Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
TPO - Chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 như “chống cháy rừng”, không chỉ tiêm cho vùng có dịch mà cần tiêm cho các vùng xanh an toàn để hạn chế ca mắc, ca nặng và tử vong.

Ngày 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp với các chuyên gia Tổng hội Y học Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nhận định, biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh nên dịch sẽ phát triển kéo dài nhưng không biết đến lúc nào vì virus biến chủng liên tục. Đặc biệt với biến thể Delta chu kì lây ngắn hơn với mức độ 1 người có thể từ lây 10-12 người trong khi virus “nguyên thủy” ban đầu chỉ lây 1 hoặc 2 người.

GS Kính cho hay Việt Nam là nước nhiệt đới với rất nhiều bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm nhưng trong nhiều năm qua, hệ thống truyền nhiễm chưa quan tâm đầy đủ. Trong khi đó, đánh giá dịch tễ học, dịch COVID-19 còn kéo dài với mức độ mỗi tỉnh khác nhau. “Để xử lý được tình huống, hệ thống y tế đáp ứng tình hình dịch là mấu chốt của vấn đề; đồng thời, tăng cường hệ thống truyền nhiễm”, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết. Ông đồng thời đề xuất phải có bệnh viện truyền nhiễm cấp tỉnh, “chân rết” xuống cấp huyện để xử lý các tình huống trên tinh thần “dịch đến đâu làm gọn đến đấy”.

Đề xuất tại cuộc họp, GS Kính cho rằng trong bối cảnh hiện nay có 4 vấn đề mấu chốt để phòng chống dịch trong tình hình bình thường mới: vắc xin phòng COVID-19, xét nghiệm trọng điểm, điều trị trong hệ thống truyền nhiễm, tăng cường hệ thống y tế.

Ông Kính ví chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 như “chống cháy rừng”, không chỉ tiêm cho vùng có dịch mà cần tiêm cho các vùng xanh an toàn để hạn chế ca mắc, ca nặng và tử vong. Về xét nghiệm, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đề xuất xét nghiệm nhanh và người dân tự có thể tự làm được, chỉ đến cơ sở y tế khi cần khẳng định. Theo ông, với chủng mới, nồng độ virus lớn, người dân hoàn toàn có thể tự thực hiện được tại nhà. Tại miền Bắc, cần xét nghiệm có trọng tâm, xét nghiệm mẫu gộp.

Liên quan đến công tác điều trị, chuyên gia Nguyễn Văn Kính cho rằng, phương châm phát hiện, cách ly và điều trị vẫn cần duy trì thực hiện, cùng với đó, phải kết hợp đông tây y như dùng thuốc Molnupiravir trong điều trị để vừa an dân, vừa chữa bệnh.

GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đề xuất, các bệnh viện cũng nên chia theo các vùng xanh, vàng, cam, đỏ nhằm hạn chế lây nhiễm ra toàn bệnh viện; từ đó, hạn chế “chuyển” sang mức nặng hơn giữa các vùng này. Tương tự, các lực lượng đang tập trung phòng, chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… nhưng cũng cần tập trung phòng, chống dịch cho các vùng khác, đặc biệt các vùng xanh an toàn.

Theo GS Cường từng khu vực phải phát huy tinh thần tự giác của người dân, trên tinh thần không ngăn sông cấm chợ nhưng phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào, tiêm phủ vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo vùng xanh bền vững, không để chuyển sang vàng, cam đỏ. “Phải tập trung điều trị tầng 1, 2, 3, hạn chế nhảy tầng cao hơn, điều trị ngay từ cấp cơ sở càng nhiều, càng nhanh bao nhiêu, càng hạn chế tốn kém, tử vong bấy nhiêu, từ đó phát huy mạng lưới y tế địa phương”, GS.TS Đỗ Tất Cường nhấn mạnh.

Ông đề xuất quan tâm, chăm lo đến các lực lượng y bác sĩ đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đặc biệt các bác sĩ hồi sức cấp cứu tầng nặng. “Cuộc chiến còn lâu dài nên cần có những chế độ, chính sách thực tế, chăm lo và đảm bảo sức khỏe, rút ngắn các ca kíp để lực lượng y bác sĩ để giữ sức khỏe và đủ sức chiến đấu”, GS Cường nói.

Phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y nhìn nhận: “Biến chủng delta lây lan rất nhanh, nhưng chưa có con số báo cáo chủng Việt Nam đang là chủng nào. TPHCM lây khủng khiếp thì nó chính là chủng delta. Còn tại Hà Nội chủng nào thì chưa đánh giá. Chúng tôi đã phân tích 28/55 ca là chủng delta, còn 17 ca là chủng Vũ Hán nên Hà Nội chưa lây lan nhanh. Nhưng tại khu vực Thanh Xuân Trung chắc chắn chủng Delta vì nó lây lan nhanh”. Theo GS Quyết, Hà Nội cần phân tích chủng để có chiến lược phòng chống chắc chắn.

Đối với các thai phụ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước đây chúng ta thận trọng tiêm cho phụ nữ mang thai, bây giờ rất cần tiêm vắc xin vì đối tượng này nễu nhiễm thì chuyển nặng và tử vong cao. Việt Nam có khoảng 1,8 triệu phụ nữ mang thai vì thế GS Tiến cho rằng Bộ Y tế nên để các chuyên gia lĩnh vực đưa ra phác đồ cụ thể.

Từ thực tế này, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có sự điều chỉnh về chiến lược phòng, chống dịch bệnh theo hướng tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế bao gồm xét nghiệm trọng điểm, điều trị hiệu quả, triển khai tiêm vắc xin để chặn vùng đỏ, bảo vệ vùng xanh, “tinh thần là dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy”. Cụ thể, những tỉnh đang kiểm soát được dịch bệnh tiếp tục ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
TPO - Vượt qua 11 thí sinh khác và chinh phục khán giả bằng sự duyên dáng, tài năng và ứng xử tự tin, thông minh, thí sinh Nguyễn Thị Hằng – sinh viên năm 4 ngành Marketing đã đăng quang ngôi vị Hoa khôi cuộc thi Miss Gia Định và Học sinh tài năng 2024.