Tai nạn giao thông là một trong những vấn đề nghiêm trọng của Ấn Độ, theo thống kê, mỗi năm Ấn Độ phải chứng kiến 150.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông và theo những báo cáo mới nhất thì khoảng 11.000 nạn nhân xấu số đã thiệt mạng trong những vụ tai nạn có liên quan tới việc chạy quá tốc độ.
Trong nỗ lực giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, Bộ Giao thông Ấn Độ đã vừa thử nghiệm một giải pháp khá lạ lùng, thu hút sự quan tâm của báo chí nhiều nước. Đó là sử dụng những vạch kẻ đường 3D đánh lừa thị giác, khiến những người “phóng nhanh vượt ẩu” sẽ bị bất ngờ và theo phản xạ, sẽ phải giảm tốc.
Ý tưởng này được thực hiện thử nghiệm ở thời điểm một vài tuần sau khi Ấn Độ quyết định gỡ bỏ tất cả những thanh chắn giảm tốc gắn trên đường để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Thực tế, Ấn Độ vốn là một trong những quốc gia có giao thông nguy hiểm nhất thế giới.
Những hình vẽ 3D này nhằm mục đích khuyến khích các lái xe giảm tốc độ một cách tự nhiên theo phản xạ. Tháng trước, Ấn Độ đã gỡ bỏ tất cả các thanh giảm tốc trên đường vì mặc dù được thực hiện với mục đích bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông, kỳ thực, những thanh giảm tốc lại khiến gia tăng những vụ tai nạn.
Thoạt tiên, những hình vẽ 3D sẽ chỉ được sử dụng thử nghiệm ở một số địa điểm có tính chất thăm dò. Nếu những hình vẽ này không gây nên bất cứ vấn đề nguy hiểm nào, nhà chức trách sẽ bắt đầu nhân rộng giải pháp.
Những hình vẽ 3D này được cho là sẽ khiến người tham gia giao thông giảm tốc độ, lại không gây ra những hệ lụy đi kèm như các thanh giảm tốc.
Từ tháng trước, Ấn Độ đã bắt đầu gỡ bỏ tất cả các thanh giảm tốc vì nó dễ gây ra những tình huống tai nạn giao thông. Thay vào đó, những bức vẽ 3D được thử nghiệm thay thế. Trong ảnh là một vạch kẻ đường 3D được thực hiện ở tại Kyrgyzstan (một quốc gia tại Trung Á).
Việc sử dụng những hình vẽ đánh lừa thị giác đã từng được sử dụng giao thông ở thành phố Philadelphia (Mỹ) hồi năm 2008, cũng nhằm mục đích kiềm chế những tay lái có xu hướng “phóng nhanh vượt ẩu”. Mục tiêu của những hình vẽ 3D kiểu này là đánh vào tâm lý người điều khiển giao thông, khiến họ tự động giảm tốc.
Một hình vẽ 3D được sử dụng ở Phố Giang, Chiết Giang, Trung Quốc.
Ở Ấn Độ, một số thành phố như Ahmedabad và Chennai đã bắt đầu sử dụng thử nghiệm vạch kẻ đường 3D. Tuy vậy, thử nghiệm này cũng đang phải đón nhận nhiều tranh cãi bởi người ta cho rằng khi các lái xe đều đã quen thuộc với các bức vẽ 3D, họ sẽ không còn bị bất ngờ và không còn giảm tốc độ xuống nữa.
Đó là chưa kể cách những bức tranh 3D này tác động lên não bộ của lái xe có thể khiến họ bị phân tán, nhiễu loạn vì những hình ảnh đánh lừa thị giác. Dù vậy, hiện tại, những vạch kẻ đường 3D được sử dụng thử nghiệm ở tại một số khu vực thường hay xảy ra tai nạn giao thông ở Ấn Độ đã cho thấy những tín hiệu tích cực.