“Gặp lại” cựu Chánh văn phòng PVC
Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an) dưới chân dãy Tam Đảo là nơi thi hành án của khoảng 4.000 phạm nhân. Khi chúng tôi tới thăm phân trại số 1, hơn 100 con người ở đây đang tổ chức cuộc thi viết cảm nhận và kể chuyện về sách. Trung tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, dù tổ chức trong thời gian ngắn nhưng các phạm nhân được tập thể giao nhiệm vụ đã cố gắng hoàn thiện bài thi. Thậm chí, có những bài cảm nhận về sách rất xúc động.
“Tôi thấy cuộc đời mình tuy phải trải qua những gian truân nhưng nếu mình có ý chí, có niềm tin, có hy vọng thì cuối cùng, mọi điều tốt đẹp sẽ lại đến với mình” - đây là cảm nhận của phạm nhân Bùi Mạnh Hiển sau khi đọc cuốn “Dù thế nào cũng phải sống vì chúng ta chỉ sống một lần”. Kết thúc phần trình bày, ông Hiển tặng các phạm nhân khác câu kệ: “Đừng đuổi theo quá khứ, đừng đánh mất mình trong tương lai…”.
Ông Hiển nguyên là Chánh Văn phòng Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) dưới quyền Trịnh Xuân Thanh. Tháng 4/2018, phạm nhân này nhận án 10 năm tù về tội tham ô tài sản và “nhập trại” 2 tháng sau đó. Ông Hiển đã quên việc gặp phóng viên ở tòa án nhưng giải thích, thời gian đó tinh thần không ổn định.
Tươi cười, ông Hiển khoe điều kiện ở đây tốt hơn nhiều so với trại tạm giam, đặc biệt là về khí hậu, nguồn nước ở Tam Đảo và sự thân thiện của mọi người. “Mới lên, tôi được cán bộ giúp đỡ nhiều. Mọi người ở cùng buồng thấy tôi cũng hỏi thăm, mời vào ăn chung, chia cho tôi đồ dùng sinh hoạt, quần áo… Những thứ đó tuy rất nhỏ ở bên ngoài nhưng tôi thấy thoải mái, như được tiếp thêm động lực cải tạo” - ông Hiển nói.
Mong muốn Trịnh Xuân Thanh cải tạo tốt
Ông Hiển cũng nhắc nhiều tới các cấp trên của mình, bác bỏ một vài đồn đại về Trịnh Xuân Thanh lúc nào cũng có tiền tỷ trong cốp xe. Ông Hiển khẳng định, không hề oán giận cấp trên, chỉ mong tất cả cùng an tâm tư tưởng, giữ gìn sức khỏe để cải tạo tốt. Trải lòng về nguyên nhân phạm tội, bị án này cho rằng: “Các quy định của pháp luật cơ bản đầy đủ nhưng những người được giao nhiệm vụ đôi khi không nắm hết… Tôi được cấp trên bảo cầm hộ tiền của người khác đưa, tôi nghĩ trong trường hợp đó tôi hay bất cứ ai cũng sẽ cầm”.
Kết thúc câu chuyện, phóng viên hỏi bài học nào được rút ra từ chính cuộc đời của phạm nhân? Ông Bùi Mạnh Hiển đáp: “Làm việc phải thận trọng”.
Một phạm nhân khác, anh Tạ Xuân Lành (SN 1986, ở Bắc Ninh) rất vui khi chia sẻ với phóng viên sang năm anh được ra tù. Hồi còn trẻ, phạm nhân này đánh bạc thua, sợ bố mẹ biết nên giết người, cướp lại tiền đã mất và phải lĩnh án về 2 tội danh. Thời gian cải tạo, anh Lành rất vui khi được giao việc phụ bếp, nấu ăn cho các phạm nhân khác. Theo anh, đây không phải là công việc nhẹ nhàng nhưng anh có một chút đam mê nấu nướng nên thấy thích hợp.
Nói về dự định khi ra tù, nam phạm nhân nói sẽ về nhà cùng làm nghề thủ công với bố mẹ và lấy vợ, lập gia đình.
Gọi quản giáo bằng “thầy”
14h chiều, cánh cửa khu giam giữ mở ra, các phạm nhân xếp thành hai hàng đi dọc, đi đều bước ra khu lao động. Trung tá Lâm Văn Lợi đưa phóng viên vào xưởng may bao bì nơi hàng chục phạm nhân đang làm việc. Khu xưởng ông Lợi quản lý nằm cạnh trạm y tế, nơi nhiều phạm nhân đang được chăm sóc, chữa trị và có nhiều người mang trong mình căn bệnh nguy hiểm như lao, HIV… Trung tá Lợi cho biết, các phạm nhân tại đây được thăm khám, cấp thuốc khi ốm đau và được chuyển tới bệnh viện tuyến trên để điều trị khi cần.
Ông Lợi đã làm việc ở Vĩnh Quang từ năm 1992 và từng tiếp xúc với nhiều phạm nhân thuộc hàng “bất trị”, những người nhận án chung thân hoặc mắc bệnh hiểm nghèo… Theo vị quản giáo, mỗi khi gặp phạm nhân như vậy, ông phải rất vất vả để tìm hiểu, nói chuyện và cảm thông với họ.
Trung tá Lợi lấy ví dụ, ông từng gặp phạm nhân Đại Văn Đức - người phạm 3 tội trộm cắp, cướp giật và trốn khỏi nơi giam giữ. Ở Vĩnh Quang, phạm nhân này liên tục chống đối, không chịu lao động, thường chứa vật cấm và đánh các phạm nhân khác… bất chấp hình phạt. Ông Lợi và các đồng đội phải thay nhau hỏi thăm, động viên và khi chiếm được cảm tình, phạm nhân đã tự động chấp hành các nội quy.
Theo trung tá Lợi, không phải lúc nào những hình thức kỷ luật cũng phát huy tác dụng, việc cải tạo các phạm nhân đôi khi cần cái tâm của người quản giáo nên các phạm nhân ở đây thường gọi họ bằng “thầy”. Tươi cười, vị trung tá cho biết ông vừa được một cựu phạm nhân về nhà riêng thăm, cám ơn người “thầy” đã giúp mình làm lại cuộc đời.
Những phạm nhân... không muốn ra tù
Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân ở Vĩnh Quang cũng đối mặt không ít khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, ở Vĩnh Quang có 69 phạm nhân vi phạm nội quy, chủ yếu là chứa vật cấm, đánh bạc, đánh nhau… Đơn cử, tại phân trại số 3, một số phạm nhân tổ chức đánh bạc bằng cách bốc hạt cườm, đếm chẵn lẻ; người thua phải cắt đồ dùng mua tại căng tin. Lực lượng chức năng đã kịp thời làm rõ, xử lý 9 phạm nhân về việc này.
Ngoài ra, nhiều phạm nhân khi nhập trại đã tìm sơ hở của cán bộ để móc nối, đưa điện thoại di động, ma túy vào trại buộc các cán bộ phải tăng cường quản lý, cảnh giác. Đa phần họ là những người hung hãn, nhiều tiền án và có tư tưởng chống đối. Ngay cả các phạm nhân gần “mãn hạn” cũng vi phạm nội quy của trại.
Một quản giáo kể, từng có phạm nhân vài hôm sau được ra trại nhưng vẫn tự “vượt ngục”. Phạm nhân này trốn ở gần trại một thời gian ngắn, đủ để phía cán bộ lập hồ sơ về sự việc sau đó tự lộ diện cho bắt giữ với mục đích được… ở lại trong tù.
Theo quản giáo này, nhiều trường hợp phạm nhân muốn ở lại trại giam, thường là những người không có gia đình hoặc mặc cảm về tội lỗi của mình nên không biết đi đâu, hòa nhập ra sao với xã hội. Cũng có thể đó là các phạm nhân có mâu thuẫn với các đối tượng xã hội nên sợ bị “thanh toán” khi ra ngoài… Vì vậy, các cán bộ ở đây luôn phải sẵn sàng các phương án bảo vệ, ngăn chặn những ai có ý định chạy trốn.
Theo trung tá Lợi, không phải lúc nào những hình thức kỷ luật cũng phát huy tác dụng, việc cải tạo các phạm nhân đôi khi cần cái tâm của người quản giáo nên các phạm nhân ở đây thường gọi họ bằng “thầy”.