Chuyện tướng Nguyễn Chuông bị bắt ở Điện Biên Phủ

Chuyện tướng Nguyễn Chuông bị bắt ở Điện Biên Phủ
TP - Những ngày tháng 5 này lại nhớ đến ông, tướng Nguyễn Chuông (23/8/1926-23/3/2006), vị tiểu đoàn trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ rơi vào tay địch trong một trận chiến không cân sức (cán bộ cao nhất phía ta bị địch bắt trong chiến dịch). Trong thời gian ngắn bị địch giam, mặc dù bị thương nặng, ông đã xử sự đúng với tư cách một chiến sĩ cách mạng, để rồi sau chiến dịch, trở lại đội ngũ và phát triển thành một vị tướng nổi tiếng.

> Bữa cơm trưa 30 tháng Tư vắng tướng Nguyễn Chuông

Tôi biết vị tướng họ Nguyễn này đã lâu qua ba ông cựu binh cũng họ Nguyễn mà thời đánh Mỹ, họ đều dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông.

Đó là giám đốc trại tù Hỏa Lò Nguyễn Hoắc, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà báo Nguyễn Phúc Âm.

Nhớ lần đầu đến nhà ông trong khu tập thể Quân đội Mai Dịch, hai cây cau già trong khoảng sân con trước nhà như hai cựu binh xanh biếc lúc nào cũng chĩnh chiện ngay ngắn. Chiếc vỏ đạn đại bác vàng choé có hàng chữ Hán do chính tay ông khắc Vị Xuyên trận cuối cùng... Bộ quân phục cấp tướng trắng, ngực áo chi chít cuống của nhiều huân, huy chương. Hai bàn thờ, một thờ gia tiên, một thờ đồng đội ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Cả cái bàn ăn tam đại đồng đường mà hàng ngày tướng Nguyễn Chuông với vợ con và lũ cháu quần tụ. Cả cái dáng lòng khòng của vị tướng ở tuổi gần tám mươi trông như cụ giáo thời trước hồi hưu...

Hoàn cảnh trở thành tù binh

Một lần làm khách VTV3 giao lưu cùng đồng đội
Một lần làm khách VTV3 giao lưu cùng đồng đội.
 

Ông từng thẳng thắn trong một cuốn hồi ức thế này:

... Tôi không có điều gì phải hổ thẹn hay phiền muộn. Chúng tôi không có lúc nào nhụt chí và vẫn giữ được phẩm chất của người chién sĩ nhân dân trong điều kiện hết sức hiểm nghèo.

Chỉ tiếc là khi niềm vui chiến thắng Điện Biên Phủ tràn ngập khắp chốn khắp nơi, ta lại nhiều việc quá cho nên không ai nhắc nhớ đến tình huống đầy bi kịch của các chiến sĩ tù binh Điện Biên chúng tôi. Nhưng xin thưa là chuyện buồn là bi kịch nhưng mà lạc quan. Nghịch cảnh nhưng vẫn ẩn trong vóc dáng oai hùng của chiến thắng Điện Biên vĩ đại...

Gẫm lại một đời binh nghiệp, một đời trận mạc, dự hàng trăm trận nhưng ông vẫn coi đợt hai của chiến dịch Điện Biên mà tiểu đoàn 115 trung đoàn 165 đóng vai trò một trong những mũi chủ công là ấn tượng, là ghê răng nhất.

Trận công kiên đánh vào cứ điểm 105 trấn giữ mạn bắc sân bay Mường Thanh, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chuông gom lại đội hình tiểu đoàn cũng chỉ có 75 người tạm coi là khoẻ mạnh cầm được súng! Sau ba ngày đêm vây lấn, bom, pháo rền trời, hai phần ba trong số bảy lăm người ấy điếc đặc! Đạn bắn thẳng các loại chiu chíu...

Nhưng quân của Nguyễn Chuông vẫn tìm mọi cách áp sát cứ điểm. Chiếm được sở chỉ huy cứ điểm. Nhưng địch đông quân vẫn co cụm lại ở một góc cố chết chiếm lại. Ta đánh bật nhiều đợt phản kích. Rồi tiểu đoàn của Nguyễn Chuông rơi vào thế bị bao vây. Đó là buổi sáng ngày 18 tháng tư năm 1954.

Trong địch đánh ra. Ngoài chúng đánh vào. Cậu liên lạc mếu máo úp vội cái bát lên đầu Nguyễn Chuông hối hả băng lại vì thấy máu mồm máu mũi máu tai thủ trưởng ộc ra, hãi nhất là trên đầu ông, óc toé loe... Khi Nguyễn Chuông tỉnh lại mới hay mình chỉ bị sức ép còn óc kia là của đồng đội văng vào!

Lệnh trên cho rút. Bốn mươi mét hào là đến nơi an toàn nhưng sáu đợt rút là sáu đợt anh em liên tục thương vong. Ông lau nước mắt nói rằng bốn mươi mét hào ấy được nối bằng máu và thi thể của đồng đội! Ông cùng cậu liên lạc rút sau cùng sau khi làm tất cả những gì có thể làm được để yểm trợ cho anh em...

Nhưng quân Pháp đã ào lên... Nguyễn Chuông thoi thóp vì sức ép và một vết thương ở đùi nhưng còn mồn một hình ảnh một sĩ quan Pháp ra lệnh lùng sục thương binh ta. Chính tay y dùng đại liên găm đạn vào từng người một.

Ông căm uất đau đớn nhìn những đồng đội thân yêu đã bị thương rồi nhưng vẫn giãy đạp rất dữ khi trúng đạn đại liên. Mà cái thằng ác thú kia như một thứ bệnh hoạn. Hắn làm thong thả động thái giết người ấy! Dường như hắn là hiện thân sự căm uất lẫn sợ hãi của lũ giặc bị quân ta đang dồn vào đường cùng...

Đến lượt mình, Nguyễn Chuông còn thoáng nhanh ý nghĩ mình chết ở tuổi hai nhăm như thế này còn trẻ quá. Trận cuối cùng mình không được dự thì đau quá, tiếc quá! Rồi không biết trời đất gì nữa.

Trích một đoạn trong hồi ký của ông... Khi tỉnh lại tôi thấy trời tối đen. Súng vẫn nổ pháo vẫn bắn... Tôi không sao đoán ra mình đang ở đâu và tại sao không có người ở quanh. Rõ ràng mình bị bắt mà không thấy lính canh gác? Khát và đói ghê gớm. Tôi thử nhúc nhích cánh tay phải. Không được, nó đã gẫy rồi.

Chân phải cũng bị hai phát đạn như lìa. Không đứng được cũng chẳng ngồi được. Ngực sườn đau nhói. Sau mới biết đạn đại liên xuyên thủng phổi. Tôi dùng khuỷu tay trái mông trái cố lê lết. Phải tìm nước và xem quanh đây có ai không.

Lết được một đoạn không xa, tôi thấy có ánh sáng le lói. Cố lết nhanh đến đó thì thấy cái cửa hào xuyên vào hầm. Tôi tiếp tục lết vào mới hay bên trong có hai dãy giường toàn là lính Tây bị thương. Chúng rên kêu la khiếp lắm.

Tôi nhìn quanh thấy một cái giường bỏ không có trải nệm bên cạnh là một cái bàn, trên bàn có chai nước lại có cả bánh hoa quả. Tôi mừng lắm lết nhanh đến mặc dù rất đau đớn nhưng vẫn vớ được chai nước tu ừng ực rồi vớ lấy ít bánh qui ăn còn hoa quả giắt quanh vành quần. Ăn uống xong thấy người đỡ mệt. Sẵn thuốc lá tôi đốt một điếu. Nằm trên giường suy nghĩ mông lung. Chẳng hiểu số phận mình ra sao. Rất có thể lát nữa tên nào nhìn thấy mình...

Nhưng mặc nó. Không sợ, miễn là được nằm cái đã. Quả nhiên khi tôi đang thiếp đi thì thằng quan ba thày thuốc ở đâu về thấy tôi nằm trên giường nó thì hắn thét lên... Tôi nghĩ bụng kệ mẹ mày. Tha hồ cho mày chửi. Bố mày không biết tiếng. Tôi bình thản châm thuốc lá và đối mắt với hắn...

Nhìn làn khói thuốc đang phảng phất bình thản cuộn quanh ông, tưởng như làn khói thuốc côtap ngày này năm mươi năm trước trong căn hầm thương binh Pháp nhưng chắc hồi đó không có tiếng cười sảng khoái như bây giờ... Kiểu cười này hình như trời cho cùng với tính cách ông, đeo cùng ông từ hồi trẻ khiến ông vượt được và ngạo nghễ với vô số những hiểm nguy?

Quả người ta, chết cũng chả phải dễ! Càng ra cái vóc dáng giáo làng hơn khi ông như nhỏ thó trong bộ đồ mặc nhà và tập bản thảo rung rung trong những ngón tay xương xẩu... Mặc dầu đang mới là những nét chấm phá phác thảo nhưng chắc người đọc vẫn phải thắt lại những lo lắng và cả cái cười của ông nhuốm vào... Ấy là khi viên bác sĩ người Pháp võ vẽ chút tiếng Việt sau khi băng lại cho ông đã nói với đám phu phục dịch trong hầm cho nó xuống căng (Camp - trại, đây là trại tù binh) thì ông tưởng chúng đem mình đi bắn và chửi bới chúng thâm tệ!

Trong lòng địch

Ở trại tù binh, Nguyễn Chuông là cấp cao nhất trong số gần 100 cán bộ chiến sĩ ta bị địch bắt. Trước đó địch lẫn ta đều không biết Nguyễn Chuông là ai! Nguyễn Chuông khai tên là Vi Hải, một chiến sĩ thường. Như­ng kế ấy đã bị lộ! Lộ bởi anh cán bộ Tiểu đoàn Nguyễn Chuông khi nằm ngủ với anh em tù binh ta đã hét toáng lên trong mơ những khẩu lệnh và cả... khẩu khí của mình.

Alô anh Lê Thùy (Lê Thùy trung đoàn trưởng 165 lúc đó, sau này là Phó tư lệnh Quân khu 2) đâu? Anh gọi ngay anh Bế Thiên ở 564 chặn viện không vào đúng vị trí để địch tiến sát 105 mà không thấy súng của tiểu đoàn 564...

Lộ rồi nên ông phải gánh lấy chức bí thư chi bộ do anh em bầu... Mười tám ngày đêm trong trại giam cũng là thời gian chi bộ nhà giam dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Chuông đã có nhiều việc làm sáng tạo để bảo vệ tù binh, cải thiện đời sống cho anh em tù. Tranh thủ tình cảm và giác ngộ cả đám phu phen bị địch bắt vào đây làm lao dịch.

Chính trong thời gian làm công tác này mà Nguyễn Chuông đã phát hiện ra một đại đội phó của đại đoàn 320 cùng 20 đồng chí nữa được ta cài vào hàng ngũ phu phen tạp dịch từ trước đó đã báo ra ngoài cho ta những tin tức quí giá. Sau này ông chưa bao giờ gặp lại họ và cứ tiếc giá như nhà văn nhà báo nào bây giờ khai thác được cái mảng này thì bức tranh toàn cảnh về Điện Biên Phủ sẽ có nhiều điểm sinh sắc!

Rồi chuyện viên cố đạo Tây biết tiếng ta được Pháp cử xuống la cà ở trại giam để dò xét anh em tù binh nhưng đã bị Nguyễn Chuông lừa vô tình trở thành đường dây tiếp tế đường sữa bánh kẹo bông băng cho anh em tù binh ta! Rồi chuyện một số lính Ma Rốc và Âu Phi vốn có cảm tình với ta được anh em tù biết tiếng Pháp do Nguyễn Chuông cử làm nhiệm vụ giác ngộ, khi ta đánh vào đã giúp đỡ anh em tù nhanh chóng thoát ra ngoài.

Nguyễn Chuông còn tổ chức chọn ra bốn tiểu đội khoẻ chờ khi ta đánh vào thì khiêng cáng anh em ốm và bị thương nặng ra. Hai tiểu đội còn lại thì dẫn đường cho bộ đội... Và sáng ngày mồng 7 tháng 5, mọi kế hoạch đã diễn ra đúng như thế...

Và sau đó trên vai những người dân công khu Tư phục vụ mặt trận Điện Biên, Nguyễn Chuông được đi cáng về Bệnh viện Nà Sản Sơn La rồi Yên Bái điều trị dài ngày. Dài ngày hơn cái đận sau này ông bị thương khi đưa quân vào thành cổ Quảng Trị cuối năm 1972. Trong tập hồ sơ tư liệu của ông bây giờ còn lưu lại hai cuốn sổ thương binh. Hạng 4/8 chống Pháp và 3/4 chống Mỹ. Có điều ông không đổi sổ mà giữ lại làm kỷ niệm...

Độc đáo Nguyễn Chuông

Rồi sau đó có sao không ạ?... Tướng Nguyễn Chuông cười xoà trước câu hỏi ngập ngừng của tôi. Chả sao cả! Thủ trưởng trung đoàn và chính ủy đại đoàn đều khẳng định tôi vẫn xứng đáng là đảng viên trung kiên! Ngó cái cả cười ấy, những tưởng con đường binh nghiệp của ông là hanh thông tuốt tuột nhưng có lẽ chả phải? Vị tướng liên miên trận mạc này có không ít những chuyện thật mà như huyền thoại... Phải cái thẳng tính với một chút ngang tàng, có lần ông mang tiếng là người chống lệnh cấp trên!? Tù Tây nhưng cũng có lần suýt là... ta (xin khất bạn đọc những chuyện này vào một dịp khác). Hoà bình lập lại ông mới văn hoá lớp hai và một ít chữ Hán học từ nhỏ. Nhưng đáng nể thay sự khổ công học hành của ông bởi chỉ sau một thời gian ngắn ông đã là trung đoàn trưởng một trung đoàn pháo binh. Bảng bắn pháo binh của ông, như nhiều cán bộ quân sự nhận xét là một thứ độc đáo!

Một chiều chỗ phòng khách đang phảng phất thứ hương khói hồi trưa chưa tan hết, chúng tôi lại có dịp ngồi với ông. Hương khói từ bàn thờ đồng đội mà tướng Nguyễn Chuông lập trong nhà lâu nay. Xung quanh cái ban thờ thiêng này có lắm chuyện lạ mà ông nói đồng đội mình linh lắm. Đêm ấy có một bọn trộm vào bê mấy chậu cây cảnh quý cũng do đồng đội cũ tặng. Chậu thì chẳng nặng gì nhưng mấy thằng cứ chôn chân một chỗ cho chó cắn! Ông dậy thắp thêm tuần hương. Ba thằng trộm từ từ thả chậu xuống rồi lủi mất!

Bên ban thờ, bức thư pháp trang trọng buông xuống chùm thơ chữ Hán của Tào Mạt tả tướng Nguyễn Chuông Thập lục dĩ tòng ngũ/ Lục thập vị hoàn hương/ Bắc phong xuy bạch phát/Lục diệp tố thanh trang... (Mười sáu tuổi đã nhập ngũ/ Sáu mươi chửa về làng/ Gió bấc thổi tung mái tóc bạc/ Lá xanh che chở bộ quân phục xanh...).

Tôi ngắm lâu hơn cái câu đối do nhà thơ Hồ Khải Đại tặng Võ lược bạch đinh đăng võ tướng/ Văn chương đơn tự đáo văn nhân (Vốn binh nhì mà trở thành võ tướng/ Người ít chữ thế mà đã thành văn nhân) là để gẫm thêm cái nghị lực của vị tướng này. Ông đã biết vượt thoát sự lẹt đẹt về văn hoá để nhanh chóng thông thạo làm chủ những khái niệm phức tạp của người chỉ huy pháo binh trong đội hình phối thuộc của một sư đoàn, một mặt trận. Rồi không biết ông tìm đến văn chương thơ phú vào thời gian nào... Đường tới chân trời. (đoạt Giải Nhì trong cuộc vận động viết về đề tài nguời lính và chiến tranh cách mạng), Tim tôi thắp lửa, Dặm dài trên đất nước Triệu Voi là ba tập hồi ký khá bắt mắt bạn đọc bởi một thứ không đơn thuần chỉ có ngồn ngộn trận mạc với súng ống và sự kiện. Trên bàn ông đang run rẩy một tờ nhạc khúc hát Điện Biên của bà Thuý Nga, vợ nhạc sĩ Huy Thục vừa phổ thơ ông. Tôi thầm mong cuốn Trận đầu tiên và trận cuối cùng mà ông đang hoàn thành cũng có một số phận hanh thông như ba cuốn trước.

Mắt tôi dừng lâu hơn ở những dòng phác thảo cuối của chương về hồi ức Điện Biên... chép lại những dòng ký ức này, tôi không ngoài mục đích muốn tuyên dương những người bạn tù bất khuất của tôi ở Điện Biên. Mặt khác tôi cũng muốn Đảng, Nhà nước biết về họ. Qua những trang ký ức này, tôi muốn nhắn tìm anh em ai còn sống hãy đến với tôi. Nhà tôi ở phòng 204 nhà A2, khu tập thể Quân đội phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong không khí yên bình hôm nay, ta sẽ có nhiều thời gian để nói với nhau về Điện Biên về những bạn tù ngày ấy, nhiều cay đắng nhưng rất đỗi anh hùng...

Chuyện những người lính Điện Biên tìm đến ngôi nhà có bàn thờ đồng đội của tướng Nguyễn Chuông lại xin khất bạn đọc một dịp khác...

Tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở quê nhà Tam Nông, Phú Thọ, rồi qua nhiều trận đánh, chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn Nguyễn Chuông đã trở thành một tiểu đoàn trưởng của Đại Đoàn 312 dự trận Điện Biên Phủ.

Gần hai mươi năm sau, Nguyễn Chuông là sư đoàn trưởng Sư 312, Quân đoàn I tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh tan tác Sư đoàn 5 thiện chiến của quân đội Sài Gòn, khiến tướng chỉ huy là Lê Nguyên Vỹ phải tự vẫn tại trận Bình Dương.

Sau đó là ngược mạn Bắc, trấn giữ biên cương với cương vị sư đoàn trưởng, Tư lệnh phó Quân khu 2. Thông minh, quả cảm, quyết đoán và cả... nóng nảy, ngang tàng với không ít tài hoa, ông chuyển sang nghề viết lúc nào cũng chẳng biết...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG