Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết Nam bộ hôm nay (19/1) có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất từ 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.
Lớp mù xuất hiện tại TPHCM vào sáng sớm, thậm chí tới gần trưa. Ảnh: Hữu Huy |
Nhìn nhận về hình thái thời tiết tại TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ những ngày qua, ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thông tin không khí lạnh tăng cường khuếch tán sâu về phía Nam, kết hợp với áp cao cận nhiệt đới tạo nên kiểu trời ít mây về đêm làm tiết trời se lạnh về khuya và sáng sớm. Một số nơi như Tà Lài (tỉnh Đồng Nai) có nhiệt độ dưới 19 độ C suốt từ ngày 12/1 đến nay.
Ông Quyết cho hay những ngày gần đây, trời TPHCM mịt mù như có lớp sương mù làm giảm tầm nhìn ngang. Lớp mù này xuất hiện vào sáng sớm, thậm chí tới gần trưa.
“Đây thực chất là lớp mù được hình thành khi nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm không khí cao, gió nhẹ, gần giống như cơ chế hình thành lớp mây ở tầng thấp. Dự báo hiện tượng mù sẽ kéo dài qua Tết Nguyên đán” – ông Quyết nói.
Ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin kết quả quan trắc và các nghiên cứu có liên quan qua nhiều năm đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí môi trường tại TPHCM chủ yếu liên quan đến bụi, có thời điểm nồng độ ô nhiễm cả bụi bẩn và bụi mịn PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép.
Trong tháng 12/2023, kết quả quan trắc cho thấy có 9,38% mẫu đo bụi bẩn vượt chuẩn tập trung ở 3 nút giao thông là Cát Lái, An Phú, Lê Đại Hành. Về bụi mịn PM2.5 có 4,44% mẫu đo bụi bẩn vượt chuẩn tập trung ở 2 nút giao thông Cát Lái và Bà Quẹo. Đa số kết quả vượt quy chuẩn được quan trắc vào lúc 7h30 đến 8h30, là thời điểm mật độ lưu thông phương tiện cao.
Theo ông Hiền, nguyên nhân ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi thời điểm cuối năm bên cạnh nguyên nhân chính là do hoạt động giao thông gia tăng, một phần nhỏ là ô nhiễm xây dựng do tác động của việc chở vật liệu xây dựng.