Chuyện miền biên viễn: Nghĩa tình biên cương

TP - Dệt thêu bức tranh tươi đẹp tại những dải đất biên cương còn nhiều khó khăn, những người lính quân hàm xanh, ngày đêm góp sức đổi thay diện mạo thôn, buôn làng thêm khởi sắc. Họ củng cố lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho bà con nơi vùng biên này.

Cờ Tổ quốc thắm đỏ vùng biên

Trên cung đường xuyên rừng khộp, chúng tôi đi giữa mùa thay lá, cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng. Nhiều người trong đoàn thốt lên, cần gì phải qua tận Châu Âu, những người yêu “mùa thu vàng” có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc lãng mạn và quyến rũ ở khu rừng khộp vào mùa khô Tây Nguyên.

Mỗi năm, rừng khộp Tây Nguyên có hai lần thay áo. Lần thứ nhất khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống khắp cánh rừng, mầm non đâm chồi. Lần thứ hai, khi rừng khộp bước vào mùa thay lá, đây là mùa đẹp nhất. Mùa này, những chiếc lá rơi trong khu rừng đang đổi sắc và cây cỏ ở tầng dưới khô lại...giữa không gian hoang vắng, tĩnh mịch đem đến cảm giác ma mị khi dạo bước trong rừng. Nhiếp ảnh gia của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk say sưa bấm máy. “Từ lâu, vẻ đẹp của rừng khộp đã trở thành niềm cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo”, anh cho biết.

Tọa lạc trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn, Buôn Drang Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) yên bình với những mùa gieo gặt. Ông Y Tê Bkrông, Bí thư chi bộ buôn Đrăng Phôk chia sẻ, cuộc sống kinh tế bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Buôn có gần 140 hộ với hơn 500 khẩu, trong đó 86% là người dân tộc thiểu số, nhưng người dân trong buôn luôn chung tay giữ gìn khuôn viên buôn làng khang trang, sạch đẹp.

Trước cổng những ngôi nhà sàn, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Ông Y Tê cho biết, những lá cờ Tổ quốc này được các đơn vị trao tặng thay thế cho lá cờ cũ đã bạc màu. Ngày thường, dân làng bảo quản những lá cờ của gia đình, đến ngày trọng đại mới mang ra treo. Ở đây, những lá cờ đỏ thắm được treo thường xuyên tại nhà cộng đồng buôn. Đây là cách tuyên truyền lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Trên hiên ngôi nhà sàn dài, cây tre thẳng tắp được chị H Bố Mlô (buôn Drang Phôk, xã Krông Na) gọt đẽo cẩn thận. Chị H Bố cho biết, nhiều năm qua, treo cờ Tổ quốc đã trở thành việc làm thường xuyên của các gia đình trong buôn. Mỗi gia đình thường vào rừng chọn những cây tre thật dài và thẳng về làm cán cờ treo trước nhà một cách trang trọng. Mỗi khi được nhận cờ, mọi người cảm nhận ý nghĩa, niềm tự hào của những cư dân được giao trọng trách là phên dậu của Tổ quốc.

Chuyện miền biên viễn: Nghĩa tình biên cương ảnh 1

Người dân các huyện vùng biên giới giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống.

Hơn 150 lá cờ Tổ quốc mà bà con ở buôn vùng lõi rừng này nâng niu, là món quà của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng và Tỉnh Đoàn Đắk Lắk trao tặng. Theo thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên Phó đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, việc hai đơn vị Tỉnh Đoàn tặng cờ cho bà con là hình ảnh đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc giúp cho bà con trên địa bàn củng cố lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cùng các cán bộ chiến sĩ biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, anh Y Lê Pas Tơr chia sẻ: “Đây là việc làm thiết thực vừa động viên các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng giữ biên cương Tổ quốc và người dân đóng chân trên địa bàn tiếp tục vững tin, an tâm công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Cũng là dịp để chúng tôi giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho đoàn viên thanh niên. Qua đó thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia”.

Giữ gìn bản sắc

Ấn tượng ở vùng biên giới khô khốc là những luống rau xanh ngắt được các chiến sĩ biên phòng chăm sóc. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh khu vực biên giới, tranh thủ thời gian, cán bộ chiến sĩ chủ động tăng gia sản xuất để cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày. Qua bàn tay khéo léo chăm bón, những mảnh vườn xanh ngát với nhiều loại rau, củ, quả. Bên cạnh trồng rau xanh, các chiến sĩ còn tăng cường nuôi heo, gà.

Chúng tôi đến xã Ia Lốp, huyện biên giới Ea Súp vào đúng dịp tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân. Tại ngày hội, nhiều chiến sĩ bộ đội biên phòng hòa mình vào các trò chơi cùng bà con dân tộc Thái. Nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái được lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn trên mảnh đất này.

Chuyện miền biên viễn: Nghĩa tình biên cương ảnh 2

Rừng khộp Tây Nguyên mùa khô.

Bê đĩa xôi ngũ sắc bắt mắt vẫn còn phả khói, bà Lang Thị Hương cho biết, người Thái còn giữ nhiều bí quyết làm những món ẩm thực với các loại gia vị truyền thống. Giữa không gian khoáng đạt của núi rừng Tây Nguyên họ thích thú và phấn khởi khi được vui chơi những trò chơi đặc sắc của dân tộc mình như kéo co, đẩy gậy; tổ chức nhảy sạp, ném còn, khua luống.

Những năm qua, UBND xã phối hợp với Đồn Biên phòng Ea H’leo và các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình về an ninh trật tự như: Mô hình “tuổi trẻ với pháp luật”, “tiếng mõ an ninh”, “tiếng kẻng dân phòng”, CLB phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới..., xây dựng 12 Tổ tự quản an ninh trật tự ở 12 thôn khu vực biên giới… xây dựng mới các mô hình giúp dân phát triển kinh tế.

“Trong dòng chảy của đời sống hiện đại, bản sắc văn hóa, của đồng bào ít nhiều bị mai một. Những năm qua, ngoài chăm lo phát triển kinh tế cho bà con, các cấp ngành, cùng chiến sĩ biên phòng quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần để khích lệ người dân thêm yêu quê hương, đất nước, tránh xa tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục, các phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; An ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường”, bà Lang Thị Hương chia sẻ.

Xã Ia Lốp là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Xã có 15 dân tộc cùng sinh sống tại 12 thôn trên địa bàn. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đồn Biên phòng Ea H’Leo đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng bà con vùng biên đúng nghĩa tình “cá nước”.

Tin liên quan