Sáng 14/12, Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ chia sẻ bằng livestream trên Facebook việc mẹ anh đã đi lừa tiền nhiều người, từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến người hâm mộ của anh. Trong 10 năm qua, anh đã trả hơn 20 tỷ đồng thay mẹ. Đàm Vĩnh Hưng còn ngậm ngùi cho biết, đến giờ anh vẫn chưa dám yêu ai vì sợ không có thời gian, không có đủ khả năng để bảo bọc tình yêu và phải dành tâm sức để cày cật lực lo trả nợ.
"Việc mượn để làm gì thì chỉ có bà trả lời, tôi không thể đồng lõa, bao che việc làm này nữa. Tôi quyết định công bố sự thật này để mọi người không trở thành nạn nhân nữa...", anh nghẹn ngào nói trong đoạn livestream.
Sau khi Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng, nhiều người bày tỏ sự cảm thông, tuy vậy, không ít ý kiến khác lại cho rằng: "Không nên đưa chuyện gia đình lên mạng xã hội" và "nói xấu cha mẹ là không hay, bất hiếu"..., nhiều người còn coi đây là trò đánh bóng tên tuổi của anh.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác, tiến sĩ xã hội học, đồng thời là thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy, TP HCM, cho biết, sau khi xem đoạn livestream chia sẻ của Đàm Vĩnh Hưng, bà cảm thấy rất xúc động, cảm thông cho tình cảnh của anh. Bà cho rằng, lẽ ra, nam ca sĩ nên làm việc này sớm hơn để giải thoát cho chính mình, cho những người đã bị mẹ anh vay mượn cũng như giúp cho người mẹ.
Nhà tâm lý chia sẻ, bà từng nghe và thấy rất tâm đắc với một dòng tư tưởng cho rằng đạo hiếu được chia làm 3 mức: Tiểu hiếu là luôn tôn kính nghe lời cha mẹ; Trung hiếu là chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, còn Đại hiếu nghĩa là con cái biết tu thân, tự lo được cho mình, phát triển bản thân, sống hạnh phúc thành công khiến cha mẹ rạng danh, mãn nguyện. "Như vậy, nếu con cái cố tình che giấu những việc làm sai trái của cha mẹ - như điều nhiều người mong đợi Đàm Vĩnh Hưng Làm - thì là ngu hiếu chứ không phải là báo hiếu", chuyên gia nói.
Bà Thúy phân tích, thực tế, cha mẹ cũng là con người và có thể có những lúc mắc sai lầm. Khi ấy, việc con nên làm là can ngăn, giúp người sinh thành không lấn sâu vào con đường sai trái. Nếu tiếp tục che giấu hay cố gắng nai lưng ra trả nợ cho mẹ là con đang dung túng và tiếp tay. Hơn nữa, như trường hợp của mẹ Đàm Vĩnh Hưng, cái sai đó còn liên lụy tới nhiều người thì càng cần phải được nói ra cho sáng tỏ và ngăn chặn hành động tiêu cực tiếp diễn.
Nhà tâm lý cho rằng, lâu nay, nhiều người thường hiểu sai về chữ hiếu. Sai lầm lớn nhất là họ cho rằng có hiếu nghĩa là phải luôn nghe lời bố mẹ. "Tôi từng chứng kiến không biết bao nhiêu người đau khổ cả đời vì phải gạt nguyện vọng của bản thân đi để phục tùng, làm nghề hay lấy vợ/chồng theo ý bố mẹ", bà Thúy cho biết.
Thực tế, khi con cái hạnh phúc, thực hiện được những hoài bão của bản thân thì cha mẹ mới thực sự mãn nguyện. Nếu vì phải nghe lời phụ huynh trong nhất thời mà cuối cùng con bất hạnh thì cha mẹ chỉ thấy phiền muộn, hối hận suốt quãng đời còn lại của họ.
Nhà tâm lý, xã hội học Phạm Thị Thúy hiện là giảng viên tại Học viện Hành chính TP HCM. Ảnh: NVCC.
Nhà tâm lý cho rằng, mối quan hệ cha mẹ - con cái là mối quan hệ hai chiều, nhân quả. Cha mẹ sinh ra con không có nghĩa là con thuộc quyền sở hữu của họ và con phải một mực phụng dưỡng, làm theo ý cha mẹ. Bản thân bố mẹ cũng cần biết ơn con. Khi sinh và nuôi dạy con, bạn được trải nghiệm bao nhiêu niềm vui và học hỏi thêm nhiều điều giá trị về cuộc sống. Nếu bố mẹ yêu thương, chăm sóc và ân cần dạy bảo, con cái sẽ cảm kích và tự nguyện báo hiếu. Còn nếu người con phải làm việc đó vì nghĩa vụ, sự ép buộc theo chuẩn mực pháp luật, đạo đức thì đó không phải là có hiếu. "Đừng mong con báo hiếu khi người sinh thành vô trách nhiệm hay đối xử khắc nghiệt tệ bạc với con", bà Thúy bày tỏ.
Cùng ý kiến này, nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam cho rằng, nhiều người bám vào quan điểm lạc hậu cho rằng bố mẹ là người nắm quyền sinh quyền sát nên bắt con phải phục tùng, "báo đáp", làm khổ con cái cả đời.
Trong khi, thực ra, người con cũng là một cá thể độc lập, có khát vọng và cuộc đời riêng. Bố mẹ nên sống như thế nào để con cái kính trọng chứ không phải ép buộc việc thực hiện chữ hiếu. "Bố mẹ là người trưởng thành, phải có trách nhiệm với các hành vi của mình. Nếu làm sai, họ phải chịu trách nhiệm, không thể bắt con cái gánh hậu quả. Lối giải quyết của Đàm Vĩnh Hưng là bình thường, không có gì sai", nhà tâm lý bày tỏ.
Bà Hà cho biết, bà từng tư vấn rất nhiều trường hợp bố mẹ thực sự là nguồn khổ cho con. Có những người không những sinh con ra không chăm lo, dạy dỗ mà tự họ còn trở thành "món nợ" cả đời cho con. Hay gặp hơn cả là những người lấy quyền sinh thành để cấm đoán chuyện hôn nhân, bắt con phải lựa chọn giữa người mình yêu và cha mẹ với những thách thức như: "Mày muốn lấy nó thì phải bước qua xác tao", "mày không nghe thì tao từ mặt"... Có những người sống chung với bố mẹ mà luôn bị đè nén, thậm chí có nguy cơ tan vỡ gia đình riêng vì sự can thiệp thô bạo của phụ huynh nhưng vẫn ngậm đắng nuốt cay cam chịu vì sợ "vùng lên" ra riêng sẽ mang tiếng bất hiếu.
Theo bà Hà, quan niệm sinh con để có người phụng dưỡng lúc tuổi già có từ xa xưa, xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước khi các gia đình muốn có nhiều nhân lực để sản xuất. Thời nay, tư tưởng này cần được thay đổi. Sinh ra một đứa con mới chỉ là làm cha mẹ về mặt sinh học, như rất nhiều người hiến trứng, hiến tinh trùng. Điều quan trọng là cần giáo dục con, hiểu được tâm tư, mong muốn để tạo điều kiện cho con phát triển chứ không phải nặn con theo ý mình. Còn con cái có hiếu là giữ thái độ lễ phép với cha mẹ nhưng hoàn toàn có quyền thể hiện quan điểm riêng và sống theo cách của mình.