Xây dựng lực lượng công an tinh gọn, gắn bó chặt chẽ với nhân dân

Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự CAND. Ảnh Báo CAND
Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự CAND. Ảnh Báo CAND
TPO - Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu cần tập trung xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng công an nhân dân tinh gọn, hiệu quả, trọng dân, gần dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.

Sáng 15/8, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự. Đây là bài học có nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam, là cơ sở để xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an đã có nhiều nỗ lực, vượt lên khó khăn, gian khổ, kiên trì bám dân, bám cơ sở, năng động, sáng tạo, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, phong trào đã có bước phát triển mới, sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành các hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta với những phương thức, thủ đoạn mới thâm độc, tinh vi, xảo quyệt hơn.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mài sắc ý chí chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.

Hơn lúc nào hết, lực lượng Công an nhân dân, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường cần tiếp tục thấm nhuần sâu sắc quan điểm “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”; xác định rõ xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn; gắn kết, hòa nhập và cùng phát triển với các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể phát động.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu cần tập trung xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng Công an nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng dân, gần dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, làm tốt vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân…

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.