Chuyện về Anh Bảy Cay xỏn Phômvihản: Những nẻo đường Việt

Ngôi nhà ở làng biển Quỳnh Lưu mà đồng chí Cay Xỏn từng ở
Ngôi nhà ở làng biển Quỳnh Lưu mà đồng chí Cay Xỏn từng ở
TP - Đã đành nơi cố quốc, dân các bộ tộc Lào nhắc nhớ nhiều đến vị Chủ tịch nước Cay Xỏn của mình. Nhưng ngay ở Việt Nam cái tên anh Bảy cũng vang lên ở nhiều vùng với âm hưởng mến, quen…

Sớm nhất có thể là năm 1935, có một thanh niên người Lào với tên Việt Nguyễn Trí Mưu dự thi vào trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ). Trong những ngày học tại trường Bưởi, anh đã được giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rồi người ấy học Luật khoa ở Hà Nội và tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp, phát xít Nhật ở Việt Nam. Mùa thu 1945, người sinh viên Luật khoa 25 tuổi ấy cơ may gặp được Võ Nguyên Giáp rồi trở về Lào với cái tên cũ Cay Xỏn Phômvihản tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Savannakhet, sau đó trực tiếp xây dựng khu du kích Hủaphăn, thành lập đội vũ trang Latxavông đầu tiên.

Năm 1946, ông làm việc tại Ban liên lạc Lào - Việt Nam ở Hà Nội và phụ trách những người yêu nước Lào ở Việt Nam chống Pháp. Năm 1948, ông trở về nước, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp ở vùng Đông Bắc Lào.

Năm xa ấy lên Sơn La ngồi với Phó Chủ tịch tỉnh Lê Xuân Viên. Chuyện ông Viên dẫn tôi về những năm đầu 60 khi ông là Bí thư xã Đoàn một xã ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa xung phong đi tăng cường cho Sơn La. Anh cán bộ thương nghiệp Lê Xuân Viên trẻ trung bỡ ngỡ đã dần trụ lại với địa bàn miền rừng qua thời gian dài cắm bản ở vùng sâu Phiêng Khoài, người Mông, Yên Châu.

Tại đây, cán bộ Viên được bà con người Mông quí mến. Già bản Tráng Lao Khô nhận anh Viên làm con nuôi. Già Tráng Lao Khô cũng là bố nuôi của đồng chí Cay Xỏn Phômvihản…

Theo lời chỉ dẫn của ông Viên, tôi đã tìm đến Ngã ba Cò Nòi. Rồi bắt xe ôm rẽ vào tỉnh lộ 103 gần 40 km tìm đến trung tâm xã Phiêng Khoài. May nhờ được Trạm kiểm soát biên phòng Keo Muông, thuộc Đồn 461 giúp đến được cột mốc 236 sát biên giới Việt - Lào để đến bản Lao Khô.

Già bản Tráng Lao Khô đã mất nhiều năm nay với tuổi thọ chẵn tròn 100. Người con trai là Tráng Lao Lử tuổi cũng đã cao trên 70. Một câu chuyện đẹp và lạ như huyền thoại trên độ cao hơn ngàn mét được dần chắp nối.

Cụ Tráng Lao Khô quê ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu. Khoảng đầu năm 1930, gia đình cụ chuyển từ Vân Hồ về Phiềng Sa, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu sinh sống. Ban đầu chỉ có bốn gia đình cho nên bản không có tên, sau này người ta quen gọi bản là Lao Khô. Tên người thành tên bản.

Đầu năm 1948, Ban xung phong Bắc Lào, gồm 14 người đến bản Lao Khô hoạt động.  Trưởng ban thanh niên Cay Xỏn Phômvihản ở nhà cụ Tráng Lao Khô. Đồng chí đã được gia đình cụ Tráng giúp đỡ, cưu mang, nhận làm con nuôi. Làm con nuôi theo tục người Mông phải cắt máu ăn thề. Tục ấy là coi nhau như ruột thịt, sống chết có nhau.

Già bản Tráng Lao Khô và bà con trong bản là chỗ dựa an lành của Ban xung phong Bắc Lào hoạt động trong những ngày gian nan ấy. Để giữ bí mật, các thành viên trong ban phải chuyển chỗ ở sang hang Thẩm Mế. Cụ Tráng và bà con đều đặn bí mật tiếp tế đồ ăn. Giặc Pháp đánh hơi được, nhiều lần mở các đợt truy lùng nhưng không thành.

Rồi ngày 20/1/1949,  tại Lao Khô, đồng chí Cay Xỏn Phômvihản đã tổ chức thành lập Quân Ban giải phóng, lấy tên đơn vị là Lát-xa-vông. Đây là tổ chức tiền thân của quân đội giải phóng nhân dân Lào sau này. Từ cơ sở cách mạng hoạt động bí mật tại bản Lao Khô, các bạn Lào đã mở rộng căn cứ sang bên kia biên giới, vùng Lào Hùng, Mong Nam, Xiềng Khọ, rồi nhanh chóng phát triển ra bốn khu: Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Xa Lỳ và Luông Pha Băng. Chiến thắng chiến dịch Biên giới năm 1950 của Việt Nam như tiếp thêm sức mạnh, hỗ trợ các bạn Lào phát triển chiến tranh du kích dọc tuyến biên giới và vùng thượng Lào. Vì thế, dưới góc độ nghiên cứu lịch sử,  Lao Khô, Yên Châu, Sơn La của Việt Nam như đốm lửa làm nên bão lửa cách mạng lan khắp đất nước Lào. 

Mối quan hệ như anh em thân thiết hàng bao năm nay được duy trì giữa hai xã vùng biên. Bản Kéo Đén là một bản biên giới vùng sâu của Lào chưa có điện lưới, ông Lử ra tận Yên Châu tìm mua máy thủy điện nhỏ giúp nhiều gia đình ở Kéo Đén có điện thắp sáng. Anh em Đồn Biên phòng 461, cho biết, đồn và chính quyền xã Phiêng Khoài đã xem xét đề nghị lên cấp trên nhập quốc tịch Việt Nam cho hàng chục trường hợp người Lào lấy chồng, lấy vợ Việt Nam. Việc qua lại, thăm thân giữa nhân dân biên giới được Đồn biên phòng tạo điều kiện nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy chế.  Bà con người Lào sang Trung tâm y tế xã Phiêng Khoài khám, chữa bệnh thuận tiện. Vì từ nhà lên Sầm Nưa mất hơn trăm cây số, đường đi lại khó khăn. Sang Việt Nam gần hơn, việc chữa trị rất tốt.

Lao Khô hoang vắng ngày nào nay đã sầm uất hơn trăm hộ với hơn 500 nhân khẩu với bảy dòng họ dân tộc Mông sinh sống.

Ngày khánh thành Khu Di tích lịch sử Lao Khô được tiến hành trọng thể năm 2017. Tôi bận không ngược được Yên Châu nên không rõ người con nuôi thành đạt Lê Xuân Viên của già bản Tráng Lao Khô có về? Nghĩ cũng vui và lạ, hai người con nuôi của cụ một người Lào từng là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Một người Việt xứ Thanh từng là Phó chủ tịch tỉnh!

Mùa nực năm ấy tôi theo anh bạn về làng Quèn xứ bể Quỳnh Lưu, Nghệ An. Níu chân khách xa bởi biển sạch thưa người. Một sáng rỗi, ông bạn rủ sang làng Hàu cách mấy cây số xem di tích cụ Hoàng thân Xu Pha nu vông…

Hóa ra bạn nhầm. Có di tích nhưng là về cụ Cay Xỏn Phômvihản. Và chỉ là dấu tích chứ chưa có điều kiện để khuôn thành di tích.

Ngồi chuyện trò với cán bộ địa phương xã Tiến Thủy tên mới của làng Hàu, mới vỡ vạc cái lai lịch di tích…

Ông Hồ Hữu Lợi nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đầu những năm 50 được điều sang công tác miền Tây giúp bạn Lào. Do mối quan hệ công tác, đồng chí Lợi rất thân thiết với đồng chí Cay Xỏn. Điều thú vị là vợ đồng chí Lợi cũng theo chồng sang Lào công tác. Lại là cố vấn cho phu nhân đồng chí Cay Xỏn khi ấy đang làm công tác thanh niên.

Năm 1952 đồng chí Cay Xỏn sức khỏe kém sút, cần được đi an dưỡng nghỉ ngơi. Đồng chí Lợi đã làm cầu nối với Đảng bạn bố trí cho đồng chí Cay Xỏn sang chính quê mình nghỉ ngơi an dưỡng! Địa thế vùng Hàu bãi ngang khi ấy cũng khá hữu tình. Có bãi biển, có cửa lạch, có sông Mai uốn khúc, ngọn núi Rồng hùng vĩ…

Rồi việc cũng thành. Ông Lợi đã đưa đồng chí Cay Xỏn cùng hai người Lào - một người làm bảo vệ, một người cần vụ về quê biển Quỳnh Lưu ở ngay nhà chú mình vốn là đảng viên Cộng sản từ những năm 1930 - 1931. Nhà cửa rộng rãi, kín đáo, sát biển. Một thời gian sau, cả nhóm lại chuyển đến địa điểm mới cũng ngay trong thôn.           

         (Còn nữa)

Chuyện về Anh Bảy Cay xỏn Phômvihản: Những nẻo đường Việt ảnh 1 Ông Tráng Lao Lử, con trai cụ Tráng Lao Khô 

Mãi sau này tận đến sau những năm 75, nhiều người xứ Quỳnh Lưu mới hay vị khách của làng mình lúc đó là ai, mặc dù họ chỉ lưu lại ở làng Hàu hơn một tháng!

Năm 1952 đồng chí Cay Xỏn sức khỏe kém sút, cần được đi an dưỡng nghỉ ngơi. Đồng chí Lợi đã làm cầu nối với Đảng bạn bố trí cho đồng chí Cay Xỏn sang chính quê mình nghỉ ngơi an dưỡng!

MỚI - NÓNG