Xuân năm 1983, chúng tôi có một chuyến đi nhớ đời. Hơn tháng trời theo các đơn vị làm đường của Ban 64 xuyên mãi lên những cánh rừng Bắc Lào. Về nhà hăm hở tải tất tật lên bài viết. Sau đấy là những lần nâng lên đặt xuống… Không khí báo chí một thời nghiêm cẩn, đắn đo, cân nhắc là vậy…
Nhưng chính sự hy sinh chịu đựng âm thầm của những nam nữ thanh niên Việt Nam tình nguyện làm đường cho bạn có một thời rất khó nói lẫn không thể nói ấy để những năm sau cho đến bây giờ mới có hàng ngàn km đường vo vo ngon trớn bánh xe lăn nối Bắc Lào đến Nam Lào thông thương với hệ thống giao thông hiện đại của một đất nước Lào đổi mới!
Nghề viết cùng sự may mắn như cái duyên buộc chỉ cổ tay như đã nói cho tôi có cơ hội tiếp xúc với các yếu nhân của xứ sở hoa Chăm pa. Chúng tôi được diện kiến Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và nhiều quan chức Lào. Thế nhưng chúng tôi đã không có cái may mắn được diện kiến một nhân vật luôn được nhắc, luôn được nghe, được nói đến là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Cayxon Phomvihan.
Nhưng nào có hề chi! Cụm từ Anh Bảy, đồng chí Cayxon Phomvihan quý mến luôn được nhắc đến một cách sinh sắc sống động trong cuộc thăm của 12 vị cựu binh trong Đoàn chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam trở lại linh địa Sầm Nưa. Các cụ một thời gian khó ấy đều được làm việc sinh hoạt với Anh Bảy ở chiến khu Sầm Nưa này.
Sự kiện ấy đã hơn chục năm có dư nhưng nhớ lại vẫn bao bồi hồi...
Có thể gọi đó là chuyến chuyên xa được lắm bởi có xe cảnh sát dẫn đường, có xe cứu thương khoá đuôi tiễn các cụ từ Hà Nội đến tận cửa khẩu Na Mèo. Từ Na Mèo, xe của cảnh sát, y tế Lào lại hộ tống các cụ đến Sầm Nưa. Suốt dọc đường non 80 cây số, tôi tỉ mẩn đếm cả thảy 34 làng bản, dân Lào nam phụ lão ấu có cả cứ giăng giăng như thế mà vẫy cờ hoa chào mừng. Ngạc nhiên bởi chưa khi nào được chứng kiến số lượng dân ra đón lại đông và nhiệt thành như thế?
tại Đại hội II Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tháng 2/1972
Đến Sầm Nưa, tôi vuột ra băn khoăn với Tiến sĩ PhănkhămVilaphăn, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Hủa Phăn rằng việc đi đón như thế có phiền toái gì không? Có phải vận động dân không? Vị tiến sĩ Tỉnh trưởng cười, cán bộ của tôi chỉ thông báo với dân là hôm nay có các cụ lão thành cách mạng Việt Nam, người ít thì mươi năm, người nhiều thì gần 40 năm từng vào sống ra chết với nước Lào đến thăm Sầm Nưa thì dân nói ngay là bậc bố bậc mẹ về với con cháu rồi...
Và ngay tại thị xã Sầm Nưa, chỗ Quảng trường trung tâm, số lượng người đón kể có hàng vạn. Một cuộc đón không thủ tục giới thiệu đại biểu, cả không diễn văn khai mạc bế mạc, chỉ chiêng trống cờ hoa cùng vô vàn cái cười tươi rói. Những cái cười đồng bộ hiếm khi tôi được thấy. Nghĩa là hết cỡ, miệng cười mắt cũng cười! Mái tóc bạc của các cụ nhà mình thấp thoáng trong rừng cờ và rừng cười ấy!
Trên chuyên xa hàng ghế trên là cụ Nguyễn Trọng Vĩnh năm ấy là 93 tuổi. Cụ là Ủy viên Trung ương Đảng từ năm 1960 đến năm 1976. Năm 1964 theo đề nghị của đồng chí Cay Xỏn, Việt Nam cử ông Nguyễn Trọng Vĩnh khi đó đang là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá sang làm Trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn Lào.
“Trước khi tôi đi Bác Hồ cho gọi lên ăn cơm. Trong bữa ăn, Bác dặn tôi nhiều điều nhưng nhớ nhất vẫn là câu chú sang bên ấy có ý kiến gì góp ý với bạn để bạn làm chứ chú không được làm ông Toàn quyền! Thấm thía lời Bác dạy tôi càng thấy rõ tinh thần quốc tế trong sáng của Bác tinh thần bình đẳng luôn tôn trọng độc lập chủ quyền của các bạn Lào...” - Cụ Vĩnh kể.
Suốt 10 năm, Trưởng đoàn Nguyễn Trọng Vĩnh phụ trách tất cả công việc của đoàn chuyên gia Quân, Dân, Chính quyền Đảng Đoàn tại căn cứ địa Sầm Nưa. Năm 1965, Trưởng đoàn Nguyễn Trọng Vĩnh về Hà Nội họp và dự cơm với ba Tổng Bí thư của ba Đảng Việt Nam, Lào, Campuchia tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân Hà Nội để đánh giá tình hình và bàn bạc kế hoạch phối hợp...
Lần đến Sầm Nưa đó bên cụ Vĩnh là Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương 89 tuổi quê Quảng Ngãi. Từng có nhiều năm là chuyên gia quân sự ở Sầm Nưa. Cụ nhiệt thành lý giải cho tôi tường thêm rằng tại sao lại chọn Sầm Nưa làm căn cứ địa kháng chiến đối với cách mạng Lào, vì Sầm Nưa hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
Thiên thời bởi Sầm Nưa, nơi tích luỹ hào khí bất khuất của nhân dân các bộ tộc Lào. Nơi sinh ra và nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của các bộ tộc Lào. Địa lợi là Sầm Nưa với thế núi cao hiểm trở nhiều hang động tiếp giáp với 3 tỉnh Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An của Việt Nam - hậu phương căn cứ địa. Nhiều đường giao thông nối với Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Luông Phabang, Uđomxay, Luôngnâmtha, Phoongxaly... tiến thoái đều thuận lợi ở thế cơ động. Nhân hoà bởi nhân dân Sầm Nưa có truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc hiểu rõ từng thước đất ngọn núi đầu sông sẵn sàng đi theo cách mạng.
Trong đoàn có Đại tá Vũ Đức Mai, 76 tuổi, nguyên Phó Trưởng Ban xây dựng căn cứ địa Sầm Nưa. Đại tá Nguyễn Khiên 82 tuổi nguyên Chủ nhiệm chính trị đoàn công binh 217. Cụ Nguyễn Khiên có lẽ là một pho sử sống về tất cả các hang động ở Sầm Nưa. Cụ đã chỉ huy Trung đoàn công binh 217 xây dựng cải tạo một số hang để làm nơi ở, hội họp cho nhiều vị lãnh đạo tối cao cũng như một số cơ quan Lào.
Tiếp nối là cụ Quách Bá Đạt đại tá có tới 38 năm công tác ở Lào, nhiều nhất vẫn là địa bàn Sầm Nưa, Hủa Phăn. Thú vị là vị đại tá này kêu thi sĩ Quách Tấn, xứ Võ Bình Định bằng bác ruột. Cụ Đạt có gần 20 năm công tác ở Văn phòng đồng chí Cayxon Phomvihan!
Thoáng nhớ lại chất giọng bồi hồi của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trên chuyên xa rằng mới cách đây vài năm, lần họp Ban liên lạc còn ngồi đông đông 120 cố vấn quân sự và 300 chuyên gia mà nay điểm lại còn không quá 60 cụ (bây giờ khi viết những dòng này thì vị lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã về cõi vài năm. Cụ thọ trăm linh ba tuổi). Về chuyến chuyên xa, may quá, đi lẫn về, đường sá xa ngái diệu vợi là thế mà các cụ đều khoẻ mạnh an lành! Còn cậu lái xe tên là Kiên thì cười, chưa bao giờ em chở một thứ “đặc sản” mong manh rất dễ... vỡ như thế này cả!
Có thể gọi đó là chuyến chuyên xa được lắm bởi có xe cảnh sát dẫn đường, có xe cứu thương khoá đuôi tiễn các cụ từ Hà Nội đến tận cửa khẩu Na Mèo. Từ Na Mèo, xe của cảnh sát, y tế Lào lại hộ tống các cụ đến Sầm Nưa.
(Còn nữa)