Triều Tiên đã cho nổ tung các đoạn đường bộ và đường sắt liên Triều ở nước này hôm 15/10, khiến quân đội Hàn Quốc phải nổ súng cảnh cáo.
Động thái mới nhất khiến nhiều người lo ngại về khả năng bùng phát chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Konstantin Asmolov từ Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên cho biết, kịch bản này khó xảy ra. "Khả năng cao là sẽ không có chiến tranh, vì cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul đều không muốn chiến tranh. Triều Tiên hiểu rằng đó sẽ là cuộc đối đầu với Mỹ. Hàn Quốc cũng không muốn chiến tranh vì tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể bay đến Seoul trong vòng năm phút".
Đồng quan điểm, tờ Business Insider dẫn lời các chuyên gia cho rằng, vụ phá hủy này chủ yếu mang tính biểu tượng và không có khả năng dẫn đến chiến tranh.
"Hầu hết các tuyến đường liên Triều đã bị đóng cửa từ năm 1953", Jim Hoare - một nhà sử học và cựu nhân viên ngoại giao Anh tại Triều Tiên cho biết. "Trên thực tế, đây là một động thái mang tính biểu tượng khác. Nó không tạo ra sự khác biệt nào đối với tình hình thực tế".
Triều Tiên cho nổ tung đoạn đường liên Triều hôm 15/10. (Ảnh: Reuters) |
Triều Tiên từng đặt mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc, nhưng đã từ bỏ mục tiêu này trong vài năm gần đây. Hồi năm 2020, Triều Tiên từng cho nổ tung Văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong.
Theo Bloomberg, thương mại giữa hai miền bán đảo Triều Tiên hiện đã giảm xuống gần bằng 0, từ mức 2,7 tỷ đô la vào năm 2015. Bloomberg Economics nhận định, một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 4 nghìn tỷ đô la trong năm đầu tiên.
Edward Howell - chuyên gia của Chatham House - nói với Business Insider rằng, Triều Tiên "có truyền thống" tăng cường các hoạt động khiêu khích trong những năm bầu cử của Mỹ. "Họ muốn thử xem liệu Mỹ có nhượng bộ hay không", ông nói.
Mặc dù tình hình có vẻ căng thẳng, nhưng không có khả năng leo thang thành chiến tranh toàn diện. "Thật vậy, nếu tôi đang lên kế hoạch tấn công, tôi sẽ không cho nổ tung các tuyến đường vào Hàn Quốc", ông Hoare nhận định.
Peter Ward, một nghiên cứu viên tại Viện Sejong ở Seoul, nói với tờ Financial Times: "Việc phá hủy tuyến đường là một cảnh tượng kịch tính, thể hiện sự bất mãn của họ với Hàn Quốc. Bằng cách đó, họ có thể thu hút sự chú ý mà không cần phải có phản ứng quân sự. Bởi vì cuối cùng thì tất cả những gì họ làm là phá hủy con đường trên lãnh thổ của họ. Nếu một ngày nào đó họ muốn xây dựng lại con đường này, thì thứ duy nhất họ cần là bê tông".