"Có lẽ đã quá muộn để các nước OPEC ngăn chặn đợt giảm sâu mới của giá dầu", các nhà phân tích của Goldman cho biết trong một báo cáo công bố mới đây.
Goldman cho biết họ sẽ mất rất lâu để thực hiện việc giảm sản xuất, và dự trữ dầu mỏ trên khắp thế giới cũng đang tăng. Sự ngờ vực của Goldman và các nhà quan sát khác đã khiến giá dầu thô WTI hôm qua mất tới 6%, xuống quanh 31,75 USD một thùng.
Giá dầu giảm nữa sẽ khiến Wall Street càng lao đao. Nhà đầu tư gần đây bị ám ảnh bởi giá dầu, khi giá cổ phiếu tháng trước biến động gần như khớp với diễn biến giá dầu.
Dù giá rẻ lẽ ra phải có tác động tích cực đến kinh tế Mỹ, nhà đầu tư lại chỉ quan tâm đến mặt tiêu cực. Trong đó có lợi nhuận các hãng năng lượng giảm đi, các vụ vỡ nợ và rắc rối tại những thị trường mới nổi như Brazil.
Từ ngày 20/1, giá dầu và thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh. Tuần trước, dầu WTI lên tới 34,82 USD một thùng - tăng 33% so với đáy gần nhất là 26,19 USD.
Một phần nguyên nhân của đà tăng này là kỳ vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và chấp thuận giảm sản xuất. Nga cũng làm tăng hy vọng này khi tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng của họ được cho là đã tuyên bố các nước OPEC cũng như phi OPEC đang cân nhắc giảm 5% sản lượng.
CNN trích lời một nguồn tin thân cận cho biết tuần trước, các nước Vùng Vịnh "đã sẵn sàng làm mọi thứ để bình ổn thị trường" và "tất cả các khả năng đều bỏ ngỏ". Bình luận này cho thấy Ảrập Xêút - nước quyền lực nhất OPEC có thể đã thay đổi quan điểm. Đến nay, nước này vẫn phản đối giảm sản xuất, do lo ngại mất thị phần về tay Mỹ và các nước khác.
Dù vậy, Goldman Sachs không tin tưởng vào khả năng này. Vì nếu thực hiện bây giờ, tức là OPEC đã cho phép sản xuất vốn đang chậm lại của Mỹ có cơ hội bật tăng.
"Giảm sản xuất hiện tại chẳng khác nào ném phao cứu sinh cho các hãng dầu đá phiến Mỹ và những nước phi OPEC khác. OPEC không thể nào làm việc đó đâu", Joe McMonigle - nhà phân tích tại Potomac Research Group cũng đồng quan điểm với Goldman Sachs.