Lý do trẻ em không được thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Lý do trẻ em không được thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19
TPO - Ngày 14/9 tại cuộc họp bàn về vắc xin, thuốc và ô xy trong phòng chống và điều trị bệnh nhân COVID-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chủ trì, PGS.TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đã thông tin về vắc-xin cho trẻ em.

PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết: "Do liên quan đến vấn đề đạo đức nên trong điều kiện bình thường việc thử nghiệm vắc-xin không huy động trẻ em tham gia. Do vậy, những vắc-xin ban đầu chỉ dành cho người lớn, sau một thời gian sử dụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả thì mới xem xét cho trẻ em sử dụng. Vì vậy, hiện nay vắc-xin phòng COVID-19 đa phần để dành cho người lớn và một số hãng mới bắt đầu nghiên cứu để sản xuất vắc-xin cho trẻ em”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp các nhà khoa học cho biết về nguyên tắc các loại vắc-xin có cơ chế hoạt động, tác động đối với người lớn, trẻ em giống nhau.

Trước đó, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, trong các loại vắc xin COVID-19 đang được tiêm, chỉ có vắc xin Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Tại Mỹ, vắc xin này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên vắc xin đã có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em.

Tại Việt Nam hiện chưa tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em vì số lượng vắc xin còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn. Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc COVID-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhi mắc COVID-19 trở nặng và tử vong chưa có.

Giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vắc xin COVID-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Hiện theo thống kê, nước ta có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.

TS Thái thông tin thêm, thế giới đã ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em (dù rất hiếm). Trẻ em rất hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khoẻ sau tiêm như người lớn. Nếu có những hành động quá sức như nô đùa, thể thao sẽ ảnh hưởng sức khoẻ nhiều. Do đó, khi tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em cần theo dõi cẩn trọng giống như tiêm các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.

MỚI - NÓNG