Theo Reuters, bốn thập kỉ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Mỹ muốn tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng với Việt Nam. Chuyến thăm cũng gây nên cuộc tranh luận sôi nổi ở Washington về việc liệu ông Obama có dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội.
Trong khi đó, hãng tin danh tiếng của Anh cũng cho rằng chuyến thăm có thể chọc giận tới Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng đang lên cao trên Biển Đông.
Reuters dẫn lời ông Evan Medeiros, cựu cố vấn vấn đề châu Á của ông Obama cho biết: “Chuyến thăm gửi đi những tín hiệu quan trọng đến Trung Quốc về hoạt động của Mỹ trong khu vực và thể hiện rằng nước Mỹ rất quan tâm đến những hành vi của Bắc Kinh”.
Cũng theo Reuters, kể từ khi Mỹ- Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, đến nay thương mại song phương đã tăng đến 10 lần với con số khoảng 45 tỷ USD. Trong số những nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, điển hình là hàng dệt may và điện tử.
“Nâng cấp” quan hệ
Washington mong muốn Việt Nam mở cửa hơn nữa về kinh tế và quân sự, trong đó có việc tăng số chuyến thăm của chiến hạm Mỹ và cho phép chúng cập cảng Cam Ranh, vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất khu vực.
Ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết: “Những gì chúng tôi muốn chứng minh trong chuyến thăm này là sự nâng cấp đáng kể trong mối quan hệ… ngay cả khi chúng tôi có những khác biệt”.
Cũng theo Reuters, một phần quan trọng trong chuyến thăm của ông Obama mà thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định được coi là một trong những nỗ lực “xoay trục châu Á” của Mỹ. Kinh tế Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ TPP.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam sẽ tăng tới 10% cho đến năm 2030, đặc biệt ngành dệt may vốn là thế mạnh của Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn do được đánh thuế thấp hơn.