Chuyện làng Biện Thượng

Phục dựng Phủ Trịnh Vĩnh Hùng
Phục dựng Phủ Trịnh Vĩnh Hùng
TP - Tôi lại về quê. Làng quê có cái tên Bồng Báo. Trong vở chèo cổ khuyết danh Quan Âm Thị Kính có câu ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo chỉ cái vùng đất ấy khéo rèn cặp kể cả người hư hỏng. Ngồi bên tôi trên xe là hai người cùng làng…

Làng Báo nay có tên là xã Vĩnh Hùng (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) Tên cổ làng Báo Vĩnh Hùng là Biện Thượng, nơi sinh chúa tiên khởi Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, có Phủ Trịnh nơi thờ Chúa Trịnh Kiểm và 11 vị chúa từ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng đến Án Đô Vương Trịnh Bồng.

Làng có đền thờ Quận công Hoàng Đình Ái. Có Nghè Vẹt thờ ngài Trịnh Ra linh thiêng mà các đời vua Lý đến vua Trần rồi Lê Lợi sau này mỗi bận đi đánh giặc hay bình phương Nam đều ghé qua, tế lễ.

Cả ba nơi đều được Nhà nước cấp bằng chứng nhận Di tích lịch sử.  Vĩnh Hùng có núi Hùng Lĩnh, nơi dấy binh của nghĩa quân Tống Duy Tân. Một xã mà có tới ba di tích Lịch sử Quốc gia lại kề gần (cách 8km) với Di sản thế giới  Thành Nhà Hồ, và các di tích khác như Đàn tế giao, Động Hồ Công, Đền Trần Khát Chân…

Đận này về thăm quê cũng là để chia vui với Vĩnh Hùng được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới. Và nữa, dự Hội rước nước, một tục đẹp có từ thượng cổ ở vùng này.

Quây tụ giữa những người con quê nhà nay giữ trọng trách quản trị có các ông Lê Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã, ông Trần Trọng Kim, Chủ tịch, ông Hoàng Đạt Nghị Chủ tịch MTTQ… Ông Hải Bí thư hướng cái nhìn ấm áp về các vị khách vừa mới xuống xe. Rằng các chỉ tiêu kinh tế xã hội Vĩnh Hùng đều hoàn thành hoàn thành vượt mức. Đời sống của gần 10 ngàn dân ở 13 thôn thu nhập bình quân năm 2017 đạt 29,2 triệu đồng/ người/năm. Năm 2018 đạt 34,2 triệu tuy còn thấp nhưng số hộ nghèo giảm chỉ còn 3,09% là một bước tiến mới. Nói để các anh mừng, Vĩnh Hùng vừa xây dựng xong nhà văn hóa đa năng đạt chuẩn với tổng diện tích hơn 10 ngàn m2. Tất cả 19/19 tiêu chí xã Nông thôn mới đều đạt. Nhưng trong các tiêu chí văn hóa giáo dục nếu không có những cú hích những tấm lòng hảo tâm nhân ái của các vị đây Vĩnh Hùng khó mà đạt được.

Tôi hiểu ông Bí thư Đảng ủy xã đang nhắc đến người đầu tiên trong chuyến xe về Bồng Báo là NSND Lê Tiến Thọ. Năng khiếu cùng giọng hát tuồng trời phú đã đưa cậu bé Lê Tiến Thọ rời quê hương Vĩnh Hùng từ năm 15 tuổi đến những cơ sở đào tạo bài bản Tuồng ở Hà Nội. Ánh đèn sân khấu như rọi soi thêm các thang trật hanh thông. Nghệ sĩ ưu tú rồi NSND. Giám đốc nhà hát Tuồng VN. Cục trưởng Cục biểu diễn. Thứ trưởng Bộ VHTT. Nghỉ quản lý nhưng ông hiện vẫn đảm đương chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nặng tình với quê nhà, nhiều mạnh thường quân chỗ quen biết với ông đã góp phần ủng hộ hơn 1 tỷ đồng để Vĩnh Hùng xây dựng nên chùa Báo Ân khang trang hiện nay.

Một vị nữa với dáng cao ráo nước da trắng, hói hơi sớm đang ngồi khiêm nhường ở bàn cuối là Tiến sĩ tin học – công nghệ thông tin Nguyễn Đình Thắng. Chợt nhớ năm 2006 trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ của Đoàn đại biểu Chính Phủ Việt Nam, tháp tùng đoàn lần ấy trên chuyên cơ có 2 người cùng làng (xin phép bạo miệng khoe thêm, nếu kể cả người viết bài này nữa là ba). Đó là Thứ trưởng Bộ VH Lê Tiến Thọ và TS tin học, Chủ tịch Hội phần mềm Việt Nam, TS Nguyễn Đình Thắng.

Vùng đất Sóc Sơn Vĩnh Hùng, là quê hương của nhà trí sĩ Nguyễn Đan Quế hay còn gọi là cụ Đốc Quế. Cụ Đốc Quế đã gắn bó và cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Cụ từng làm Đốc học trường Pháp Việt phủ Quảng Hóa - Thanh Hoá những năm 1926- 1928, rồi lập trại ở Sóc Sơn Vĩnh Hùng để làm căn căn cứ hoạt động cách mạng. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã từng hoạt động và trưởng thành từ căn cứ này. Cuối năm 1928, cụ Đốc Quế làm Bí thư chi bộ Đảng Tân Việt - huyện Vĩnh Lộc, sau đó được cách mạng vận động vào Huế làm Nghị sỹ dân biểu Trung Kỳ và chủ bút báo Tiếng Dân. Qua cụ Quế, các chí sĩ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng từng ghé trại Sóc Sơn.Năm 1938, thực dân Pháp đình bản Tiếng Dân, cụ Nguyễn Đan Quế bị cách chức Nghị sỹ, tiếp tục trở về Sóc Sơn hoạt động. Sau cách mạng tháng 8-1945, cụ công tác tại Mặt trận Liên Việt huyện Vĩnh Lộc, rồi làm Thường trực Hội Liên Việt khu IV. Hồ Chủ tịch đã từng cử đồng chí Trần Đăng Ninh về đón cụ ra chiến khu Việt Bắc nhưng đúng dịp ấy, khi đồng chí Trần Đăng Ninh trên đường vào Thanh thì cụ lâm bạo bệnh và mất tại quê nhà Vĩnh Hùng.    

Cũng dài dòng chút, thày giáo dạy vỡ lòng của người viết bài này là cụ Nguyễn Biển, con trai trưởng cụ Đốc Quế. Tôi cũng là bạn học từ thuở bé đến tận cấp III với Tiến sĩ Môi trường Nguyễn Thị Lan chị ruột của TS Nguyễn Đình Thắng.

Chuyện làng Biện Thượng ảnh 1 Kỷ niệm 5 năm Trường Nguyễn Đan Quế (TS Nguyễn Đình Thắng, bên phải)

Tiếp nối truyền thống gia đình cách mạng, với tâm nguyện được góp sức cho sự nghiệp trồng người của quê hương, cháu nội cụ Nguyễn Đan Quế, TS. Nguyễn Đình Thắng, Thành viên Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, rồi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt đã cùng ngân hàng trích từ Quỹ An sinh xã hội đầu tư 8 tỉ đồng để xây dựng trường THCS Nguyễn Đan Quế tại xã Vĩnh Hùng.

Một cơ ngơi mới khang trang gồm 14 phòng học đúng quy chuẩn, 1 phòng máy với 15 máy tính được kết nối Internet, 1 phòng học tiếng Anh được trang bị thiết bị hiện đại, 2 phòng học bộ môn, phòng học nhạc hoạ,  phòng nghe nhìn, sân chơi, bãi tập, khuôn viên… đảm bảo cho các hoạt động của nhà trường. Trường được vinh dự mang tên nhà chí sĩ Nguyễn Đan Quế.

Được tận mắt chứng kiến những em học sinh một vùng quê nghèo khó lam lũ, trong đó có học sinh dân tộc Mường (12% dân số xã miền núi Vĩnh Hùng là người Mường) ăn mặc lành lặn sạch sẽ, trong những căn phòng học khang trang đang dần tập làm quen với tiếng Anh, kỹ thuật vi tính với những thiết bị hiện đại, khách bất chợt thăm trường thấy dậy lên cảm giác xúc động, tự hào… Lần ấy về thăm trường, thày hiệu trưởng Đinh Văn Hồng vui mừng cho biết,  bảy năm từ khi thành lập, trình độ chuyên môn giáo viên Trường PTCS Nguyễn Đan Quế 100% giáo viên (31 người) đạt chuẩn, trên chuẩn. Học sinh 9 lớp, tổng số học sinh 314 em hầu hết chăm ngoan, đặc biệt không có học sinh vi phạm các tai tệ nạn xã hội. Tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%. Tỷ lệ học sinh vào THPT hàng năm đạt trên 90% vv…

 Lại có thêm hoạt động tích cực của Quỹ Khuyến học mang tên Nguyễn Đan Quế. Ra đời và hoạt động từ năm 2012, Quỹ Khuyến học khuyến tài Nguyễn Đan Quế (cũng được LienVietPostBank vận động thành lập và tài trợ) bước đầu đã chi dùng 6,6 tỉ đồng nhằm khuyến khích các học sinh nghèo vượt khó học giỏi không những trên địa bàn Vĩnh Hùng và huyện Vĩnh Lộc mà toàn tỉnh Thanh Hóa. Nhiều nhà văn hóa thôn của Vĩnh Hùng cũng được Quỹ An sinh xã hội của ngân hàng Liên Việt tài trợ máy tính, ti vi… Chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa thôn cũng được nâng cao bởi công sức chăm chút thường xuyên của NSND Lê Tiến Thọ.

Chúng tôi ghé chùa Báo Ân có phần góp hằng tâm hằng sản của NSND Lê Tiến Thọ. Chùa như là điểm nhấn mỗi dịp Vĩnh Hùng tổ chức Hội rước nước vào dịp mùa xuân. Lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân là một tục cổ với nhiều nghi lễ độc đáo, với những chiếc thuyền rồng trên sông, với những giọng hát, điệu múa chèo thuyền giữa dòng sông Mã trong xanh luôn thu hút đông đảo người dự. Quỹ Ford từng tài trợ để thực hiện Dự án “khôi phục tiếng hát chèo thuyền trên sông”. Lễ hội “Rước nước” ở chùa Báo Ân mỗi năm thêm nhuận sắc bởi được các ngành chức năng quan tâm để lễ hội trở về nguồn gốc giá trị của nó. Hội Rước nước năm nay, NSND Lê Tiến Thọ đã mang về món quà tặng đặc biệt cho làng. Đó là ca khúc Vĩnh Hùng quê tôi do ông sáng tác.

 Những nghĩa cử nhân văn, những cú hích văn hóa có sức cộng hưởng, lan tỏa. Nhớ năm xa, 11 pho tượng chúa Trịnh (trừ tượng chúa tiên khởi Trịnh Kiểm đã được thờ trong Phủ Trịnh Vĩnh Hùng từ trước) từ Thành tổ triết vương Trịnh Tùng đến Án đô vương Trịnh Bồng do các nghệ nhân Hà Tây chế tác rất sống động hồn cốt để cúng tiến vào Phủ Trịnh tại Vĩnh Hùng. Khi rước các tượng về Phủ Trịnh thì xảy ra trục trặc. Cơ quan văn hóa tỉnh không cho đưa tượng vào bởi lẽ tượng phải qua thẩm định nghiệm thu đúng chuẩn (?) mới được đưa vào thờ bởi Phủ Trịnh là Di tích Lịch sử quốc gia không thể tùy tiện đưa cái gì vào cũng được!

Đoàn rước tượng đành “hạ mã” trước cửa Phủ để chờ. Mà chờ đến bao giờ trong khi ngày giờ (tốt) đã định và tất thảy tượng đã làm thủ tục hô thần nhập tượng rồi. NSND Lê Tiến Thọ khi đó dẫu là Thứ trưởng Bộ Văn hóa cũng không dễ gì để ép địa phương được. Đương giữa đêm, ông dựng tôi dậy… Tôi rủ thêm mấy anh bạn làm báo liều tìm đến nhà riêng ông Bộ trưởng Bộ văn hóa Phạm Quang Nghị. Chừng như cũng tạm lọt tai trước những khẩn khoản cùng cam đoan rằng, tượng các Chúa được chế tác là hằng tâm hằng sản của các nghệ nhân với tiền nhân với lịch sử. Chuyện đã nhỡ nếu sau này các cơ quan chức năng thẩm định có vấn đề gì thì xử lý sau. Với lại họ có đưa thứ gì khác vào Phủ đâu mà ngại!

May mắn rồi mọi việc cũng trót lọt và sau này chưa thấy ai ỏ ê chi việc này cả. Nhẩm tính đã hơn 20 năm, đến nay tượng các ngài vẫn định vị uy nghiêm trong Phủ Chúa.

Cũng nói thêm Vĩnh Hùng đã không đánh đổi kinh tế bằng mọi giá. Một vấn nạn hoành hành lâu nay là việc khai thác chế tác đá ở các xã lân cận của Vĩnh Hùng nhiều năm nay đã biến các khu vực dân cư của Vĩnh An Vĩnh Minh Vĩnh Tân ô nhiễm nặng nề. Nhưng Vĩnh Hùng đã không lặp lại mà mới nhất là đã kiên quyết xử lý một cơ sở sản xuất chế tác đá có nguy cơ lây lan ô nhiễm cho toàn xã. Cũng như trước đó Vĩnh Hùng đã từ chối một cơ sở thuộc da của nước ngoài nguy cơ cao gây ô nhiễm định đặt ở xã. Lại cũng nghe nói NSND Lê Tiến Thọ đã góp phần đắc lực trong việc ngăn chặn xử lý ấy!

Chuyến về làng lan man nữa thì còn nhiều chuyện. Bởi không có gì cũ bằng làng. Và cũng không có gì mới bằng chuyện… làng! 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.