Ngày 23/12, Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Vấn đề đặt ra cho TPHCM và Đông Nam bộ.
GS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Hoa Kỳ), cố vấn “Sáng kiến Việt Nam” phân tích: các chiến lược của kỷ nguyên vươn mình xoay quanh các trụ cột như nhà nước pháp quyền, tinh gọn bộ máy, công tác cán bộ, chống lãng phí.
GS Trần Ngọc Anh trao đổi tại hội thảo. |
Trong đó, GS Trần Ngọc Anh cho rằng có 3 điều kiện tiên quyết để đội ngũ cán bộ có thể triển khai kỷ nguyên vươn mình thành công. Đó là đội ngũ phải có năng lực, động lực và môi trường. Cán bộ phải muốn làm, làm được và được làm. Bên cạnh đó, để cán bộ có năng lực thì ít nhất lương phải đủ sống.
GS Trần Ngọc Anh cũng cho rằng, nếu áp dụng chính sách “đồng phục” giảm biên chế sẽ dẫn đến quá tải công việc ở những cơ quan quan trọng. Ông gợi mở có thể áp dụng khoa học quản trị để xác định xem chỗ nào nên cắt hay nên tăng nhân sự.
“Quyết liệt nhưng phải bình tĩnh”
TS Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 nhìn nhận, mục tiêu đến năm 2030 TPHCM đạt GRDP/ người khoảng 14.500 USD đang là thách thức lớn đối với thành phố. Mục tiêu này có nghĩa là tốc độ tăng GRDP bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2026 - 2030 phải đạt hai con số, khoảng 10 - 11%/ năm.
TS Trần Du Lịch trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng |
Theo ông Lịch, bước sang năm 2025 với quyết tâm cao của Đảng và Chính phủ trong việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính các cấp, tháo gỡ “điểm nghẽn của nghẽn” về thể chế, việc xây dựng nền công vụ phục vụ phát triển sẽ là cơ hội để TPHCM phát huy truyền thống năng động sáng tạo trong 50 năm xây dựng và phát triển. Qua đó huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển – yếu tố thành phố vốn có nhiều dư địa và lợi thế chưa được tận dụng, khai thác.
“Trong dòng chảy của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là thời cơ để TPHCM củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của mình đối với cả nước và khẳng định vị thế tương xứng đối với khu vực và thế giới”, TS Trần Du Lịch nói.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bối cảnh năm 2025 cho thấy chúng ta đang kỳ vọng vào các yếu tố “nội”, đặc biệt là đầu tư công, đồng thời khích lệ lại niềm tin của đầu tư tư nhân trong khi cố gắng giữ vững tiêu dùng và xuất khẩu.
Băn khoăn với mục tiêu tăng trưởng hai con số mà TPHCM đề ra trong năm tới, ông Thành lưu ý TPHCM “quyết liệt nhưng phải bình tĩnh” bởi nếu đề ra chỉ tiêu rất cao mà không đạt được trong năm 2025 sẽ có thể giảm sút niềm tin của khu vực tư nhân - một yếu tố rất quan trọng trong trung hạn và dài hạn. Mặt khác, trong trung hạn và dài hạn thì TPHCM phải thực sự quan tâm đến động lực mới.
Nâng cao vị thế của dân tộc
TS. Nguyễn Tú Anh mong muốn ngày càng có nhiều người Việt làm việc tại các định chế quốc tế. Ảnh: Ngô Tùng |
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên để đất nước ta tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao vị thế của dân tộc.
Theo ông, nhanh và bền vững là việc cố gắng để đạt được mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đặt ra: đến năm 2030 thu nhập trung bình cao, cơ bản là nước công nghiệp hóa. Về vị thế, chúng ta là nước có thể xuất khẩu những văn hóa, những giá trị trí tuệ của đất nước ra thế giới.
“Tôi rất mong muốn ngày càng có nhiều người Việt Nam ở trong các định chế quốc tế như World Bank (Ngân hàng Thế giới), IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế), ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) để có thể hoạch định các pháp luật quốc tế chứ không phải là chờ người ta đặt luật rồi mới đi theo”, TS Tú Anh chia sẻ.