Những ngày qua, khu chạy thận nhân tạo đặc biệt của Bệnh viện Lê Văn Thịnhvới 10 máy chạy thận luôn hoạt động hết công suất phục vụ nhu cầu cấp bách của các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nhưng phải cách ly y tế bởi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Chị N.T.N (27 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM) bị suy thận giai đoạn cuối hơn 3 năm nay. Chị cho biết, hàng tuần phải lọc máu định kỳ vào các ngày thứ 2, 4, 6. Tuy nhiên, tuần trước khu nhà chị ở bị phong tỏa do có trường hợp mắc COVID-19 cư ngụ. Chị đã liên lạc đến bệnh viện trước đó thường đến chạy thận nhưng không được tiếp nhận khiến chị phải bỏ lọc máu hai lần. Việc không được lọc máu định kỳ khiến chị N. bị phù nề, sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Quá lo lắng, chị N. gọi điện đến các bệnh viện hỏi thăm thông tin thì được giới thiệu đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh vì ở đây có khu chạy thận dành cho người đang cách ly, có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. “Giờ thì tôi khỏe hơn nhiều rồi, không còn chóng mặt, buồn nôn, phù người nữa”, chị N. chia sẻ khi vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh.
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM diễn biến phức tạp khiến số lượng khu dân cư bị phong tỏa, cách ly đã lên hơn 350 điểm với hàng chục nghìn người. Điều này khiến những người người bị bệnh mãn tính như suy thận gặp không ít khó khăn bởi việc điều trị không được phép dừng lại.
Không bệnh nhân nào bị bỏ rơi
BSCK2 Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, những ngày qua bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở các điểm phong tỏa, cách ly tại TPHCM hầu như không có điều kiện lọc thận nên tình trạng sức khỏe rất xấu. Đa số bệnh nhân đến chạy thận tại khu cách ly của bệnh viện đều có chỉ số ure khá cao, có những bệnh nhân đã phù người, phù phổi nguy cơ tử vong rất cao.
Theo bác sĩ Thanh, bệnh nhân chạy thận nhân tạo được xếp vào nhóm suy giảm miễn dịch, chỉ cần bỏ chạy thận một vài lần sẽ có nguy cơ dẫn đến dư dịch, phù phổi, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, hoặc hội chứng ure huyết cao sẽ gây ngưng tim hoặc đột tử. “Mới đây chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân do bỏ lọc máu một tuần nên chỉ số ure máu rất cao, bệnh nhân đã có biểu hiện phù phổi. Nếu chậm vài giờ nữa có khả năng tử vong”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Bác sĩ Phan Văn Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân cũng như đòi hỏi phải có một nơi điều trị đảm bảo không có sự lây lan dịch bệnh nên bệnh viện triển khai khu chạy thận cho người đang cách ly. Tại đây, việc tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân và điều trị đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch COVID-19, y bác sĩ, bệnh nhân đều được trang bị đồ bảo hộ, các lối đi được tách biệt. Việc ra đời khu chạy thận trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát khắp nơi là rất kịp thời, vừa giúp bệnh nhân đảm bảo sức khỏe, duy trì sự sống, vừa an toàn cho cộng đồng.
Hiện tại, khu chạy thận của Bệnh viện Lê Văn Thịnh có khoảng 35 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ 3 ngày/tuần. Tất cả bệnh nhân đều thuộc đối tượng F2, F3, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm COVID-19.