Chuyên gia Nam Phi nói gì về Omicron?

0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho một người Nam Phi ngày 20/8. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho một người Nam Phi ngày 20/8. Ảnh: Reuters
TP - Những loại vắc xin hiện nay có thể vẫn hiệu quả trong ngăn chặn các ca bệnh nặng và phải nhập viện do biến chủng Omicron gây ra, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Nam Phi khẳng định ngày 29/11. Một chuyên gia khác của nước này nói rằng biến chủng mới chủ yếu gây triệu chứng nhẹ.

GS Salim Abdool Karim, nguyên cố vấn trưởng của chính phủ Nam Phi trong giai đoạn đầu đối phó với đại dịch, nói rằng còn quá sớm để khẳng định Omicron có gây ra những triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn các biến chủng đã biết đến hay không. Tuy nhiên, GS Karim nói rằng có vẻ Omicron dễ lây lan hơn và dễ gây bệnh cho những người đã có miễn dịch sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.

“Dựa trên những gì chúng tôi biết và cách các biến chủng gây quan ngại khác phản ứng với miễn dịch tạo ra do vắc xin, chúng tôi dự báo rằng vắc xin vẫn có hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ trong ngăn chặn tình trạng nặng và phải nhập viện”, GS Karim nói trong một cuộc họp báo. “Ngăn tình trạng nặng chủ yếu là chức năng của miễn dịch tế bào T, khác với miễn dịch kháng thể để ngăn chặn nhiễm trùng. Vì thế, biến thể mới nếu có thể tránh kháng thể cũng khó thoát miễn dịch tế bào T”, ông giải thích.

Ngày 28/11, TS Angelique Coetzee, bác sĩ hàng đầu của Nam Phi và là một trong những người đầu tiên phát hiện biến chủng mới, nói rằng Omicron có vẻ chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ. Bà Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho biết bà đã theo dõi khoảng 30 bệnh nhân COVID-19 trong 10 ngày qua, với những triệu chứng khác biệt.

“Điều khiến họ đi khám là tình trạng cực kỳ mệt mỏi”, bà nói với Reuters. Theo bà, điều này bất thường đối với các bệnh nhân trẻ tuổi. Hầu hết bệnh nhân nam trong số đó chưa đến 40 tuổi. Một nửa trong số họ đã tiêm phòng. Bà cho biết những bệnh nhân đó bị đau cơ mức độ nhẹ, họng đau rát và ho khan. Vài người trong số họ bị sốt tương đối cao. Những triệu chứng nhẹ này không giống triệu chứng do những biến chủng khác gây ra. TS Coetzee là người đã cảnh báo giới chức y tế về “bức tranh lâm sàng không phù hợp với biến chủng Delta” hôm 18/11, khi bà tiếp nhận 7 bệnh nhân đầu tiên ở độ tuổi 30.

Nam Phi là nước đầu tiên phát hiện biến chủng mới và hiện đã có 3.220 ca mắc nhưng không xảy ra tình trạng tăng đột biến số người phải nhập viện, ông Barry Schoub, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn bộ trưởng về vắc xin, nói với Sky News ngày 28/11.

Omicron có quá nhiều đột biến nên không ổn định, vì thế nó kém hơn biến chủng Delta đang hoành hành khắp thế giới, ông Schoub nói. “Hy vọng nó sẽ không thay thế Delta vì chúng ta biết Delta phản ứng rất tốt với vắc xin”, ông nói. TS Coetzee nói rằng thật đáng tiếc khi Omicron bị thổi phồng là “biến thể cực kỳ nguy hiểm” với nhiều đột biến, trong khi vẫn chưa biết rõ độc lực của nó.

Tuy nhiên, GS Abdool Karim, công tác tại ĐH KwaZulu-Natal của Nam Phi và ĐH Columbia của Mỹ, cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn vì các bác sĩ chỉ có thể nhận xét về những bệnh nhân mà họ đã tiếp nhận. “Về biểu hiện lâm sàng thì đến nay vẫn chưa đủ dữ liệu”, ông nói.

Chính phủ Nam Phi đang làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cơ sở y tế phòng khả năng số ca bệnh nhập viện tăng đột biến vì biến chủng mới, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla nói tại cuộc họp báo. Bộ trưởng Phaahla cho biết giới chức nước này đang hợp tác với những quốc gia đã hạn chế đi lại với các nước phía nam châu Phi để thuyết phục họ đảo ngược quyết định. Cũng trong cuộc họp báo này, chuyên gia y tế cộng đồng Waasila Jassat nói rằng tỉnh Gauteng, nơi phát hiện biến chủng mới, đến nay vẫn chưa thấy tăng số lượng bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Việc phát hiện biến chủng mới ở khu vực nam châu Phi đang dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhiều quốc gia hạn chế đi lại với khu vực này và áp dụng các biện pháp hạn chế vì sợ Omicron sẽ lây lan nhanh chóng, kể cả ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Các hãng vắc xin sẵn sàng vào cuộc

Sinovac, nhà cung cấp vắc xin COVID-19 cho nhiều quốc gia trên thế giới, tự tin rằng họ có thể nhanh chóng sản xuất hàng loạt loại vắc xin được điều chỉnh để phù hợp với biến chủng Omicron nếu cần thiết, với điều kiện được cấp phép và có bằng chứng cho thấy biến chủng mới đòi hỏi vắc xin phải thay đổi.

Sinovac cho biết họ đang theo dõi sát sao các nghiên cứu và thu thập mẫu liên quan đến Omicron thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu để xác định có cần vắc xin mới không, SCMP đưa tin. Sinovac trước đây đã sản xuất vắc xin bất hoạt để chống lại hai biến chủng Gamma và Delta, nhưng không thay đổi công thức vắc xin ban đầu mà hãng nói rằng vẫn có hiệu quả với các chủng phát hiện từ trước.

Các hãng khác cũng đang tính toán cách đối phó với Omicron. Pfizer và BioNTech thông báo rằng trong vòng 2 tuần tới họ sẽ biết có cần điều chỉnh công thức vắc xin hay không. “Pfizer và BioNTech đã có hành động từ nhiều tháng trước để có thể điều chỉnh vắc xin mRNA trong vòng 6 tuần và bàn giao lô đầu tiên trong vòng 100 ngày nếu biến chủng mới xuất hiện”, Pfizer khẳng định. Cuối tuần qua, Moderna cho biết họ sẽ thử một liều tăng cường để đối phó với biến chủng mới nếu các loại vắc xin hiện nay không hiệu quả với Omicron. AstraZeneca cho biết họ đang nghiên cứu ở Botswana và Eswatini, những nơi đầu tiên phát hiện Omicron, để kiểm tra hiệu quả của vắc xin, Reuters đưa tin.

Omicron lan ra ít nhất 15 quốc gia

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên tại miền nam châu Phi vào đầu tháng này, Omicron đã lan ra ít nhất 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nam Phi, Botswana, Bỉ, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Anh, Hà Lan, Đức, CH Séc, Áo, Đan Mạch, Úc, Ý, Canada, và Pháp đã xác nhận ca nhiễm biến chủng mới. Trong khi nhiều quốc gia phương Tây đang triển khai tiêm vắc xin mũi thứ ba, chưa đầy 7% người dân ở các nước nghèo châu Phi được tiêm mũi đầu tiên, theo số liệu của các tổ chức y tế và nhân quyền.

MỚI - NÓNG
Bão số 3 gây mất điện diện rộng ở nhiều địa phương
Bão số 3 gây mất điện diện rộng ở nhiều địa phương
TPO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do ảnh hưởng của gió rất mạnh và mưa lớn của bão số 3, nhiều đường dây truyền tải điện 500 kV và 220 kV ở khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng bị sự cố. Một số đường dây truyền tải điện được chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn và nhiều sự cố đường dây đã gây mất điện trên diện rộng ở nhiều địa phương.
Bão số 3 đánh chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh
Bão số 3 đánh chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh
TPO - Chiều 7/9, sau khi đổ bộ đất liền, bão số 3 (tên quốc tế là bão YAGI) gây mưa to và gió giật mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước. Quảng Ninh chịu tác động trực tiếp khi bão số 3 đổ bộ, nhiều thiệt hại đã được ghi nhận.