Chuyện những ca khúc gây ồn ào

TPO - Thời gian qua có nhiều ý kiến xoay quanh hai ca khúc Con đường xưa và Màu hoa đỏ. Câu chuyện khiến nhiều nhạc sĩ, nhà văn hóa lên tiếng, cũng như các Bộ, Sở vào cuộc.

Cách đây không lâu, hồi đầu tháng 3/2017, ca khúc "Con đường xưa em đi" khiến dư luận xôn xao khi bị”tuýt còi”. Cụ thể, “Con đường xưa em đi” là một trong 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm dừng lưu hành. Đó là: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh – Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An) và “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Quyết định trên xuất phát từ công văn của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn vào ngày 16/12/2016 về việc xem xét nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến.

Chuyện những ca khúc gây ồn ào ảnh 1

Lúc bấy giờ, không ít tranh cãi nổ ra xoay quanh “Con đường xưa em đi”. Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: Việc tạm dừng 5 ca khúc trên là đúng và dễ hiểu. “Đó là những ca khúc ca ngợi người lính trong chế độ trước năm 1975 - chế độ đã không còn hiện diện. Bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có những chính sách, những biện pháp và công cụ để bảo vệ sự tồn tại của mình”. Đồng thời ông khẳng định, tạm dừng 5 ca khúc chẳng thiệt thòi gì cho nền nghệ thuật. “Bolero có hàng nghìn ca khúc, phần lớn đều khá giống nhau (…). Các nghệ sỹ không hát bài này thì hát bài khác, không có vấn đề gì ở đây cả”.

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Lưu bày tỏ quan ngại: “Riêng đối với 5 ca khúc trên tôi thấy có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng. “Con đường xưa anh đi” là con đường nào?”… Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng hay không, hay cái kia mới đúng”.

Tuy nhiên, những ý kiến này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ những người yêu nhạc. Trong giới chuyên môn, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét: “Bác Nguyễn Lưu hơi quá quan điểm. Nếu theo quan điểm như vậy thì bài nào cũng luận được”. Ông Biên nhấn mạnh: “Nếu suy diễn thế thì cái gì cũng suy diễn được. Nhiều khi người ta rất muốn về Việt Nam cũng ái ngại. Chúng ta nên cởi mở, không quên quá khứ nhưng không thù dai, vẫn giữ lập trường, quan điểm, nhớ những gì cần nhớ nhưng nên đại lượng mới thu hút được tài năng về Việt Nam”.

Dù tranh cãi thế nào, ca khúc này hiện vẫn xuất hiện trên một số trang nhạc online, và quán karaoke. Và đây là nơi không dễ để kiểm soát vì quá nhiều điểm kinh doanh. Gần nhất là câu chuyện liên quan tới "Màu hoa đỏ" cũng khởi nguồn từ việc kiểm tra thực tế các cơ sở karaoke. 

Chuyện những ca khúc gây ồn ào ảnh 2

Ca khúc "Màu hoa đỏ" được nhiều ca sĩ Việt thể hiện rất thành công trong đó có Thanh Lam.

Ồn ào bắt nguồn từ công văn ra ngày 7/2 của Sở VHTTDL Tiền Giang về việc không được phép lưu hành và cấm phổ biến 354 ca khúc, trong đó có "Màu hoa đỏ".

Sở VHTTDL Tiền Giang nêu rõ: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin nói rõ thêm ca khúc “Màu hoa đỏ” của tác giả Thuận Yến là một ca khúc cách mạng nổi tiếng đương nhiên được phép lưu hành, phổ biến, không nằm trong danh mục những tác phẩm âm nhạc phải được cấp phép lưu hành phổ biến của Cục biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên qua thực tế kiểm tra tại các cơ sở Karaoke thì ca khúc “Màu hoa đỏ” đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn…”.

Dù với lý do gì, công văn “cấm phổ biến, lưu hành” ca khúc “Màu hoa đỏ” cũng tạo sóng dư luận. Nhiều khán giả phản đối cũng như bày tỏ quan điểm gay gắt về quyết định này của tỉnh Tiền Giang. Với cơ quan quản lý, ngay trong ngày 24/3, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ký công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang yêu cầu báo cáo trước ngày 26/3 về trường hợp ca khúc Màu hoa đỏ.

Đến ngày 26/3, Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang đã ra văn bản yêu cầu phòng Văn hoá thông tin các huyện, thành phố và thị xã trong tỉnh thu hồi khẩn cấp 2 công văn có liên quan đến việc cấm ca khúc “Màu hoa đỏ”. Việc thu hồi các văn bản vi phạm phải hoàn tất trong ngày 27/3.

Không riêng “Màu hoa đỏ” hay “Con đường xưa em đi” nhiều ca khúc từng rơi vào hoàn cảnh cho phép phổ biến rồi lại thu hồi như: “Ai biểu anh làm thinh” (Trầm Tử Thiêng), “Tàu đêm năm cũ” (Trúc Phương)… Thậm chí có những ca khúc cho phép rồi rút lại, nay lại cho như: “Chuyến tàu hoàng hôn” (Minh Kỳ), “Ly rượu mừng” (Phạm Đình Chương), “Còn chút gì để nhớ” ( Phạm Duy - thơ: Vũ Hữu Định)…

MỚI - NÓNG