây đa giếng làng, đồng chí Nguyễn Văn Trân - Bí thư Thành ủy Hà Nội ngày đó đã tổ chức mít tinh, kêu gọi nhân dân Hào Nam xuống đường giành chính quyền vào những ngày tháng Tám lịch sử. Cuối năm 1947, đơn vị vũ trang tuyên truyền 650 thuộc Trung đoàn 48 Thăng Long nhận nhiệm vụ vào hoạt động ở các làng thuộc quận 5; trong đó Hào Nam là một điểm dừng chân”, ông Trang nói thêm.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, khuôn viên đình - đền Hào Nam không còn rộng lớn như xưa, nhưng người dân làng Hào Nam vẫn giữ được những nét kiến trúc, lễ hội của năm thờ cúng Linh Lang Đại Vương. Từ sớm mồng 10/2 âm lịch, đội tế lễ Hào Nam đã rước Long đình về đền Voi Phục tề tựu để cùng các làng Thủ Lệ, Vạn Phúc, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã, Ngọc Khánh rước Thánh về đình làng Vạn Phúc.

Trong khuôn viên của đình - đền Hào Nam còn giữ được rất nhiều cây đại thụ quý hiếm. Việc cụm 8 cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam được bà con và nhân dân trong khu vực nhiệt tình hưởng ứng và đóng góp nhiều công sức. Đặc biệt việc gia đình một người dân đã tình nguyện phá dỡ một phần công trình nhà ở, dành hơn 10 m2 đất mặt đường, lúc đó trị giá nhiều trăm triệu đồng, để tạo không gian sống cho cây bồ đề trên phố Vũ Thạnh. Ông Phùng Quang Chính cho biết, trước thời điểm cây bồ đề được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, đã có những khúc mắc về khu đất quanh gốc cây giữa gia chủ và nhà đình Hào Nam. Dù vậy, với những giá trị tinh thần to lớn mà cây mang lại, gia đình này quyết định hiến tặng một phần đất, mở rộng không gian cho cây di sản bồ đề.

Có thêm không gian, được người dân quan tâm, ngăn chặn những hành động đóng đinh, buộc dây sắt, nhờ thế cây bồ đề sinh trưởng rất tốt. Cây cao tầm hơn 30 mét, vỏ xù xì, lá xanh mướt trước một không gian rộng lớn, nhiều tán cây lan rộng che mát. Thân cây to lớn, vài người lớn cầm tay nhau mới ôm trọn. Nhiều năm qua, hình ảnh cây bồ đề cổ thụ trở nên quen thuộc với người dân Hào Nam.

“Sự kiện các cây cổ thụ ở đền Quán Đôi - nơi thờ thánh Mẫu có công với nước từ thời Lý Nam Đế, được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu về bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa, tự do tín ngưỡng của người dân. Vì thế, chúng tôi quyết tâm bảo vệ những cây quý trên cho khu di tích lịch sử văn hóa này”.Bà Lưu Thị Phương, Phó Ban Quản lý di tích đền Quán Đôi

Ngoài việc chăm sóc, bảo vệ các cây di sản, vào thời điểm đầu năm, khi tiến hành cắt tỉa một số cành cây trong khuôn viên, Ban Quản lý di tích đình-đền Hào Nam có sáng kiến phát cho du khách những cành lộc đầu năm. Đây là hoạt động rất thiết thực, vừa tạo thêm niềm tự hào cho mỗi người dân, số tiền công đức tạo nguồn kinh phí hoạt động, sửa sang đình, đền.

Bảo tồn cây quý cho thế hệ sau

Chúng tôi đến đền Quán Đôi (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), nơi có cây đại hoa trắng, cây đa và cây sanh được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Hơn 40 năm làm thủ nhang tại đây, bà Đặng Thị Thạch (88 tuổi) cho biết, nhiều năm qua, trừ khi ốm, còn bất kể ngày mưa hay nắng, cứ sáng sớm là bà có mặt tại đền để chuẩn bị hương hoa. Năm 2008, đền Quán Đôi được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của thành phố Hà Nội.

Bà Lưu Thị Phương, Phó Ban quản lý di tích đền Quán Đôi, người trực tiếp hoàn tất thủ tục gửi VACNE để công nhận ba loại cây trên là cây di sản Việt Nam đưa chúng tôi đi xem các cây của đền. Bà cho biết, cây đại hoa trắng nằm sát vị trí bên trái đền trên 200 tuổi, thân có chu vi 1,2m, cao 10m. Đây là cây gỗ nhỡ thân sần sùi, có mủ trắng, mang nhiều cành mập. Năm 2002, cây đại hoa trắng bị đổ vào đền. Khi đó, nhà đền phải rất khó khăn trong việc dựng lại cây. Hiện cây đang phát triển tốt, nhưng việc chăm sóc cũng phải rất chú ý.

Cây sanh tọa lạc sát bờ sông Tô Lịch. Nằm ở vị trí trước đền Quán Đôi, cây có diện tích tổng (bao gồm toàn bộ rễ phụ) rộng tới 34 mét vuông, chu vi thân chính 2 mét, cao 13 mét. Đôi khi, từ rễ phụ mọc thành hàng chục thân mới, như một “khu rừng” nhỏ. Cây đa nằm ở vị trí bên trái trước đền Quán Đôi, có chu vi thân 6,4 mét, cao 25 mét. Cây đa có dáng đẹp, dễ trồng, tuổi thọ cao nên xưa kia được các cụ trồng để tạo cảnh quan cho đền và lấy bóng mát.

Cây đại hoa trắng, cây đa và cây sanh là những cây đầu tiên của quận Cầu Giấy được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
Vụ xe cẩu cắm đầu xuống mương tránh ô tô 16 chỗ vượt ẩu: Giây phút quyết định sự sống còn của lái xe
TPO - "Sau khi nghe tiếng nổ, chạy ra và thấy người lái xe bị mắc kẹt trong ca bin ô tô gặp nạn đang giơ tay lên như kêu cứu, tôi liền hô hào người dân xung quanh đến cậy cửa giải cứu tái xế,... rất may nạn nhân còn sống”, chị Hà Thị Chiên – nhân chứng vụ tai nạn kể lại.