Chuyện ly kỳ về cặp “linh vật” chặn tai ương ở Hà Nội

Cặp thạch khuyển cứ sừng sững như “đứng gác” ở đầu làng cùng những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc xung quanh khiến người dân địa phương luôn coi như là một linh vật có khả năng ngăn chặn tai ương, xua đuổi những điều xấu xa không cho xâm nhập vào làng.

Cụ Duyên và cặp chó đá ở cổng làng Thượng.

Cụ Duyên và cặp chó đá ở cổng làng Thượng.

Cặp “thạch khuyển” kỳ lạ

Nếu ai đã từng đi qua tỉnh lộ 429 đoạn qua đầu làng Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đều không khỏi tò mò về gốc tích và ý nghĩa của cặp chó đá được đặt ngay bên đường. Theo cụ Kim Văn Duyên (81 tuổi) – thủ từ đình làng Thượng cho biết, cặp chó đá này được một vị quan đặt làm từ tận trong Thanh Hóa rồi ra hiến tặng để ở đình làng cách đây đã hơn 300 năm.

Quan sát kỹ cặp chó đá sẽ thấy mỗi con cao khoảng 90cm, nặng khoảng hơn 300kg và được chạm, khắc từ đá xanh nguyên khối. Đánh giá của ban văn hóa chính quyền địa phương cho biết thì đây là một cổ vật có giá trị văn hóa độc đáo với lối kiến trúc, điêu khắc từ thời Lê.

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, trước đây cặp chó đá này được chạm khắc hết sức công phu với đầy đủ các hoa văn rất tinh xảo như đuôi, mắt, tai, … Nhưng qua thời gian, nhiều chỗ đã bị sứt vỡ, hư hại. Không chỉ bị thời gian bào mòn mà cặp chó đá này còn bị phá hoại nhiều lần bởi giặc giã.

Nhiều người trong làng vẫn kể lại câu chuyện vào khoảng tháng 4/1950, khi giặc Pháp kéo về chiếm đóng tại đồn Ba Thá, vị trí cách làng không xa nên chúng thường xuyên dùng pháo bắn vào làng và đi càn quét, đốt phá nhằm ngăn chặn lực lượng du kích tại địa phương. Trong một lần đi càn, một tên lính Pháp khi nhìn thấy cặp chó đá đứng chình ình ngay đầu làng đã giương súng bắn nhiều phát và làm hư hỏng nặng phần đầu của một trong hai con.

Một cao niên trong làng cho biết, ngày trước cặp chó đá được đặt trước lối vào đình làng ở ngoài đê, sau khi đình chuyển vào trong làng thì cặp chó đá cũng được đem theo và chỉ mới được đem ra đặt ở đầu làng khoảng vài chục năm về trước trong một biến cố như để trấn giữ và bảo vệ người dân trong làng.

Đó là vào khoảng đầu năm 1946, chính phủ cách mạng lâm thời khi đó có sơ tán một kho tàng bí mật về cất giữ tại làng. Biết được tin đó nên đến tháng 3/1946, một toán cướp ở nơi khác đã đánh xe kéo về làng với ý định cướp kho tàng đem đi. Khi đó, lực lượng bảo vệ kho do yếu thế hơn so với đám cướp vừa đông vừa hung hãn lại được vũ trang đầy đủ nên đã đánh kẻng báo động.

Nghe tiếng kẻng báo động vang lên, dân làng đã ồ ạt kéo vũ khí kéo ra đầu làng bao vây, tấn công lại toán cướp, đồng thời huy động người khiêng cặp chó đá lên đặt trên đường ngay trước chiếc xe và thiết lập hàng loạt chướng ngại vật khác nhằm ngăn cản không cho toán cướp tháo chạy đem theo kho tàng của chính phủ cách mạng khi đó.

“Sau khi bảo vệ thành công kho tàng của chính phủ lâm thời khi đó khỏi tay bọn cướp, nhận thấy rằng ở đầu làng đồng thời cũng là đầu xã cần phải có vật gì trấn giữ nên người dân đã thống nhất để luôn cặp chó đá từ đó đến nay” – cụ Trần Văn Biên (78 tuổi) – Hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Viên Nội cho biết.

Những câu chuyện truyền miệng ly kỳ

Những tưởng chỉ là vật vô tri, vô giác nhưng xung quanh cặp chó đá này, người dân đồn đại nhiều chuyện ly kỳ, bí ẩn như chúng có khả năng ngăn chặn tai ương, xua đuổi tà ma không cho xâm nhập vào làng. Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây thì kỳ lạ nhất chính là chuyện cặp chó đá này dù bị trộm lấy đi nhưng vẫn tự biết đường “quay về”.

Chuyện ly kỳ về cặp “linh vật” chặn tai ương ở Hà Nội ảnh 2

Cặp “linh vật” ở làng Thượng đã chứng kiến biết bao câu chuyện về việc dựng làng và giữ làng ở vùng đất này.

Cụ Nguyễn Thị Hạ (78 tuổi) người thôn Thượng cho biết, vụ mất trộm xảy ra cách đây đã khá lâu nhưng đến giờ nhiều người vẫn nhớ như in. Đó là vào khoảng đầu tháng 3/2006, lợi dụng đêm tối, kẻ gian đã táo tợn đánh hẳn xe ôtô về làng hì hục đào bới rồi khuân một con chó đá của làng mang đi.

Sáng hôm sau, một người dân đi chợ sớm trong làng đã hốt hoảng khi thấy con chó đá nằm phía bên phải của làng đã “không cánh mà bay”. Tin động trời ấy chẳng mấy chốc lan khắp cả làng trên xóm dưới vì xưa nay chuyện như vậy chưa từng xảy ra.

Vụ việc nhanh chóng được báo lên chính quyền và địa phương cũng đã cử người bủa đi khắp nơi truy tìm nhưng tất cả mọi nỗ lực tìm kiếm đều không đem lại kết quả khiến nhiều người trong làng đinh ninh rằng con chó đá vừa có giá trị tâm linh, lại vừa là cổ vật của làng mình đã mất hẳn nên rất tiếc.

Bẵng đi khoảng gần một năm sau, có người lấy chồng ở tận huyện bên khi về làng chơi, nghe mọi người kể lại chuyện làng bị “mất trộm chó đá” thì giật mình cho biết, ở xã bên cạnh nơi chị đang ở có gia đình trưng một con chó đá khá giống của làng. Nghe tin này, các cụ bô lão trong làng liền tất tả tới nơi để xem và nhận ra đó đúng là con chó đá mà làng bị mất cách đó ít lâu.

Theo người chủ của con chó đá đó cho biết, vì thấy con chó đá đẹp nên ông đã bỏ ra một số tiền khá lớn để mua lại từ một nhóm người lạ mặt để đem về trưng tại nhà. Sau này, nhiều người trong làng kể lại rằng khi người chủ đã mua lại con chó đá đó đem về, trong gia đình liên tục xảy ra những chuyện lục đục không hay, việc làm ăn buôn bán cũng gặp nhiều trắc trở và những điều đó là do “cụ” chó đá trừng phạt nên khi thấy có người đến nhận đã làm lễ dâng lên đình và thông báo với chính quyền địa phương xin được đem trả lại chó đá cho làng.

Sau khi hoàn thành việc đưa chó đá về vị trí cũ, mọi chuyện trong gia đình người này đã êm ấm trở lại, việc làm ăn buôn bán cũng thuận lợi hơn.

Chuyện ly kỳ về cặp chó đá vẫn chưa hết, cách đây vài năm, khi tuyến đường 429 được nâng cấp và cải tạo, đoạn đường gần nơi cặp chó đá “án ngự” thường xuyên xảy ra những vụ ngã xe rất kỳ lạ.

Đặc biệt có hai thanh niên khi đi đến đoạn đường ngay phía trước cặp chó đá thì không may bị ngã xe tử vong, khi xem tuổi mọi người đều bất ngờ vì cả hai thanh niên trên đều tuổi Tuất nên nhiều người đồn đoán cho rằng vì cùng tuổi, “hợp vía” nên hai thanh niên kia đã bị hai “cụ” chó đá “rước đi”. Từ đó, vào những ngày lễ, ngày Tết, mỗi khi đi qua đoạn đường này, có người dừng lại thắp hương, cắm hoa trước hai “cụ” chó đá để khấn cầu.

Cứ thế, những câu chuyện truyền từ miệng người này qua miệng người khác chẳng biết đúng sai thế nào nhưng mỗi người lại thêm thắt vào một vài tình tiết trong việc trở về của “thạch khuyển” và cái chết của hai thanh niên kia lại càng khiến nhiều người tin vào sự linh thiêng của cặp chó đá.

Tuy nhiên, lý giải về những chuyện ly kỳ xung quanh cặp “linh vật” của địa phương, cụ Trần Văn Biên cho rằng việc con chó đá sau khi bị mất trộm rồi người mua phải đem trả lại là có thật, nhưng việc đó hoàn toàn không có gì là kỳ lạ, bí ẩn cả bởi người chủ đó đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn lại phải vô tình mua phải đồ ăn trộm mà có. “Khi biết và lại có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cặp chó đá bị mất nữa thì chả ai muốn giữ lại làm gì vì như thế là tiêu thụ đồ gian, dễ dính dáng tới pháp luật nên họ đem trả lại là chuyện dễ hiểu”, cụ Biên lý giải.

Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Viên Nội, riêng đối với những vụ ngã xe và cái chết của hai thanh niên ngay cạnh nơi đặt cặp chó đá chẳng qua chỉ là sự ngẫu nhiên. “Đoạn đê này trước đây đường xấu, toàn đá sỏi rất khó đi nhưng sau khi trải nhựa, nâng cấp thành đường tỉnh lộ 429, đường đẹp hơn và tình trạng nhiều thanh niên phóng nhanh vượt ẩu, gặp đoạn đường cua ngay khi đầu làng, lại không chú ý nên bị lạc tay lái, tai nạn xảy ra là điều dễ hiểu” – ông Huân cho biết.

Theo Theo petrotimes.vn
MỚI - NÓNG